“Mông má” heo nái thành heo rừng

Rạng sáng 20-12, Trạm Kiểm dịch động vật Thủ Đức (TP.HCM) và Đội CSGT Rạch Chiếc (Phòng CSGT Đường bộ - Đường sắt, Công an TP) phát hiện xe khách 52 chỗ 18N-5372 chở gần một tấn thịt heo nái được “mông má” thành heo rừng.

Heo thối thành heo rừng

Số thịt trên được chứa trong nhiều thùng xốp, giấu dưới gầm chở hành lý. Toàn bộ đều không rõ nguồn gốc, không có dấu kiểm dịch, đã được pha lóc với lớp da vàng ươm, lông ba chấu hệt như thịt heo rừng. Tuy nhiên, lực lượng thú y xác định đây là thịt heo nái đã được “mông má” và tất cả đều bị hôi ê. Ngoài ra, còn có chín con heo sữa bốc mùi nồng nặc, trong đó có con bị xuất huyết toàn thân.

Tài xế Trần Văn Hà cho biết nhận vận chuyển số thịt trên từ Nam Định vào TP.HCM nhưng không biết chủ hàng và người nhận là ai. Ông Hà xuất trình các giấy chứng nhận kiểm dịch động vật có đóng dấu treo của Chi cục Thú y tỉnh Nam Định, có chữ ký của các kiểm dịch viên cấp ngày 18-12. Tuy nhiên, Trạm Kiểm dịch động vật Thủ Đức khẳng định các giấy tờ trên không hợp lệ và có khả năng được ký khống, bởi nhiều nội dung bị bỏ trống hoặc ghi không đúng quy định. Các giấy tờ trên ghi nơi đến cuối cùng là ở quận 5 và thị xã Đồng Xoài (Bình Phước). Tuy nhiên, ông Hà cho hay số thịt heo này sẽ được chở đến ngã tư Ga (quận 12) và có người ra nhận.

Theo Đội CSGT Rạch Chiếc và Trạm Kiểm dịch động vật Thủ Đức, liên tục gần đây đã phát hiện nhiều trường hợp heo nái “hô biến” thành heo rừng. Hầu hết số thịt có nguồn gốc từ Quảng Ngãi, Lạng Sơn, Nam Định được đưa vào TP.HCM bằng xe khách. Trong số những vụ kể trên, lô hàng ngày 20-12 có số lượng lớn nhất. Theo một số chủ hàng, hầu hết lượng thịt được bán rẻ cho các quán nhậu, nhà hàng.

“Mông má” heo nái thành heo rừng ảnh 1

Con heo sữa bị xuất huyết, nổi chấm đỏ trên toàn thân. Ảnh: MP

Thú y xác nhận bằng chữ viết tay

Cũng trong sáng 20-12, tại xa lộ Hà Nội đoạn gần khu vực ngã ba Tân Vạn, lực lượng liên ngành còn bắt quả tang hai ô tô khách chở thịt heo không rõ nguồn gốc vào TP tiêu thụ. Trong đó, xe khách 72C-01.060 chở khoảng 640 kg thịt heo, lòng heo và thịt gà nhưng chỉ gần 120 kg có nguồn gốc. Theo chủ hàng, phần lớn số thịt này được thu gom từ Biên Hòa (Đồng Nai) về bỏ cho đầu mối ở chợ Bàn Cờ, quận 3. Chủ hàng cũng đưa ra một tờ giấy viết tay của chủ lò mổ ở xã Phước Tân, Biên Hòa, Đồng Nai để chứng minh nguồn gốc của lô hàng. Trong giấy này còn có chữ xác nhận viết tay của một người tên Bạch Ngọc Thành với chức danh thú y xã và là cán bộ kiểm soát giết mổ ở lò mổ nêu trên. Một cán bộ ở Trạm Kiểm dịch động vật Thủ Đức cho biết việc xác nhận như vậy của cán bộ thú y Bạch Ngọc Thành là sai nguyên tắc. Trạm đã thông báo cho Trạm Thú y Biên Hòa để phối hợp xử lý.

Theo bà Đặng Thị Tuyết, Trưởng trạm Kiểm dịch động vật Thủ Đức, toàn bộ số thịt không rõ nguồn gốc, không có giấy kiểm dịch sẽ bị tịch thu, tiêu hủy.

Thú y đóng dấu cho thịt heo nái giả heo rừng?

Trả lời Pháp Luật TP.HCM qua điện thoại, ông Đinh Ngọc Giang (thị trấn Liễu Đề, huyện Nghĩa Hưng, Nam Định) cho biết số thịt “heo rừng” bị tịch thu chở trên xe 18N-5372 là của ông và một người bà con. Ông Giang cho hay đã dùng đèn khò với bình gas loại lớn để khò, đốt cho da vàng ươm lên, sau đó tưới nước vào rồi lấy búi rác cọ vào da heo để màu vàng giữ được lâu. Kế đến, dùng kim để cấy hoặc xăm lông ba chấu trông hệt như lông heo rừng. “Ở ngoài này còn có nhiều lò mổ cùng “quy trình” biến heo nái thành heo rừng để đưa vào TP.HCM tiêu thụ như thế” - ông Giang nói.

Theo ông Giang, chỉ những heo không bệnh tật, ốm đau mới được thú y địa phương cho phép mổ. Sau khi mổ thịt, khò vàng và xăm lông xong, thú y sẽ đóng dấu rồi cho thịt vào thùng xốp (khoảng 50 kg/thùng), ướp đá để chở đi tiêu thụ. Có thể trong quá trình vận chuyển nước đá đã làm mờ các dấu đóng của thú y vào số thịt trên (?). Đã gần một năm qua, cứ một tháng ông Giang chuyển hàng vào TP.HCM ba lần, toàn bằng xe khách và đây là lần thứ hai bị phát hiện (lần trước ở Thanh Hóa).

“Giá bán thông thường 40.000 đến 60.000 đồng/kg, hàng hóa chủ yếu được giao cho mối lái ngay bến xe chứ không biết người mua là ai. Làm thế này cũng chỉ kiếm cơm nuôi vợ con, chứ chở bằng xe đông lạnh thì một chuyến mất trên chục triệu đồng, hết cả tiền lãi” - ông Giang phân bua.

MINH PHONG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm