Nhà thuốc thực hiện GPP, người bệnh có lợi gì?

Theo PGS Phạm Khánh Phong Lan - Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM: Trước nay, người mua không được tư vấn về thuốc do dược sĩ vắng mặt; thuốc bán tự do rất nguy hiểm; thuốc không nguồn gốc, hóa đơn, chứng từ… Đó là những tồn tại xấu cần được chấn chỉnh.

Chất lượng thuốc sẽ tăng

Mục tiêu đầu tiên hướng tới là chấn chỉnh toàn bộ hệ thống bán lẻ vào khuôn phép, đảm bảo cho người dân mua được thuốc an toàn, hiệu quả và hợp lý. Bởi vô lý là dược phẩm từ lúc sản xuất, đến vận chuyển đều an toàn nhưng đến nhà thuốc thì thuốc bị phơi… ngoài nắng. GPP cũng chống được thuốc giả, vì khi thẩm định cấp giấy, nhà thuốc phải giải trình nguồn gốc, hóa đơn, chứng từ, giá cả mọi mặt hàng thuốc đang bán. “Người dân được bảo đảm về chất lượng thuốc, đó là cái quan trọng nhất, nhờ vào hệ thống bảo quản và quản lý tốt hơn. Hơn nữa, có đơn thuốc chắc chắn bệnh nhân sẽ mua thuốc theo một định lượng phù hợp, chi phí thấp hơn khi tự khai bệnh với nhà thuốc để mua” - PGS Lan khẳng định.

Thứ hai là yêu cầu nhà thuốc GPP phải có dược sĩ trực, chứ không phải cho thuê bằng cấp nhưng không làm việc. Nhờ đó người bệnh sẽ được dược sĩ tư vấn về lợi hại của thuốc. Dần dần loại bỏ đi thói quen tự khai bệnh, tự mua thuốc uống trong khi có một số bệnh đòi hỏi phải được bác sĩ khám bệnh và kê đơn.

“Cái chính là trên mặt bằng chung đang lộn xộn, chúng ta siết về quản lý bằng nhiều cách thanh kiểm tra, phạt nhiều hơn. Bên cạnh đó, yêu cầu nhà thuốc phải tuân thủ một cái chuẩn. Chúng tôi không đảm bảo khi đưa ra chương trình, các nhà thuốc nghe và làm theo răm rắp. Tuy nhiên, các nhà thuốc chịu nghe, chịu thay đổi cũng là một tiến bộ rồi” - PGS Lan cho biết thêm.

Nhà thuốc thực hiện GPP, người bệnh có lợi gì? ảnh 1

Mua thuốc tại nhà thuốc GPP sẽ đảm bảo thuốc có nguồn gốc và chất lượng tốt. Ảnh: DUY TÍNH

Theo kiến nghị của Sở Y tế TP.HCM, đến hết 31-12, những nhà thuốc không đạt chuẩn GPP chưa bị đóng cửa nhưng không được bán những loại thuốc phải kê đơn (30 loại), chỉ được bán những loại thuốc thông thường trong khi chờ chuyển đổi. Đến hết năm 2011, những nhà thuốc không đạt GPP sẽ bị ngưng hoạt động.

Bệnh mạn tính vẫn phải có đơn thuốc

Nói như vậy, đến hết năm 2010, những người bệnh mạn tính khi muốn mua thuốc phải đi khám bệnh để có đơn thuốc? Theo PGS Lan, trước giờ vẫn bắt buộc thực hiện như thế nhưng do thanh kiểm tra chưa chặt và ý thức người dân chưa cao. Việc nhà thuốc bán ẩu tả là tình trạng chung. Tuy nhiên, đa số là người mua thuốc tiểu đường, tim mạch, ung thư..., đều có đơn thuốc. Phần lớn người mua không đơn thuốc là người nghèo, không có điều kiện khám bệnh, họ có thể mua theo đơn thuốc cũ.

PGS Lan cho biết phần lớn kháng sinh bán lẻ thường rơi vào các trường hợp người bệnh ho, cảm, viêm họng…, là những kháng sinh nhẹ. Còn những kháng sinh đặc trị cho những trường hợp nhiễm khuẩn nặng thì ít khi nào người dân mua ngoài mà phải vào bệnh viện và thường mua theo chỉ định của bác sĩ.

Giá thuốc sẽ tăng?

Giá cả tại nhà thuốc GPP có đắt hơn so với giá thuốc bình thường? PGS Lan cho rằng đây là vấn đề đang tranh cãi, bởi nhà thuốc GPP cũng là một nhà thuốc bán lẻ, mà hệ thống này vẫn theo Pháp lệnh Giá và tự định giá. Chúng tôi đã kiến nghị nhiều lần là phải có quy định lại Pháp lệnh Giá trong lĩnh vực thuốc bán lẻ, bởi nếu trông chờ vào thị trường không thì không được.

Tuy nhiên, đối với nhà thuốc chuỗi, nhà thuốc doanh nghiệp đạt GPP, người ta quản lý giá thống nhất toàn bộ hệ thống nên phần nào kiểm soát được. Hiện nay có nhiều nhà thuốc chuỗi có một số mặt hàng nhập trực tiếp được, không qua trung gian thì giá rẻ hơn. Sau này, những nhà thuốc chuỗi phát triển đủ mạnh thì người dân sẽ được lợi rất nhiều.

“Tại các bệnh viện, áp dụng quy chế kê đơn đã rõ, còn lại là việc khám tại các phòng mạch tư. Thường những nơi này, bác sĩ khám và bán thuốc luôn và không kê đơn cho người bệnh. Bác sĩ bán thuốc, không kê đơn là thực tế chưa khắc phục được. Tuy nhiên, bệnh nhân nên yêu cầu có đơn thuốc để bảo vệ mình khi có sự cố tai biến về thuốc” - PGS Lan nói.

Tiêu chuẩn nhà thuốc đạt GPP

Về cơ sở vật chất: Diện tích tối thiểu 10 m2, sắp xếp thuốc không lộn xộn; thuốc, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng không để chung với nhau, thuốc buộc để trong tủ lạnh phải để trong tủ lạnh. Nhiệt độ nhà thuốc không vượt quá 30oC, độ ẩm dưới 75%, thuốc không được tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng.

Về quy trình: Phải có quy trình bán thuốc. Toàn bộ hệ thống thuốc phải được quản lý. Nhà thuốc có số lượng thuốc nhiều có thể quản lý bằng hệ thống máy tính, còn nhà thuốc nhỏ ở khu dân cư theo dõi bằng sổ sách. Cuối cùng là phải có dược sĩ đại học mỗi ngày để chăm sóc dược cho người dân.

Gần kề thời điểm thực hiện GPP

Từ năm 2007, Bộ Y tế đặt ra chuẩn nhà thuốc GPP (thực hành tốt nhà thuốc) và đến hết năm 2010 để nhà thuốc chuyển đổi tự giác, phục vụ người dân tốt hơn. Ngành y tế cam kết người mua thuốc tại các nhà thuốc đạt tiêu chuẩn GPP sẽ được đảm bảo thuốc có nguồn gốc, chất lượng và sử dụng an toàn và có dược sĩ tư vấn về lợi hại của thuốc. Theo lộ trình đó, kể từ ngày 1-1-2011, tất cả nhà thuốc đều phải đạt chuẩn GPP.

Thống kê của Bộ Y tế cho thấy cả nước hiện nay có 41.000 cơ sở bán thuốc lẻ, trong đó có khoảng 9.000 nhà thuốc. Riêng tại TP.HCM có 3.667 nhà thuốc nhưng chỉ mới có 1.250 nhà thuốc đạt chuẩn GPP. Hiện có những tỉnh chưa có nhà thuốc nào đạt chuẩn GPP. Mặt khác, về phía người dân, nhận thức về GPP cũng chưa rõ ràng. Thực hiện GPP ngoài việc thay đổi, nâng cấp các nhà thuốc còn chạm đến thói quen, sinh hoạt mua thuốc trị bệnh của người dân.

GPP lợi ích thiết thực

Điểm khác nhau cơ bản giữa nhà thuốc GPP và không GPP là một bên được bán thuốc kê đơn và một bên không được bán thuốc kê đơn. Nhà thuốc không GPP sẽ chỉ được bán những loại thuốc thông thường.

Người mua thuốc tại nhà thuốc GPP được mua thuốc có nguồn gốc, chất lượng thuốc được bảo đảm, có hệ thống theo dõi, quản lý danh sách người mua thuốc để có thể truy tìm khi có sự cố phản ứng thuốc. Điều này các nhà thuốc thông thường không làm được.

Nếu người bị bệnh thông thường như ho, sổ mũi… đến nhà thuốc GPP thì nhân viên (đã được huấn luyện) sẽ quyết định bán thuốc ở một mức độ, đối với kháng sinh thì tuyệt đối phải bán theo đơn.

Nhà thuốc GPP phải cung cấp hóa đơn cho người mua khi có yêu cầu, dù tiền mua thuốc ít hay nhiều. Nếu cung cấp hóa đơn chậm, gây thiệt thòi cho người mua, nhà thuốc phải có nghĩa vụ giải thích cho cơ quan bảo hiểm xã hội.

Dược sĩ đại học đứng tên nhà thuốc phải phụ trách chuyên môn và chịu trách nhiệm tư vấn thuốc cho người mua. Chỉ có dược sĩ đại học mới có quyền thay thế thuốc cho bệnh nhân khi đơn thuốc của bác sĩ kê không phù hợp. Thực trạng lâu nay là dược sĩ trung học ở các nhà thuốc tự do thay thế thuốc cho bệnh nhân một cách vô tội vạ. Khi không có thuốc này, họ tự ý thay thuốc khác.

PGS-TS TRƯƠNG VĂN TUẤN,
Phó Chủ tịch Hội Dược học TP.HCM

DUY TÍNH

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm