Một giường năm người bệnh

Ngày 14-1, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã đến thăm và làm việc tại BV Ung bướu TP.HCM.

Cho ra ngoại trú để giảm tải

BS Lê Hoàng Minh, Giám đốc BV Ung bướu TP.HCM, đã báo động về tình trạng quá tải. Năm 2011, tại BV có 60%-70% bệnh nhân tuyến tỉnh chuyển về nhưng năm 2012 tăng lên đến 78%, dẫn đến tình trạng quá tải nặng. Một giường trung bình có 3-4 bệnh nhân, thậm chí là năm người/giường, bệnh nhân không phải nằm viện mà là “ngồi viện”.

BV đã tiến hành nhiều giải pháp, tăng số giường bệnh, giúp đỡ các BV tuyến dưới về nguồn nhân lực, hợp tác liên kết với các đơn vị vệ tinh mở lớp xạ trị, định hướng về hóa trị... đưa cán bộ về các tỉnh như Cần Thơ, Kiên Giang để hỗ trợ nghiệp vụ. Nhờ đó, bệnh nhân nội trú giảm đến 20%.

Ngoài ra, bệnh nhân giai đoạn cuối (chiếm 20%-30%) cho về điều trị tại gia đình. Tăng cường điều trị trong ngày (400-500 bệnh nhân/ngày). Làm thông tầm và cả thứ Bảy, Chủ nhật. Hiện BV đang hỗ trợ, hợp tác với BV 175, quận 2… Lãnh đạo BV Ung bướu cho biết sắp tới sẽ sớm mở khoa khám bệnh tại quận Bình Thạnh, dự kiến khoảng 25 phòng khám.

Một giường năm người bệnh ảnh 1

Cảnh chật chội tại khoa Nhi BV Ung bướu. Ảnh: DT

Chờ 2 giờ mới gặp được bác sĩ

BS Phạm Xuân Dũng, Phó Giám đốc BV Ung bướu, cũng cho biết đa số bệnh nhân khám ngoại trú về trong ngày thường đi từ khuya và đến BV xếp hàng chờ lấy số là 4 giờ sáng. Từ khi lấy số chờ đến khám xong phải mất 2 tiếng đồng hồ. Trong đó thời gian bác sĩ gặp bệnh nhân rất là ngắn. Nguyên nhân tình trạng này, do mặt bằng chật hẹp nên khoa khám chỉ có chín phòng khám (bốn bác sĩ/phòng), cũng như thiếu nhân sự…

Bộ trưởng Bộ Y tế cho rằng bệnh nhân đông quá thì bác sĩ sẽ không có sức làm việc. Việc điều chỉnh giá dịch vụ quá thấp nên BV không thể tuyển thêm nhân viên và không mở được thêm phòng khám, bệnh nhân phải chờ lâu và ảnh hưởng đến vấn đề chất lượng.

Để giải quyết vấn đề này, Bộ sắp ban hành dự án BV vệ tinh và dự án bác sĩ gia đình. Bộ trưởng cũng lưu ý đến giải pháp hỗ trợ chỗ ở cho người nhà bệnh nhân đến điều trị, nhất là bệnh nhân điều trị lâu, nhằm tránh tình trạng chiếu, gối la liệt ngay tại khuôn viên BV…

Năm 2015, giảm 60% bệnh nhân chuyển từ BV vệ tinh lên tuyến trên

Bộ Y tế vừa đưa ra dự thảo dự án BV vệ tinh giai đoạn năm 2013-2020. Theo đó, về lĩnh vực ung thư, có ba BV hạt nhân (chính) là BV K, BV Ung bướu TP.HCM và BV Đa khoa Trung ương Huế.

Bệnh viện K có bảy BV vệ tinh của là BV đa khoa các tỉnh: Phú Thọ, Hòa Bình, Nam Định, Bắc Ninh, Ninh Bình, Nghệ An và BV Đa khoa Bãi Cháy (Quảng Ninh). BV Ung bướu TP.HCM có năm BV vệ tinh là BV đa khoa các tỉnh: Bình Định, Khánh Hòa, Kiên Giang và BV Thống Nhất Đồng Nai, BV Ung bướu Cần Thơ. BV Đa khoa Trung ương Huế có ba BV vệ tinh là các BV đa khoa các tỉnh: Quảng Trị, Quảng Nam và Kon Tum.

Đến năm 2015, các BV vệ tinh nói chung đạt các chỉ tiêu cụ thể như sau: 100% nhân viên y tế tiếp nhận chuyển giao kỹ thuật được đào tạo về chuyên môn kỹ thuật phù hợp. 100% các kỹ thuật sau tiếp nhận chuyển giao được BV vệ tinh tự thực hiện tốt và duy trì bền vững. 100% các BV hạt nhân và BV vệ tinh thực hiện được đào tạo và tư vấn khám, chữa bệnh từ xa bằng công nghệ thông tin. Tăng tỉ lệ người bệnh đến khám, chữa bệnh tại các BV vệ tinh, giảm 60% tỉ lệ chuyển tuyến từ BV vệ tinh lên BV hạt nhân so với trước khi thực hiện Đề án BV vệ tinh.

DUY TÍNH

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm