Mù mắt, bỏng nặng vì sử dụng bếp cồn

Vụ tai nạn thương tâm trên xảy ra với anh Nguyễn Văn T. (40 tuổi, ngụ tại Châu Thành, tỉnh An Giang). Đang chiên mẻ đậu phụ thứ hai thì ngọn lửa tàn dần do bếp hết cồn, một người trong nhóm thợ chạy vào nhà xách can cồn (khoảng 1 lít) ra, người khác nhấc chảo đậu hũ ra khỏi bếp. Trong lúc lửa vẫn còn cháy liêu riêu, anh ta đã cầm can cồn đổ thẳng vào bếp. 

Bị lửa bất ngờ bùng lên dữ dội liếm vào cánh tay và mặt, anh tá hỏa vung tay ném can cồn không ngờ trúng vào anh T. đang ngồi đối diện. Trong tích tắc toàn thân anh T. bị lửa bao trùm, khi mọi người dập tắt lửa anh đã bị bỏng nặng, bất tỉnh…
Mù mắt, bỏng nặng vì sử dụng bếp cồn ảnh 1
Anh Nguyễn Văn T. đang điều trị tại khoa khoa Phỏng, Bệnh viện Chợ Rẫy TP.HCM

Ngay lập tức anh được chuyển đến bệnh viện địa phương cấp cứu, nhưng do tình trạng quá nặng nên bác sĩ đã quyết định chuyển anh lên Bệnh viện Chợ Rẫy TP.HCM. BS Ngô Đức Hiệp, khoa Phỏng, Bệnh viện Chợ Rẫy TP.HCM cho biết, bệnh nhân T. bị bỏng gần 50% cơ thể, trong đó có 10% bỏng sâu. Ngoài ra, bệnh nhân còn gặp tổn thương cả hai mắt, nhiều khả năng mắt phải khó có thể phục hồi.

Thời gian gần đây, bếp cồn đang được sử dụng nhiều để thay thế cho bếp ga mini (dễ gây cháy nổ) nhưng do sử dụng không đúng cách nhiều người đã bị bỏng nặng. Bác sĩ khuyến cáo, khi gặp lửa cồn rất dễ bùng lên thành những khối lửa lớn. Vì vậy sử dụng bếp cồn cần chú ý để bếp tắt hẳn rồi mới thêm cồn mới. Trong trường hợp bếp đang cháy nếu muốn thêm cồn phải có các dụng cụ hỗ trợ như cây sắt gắp cồn (cồn khô) bình châm cồn gắn vòi kim loại (cồn nước).

Theo Bùi Hương (Bee.net)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm