Mối nguy từ chất tạo nạc

Chất tạo nạc được sử dụng rộng rãi là clenbuterol, thường gọi tắt là clen. Trước tiên, đây là một chất kích thích giao cảm được sử dụng cho những bệnh nhân có bệnh đường hô hấp mãn tính như hen phế quản vì thuốc có tác dụng chống sung huyết và làm giãn phế quản (giãn nở các đường dẫn khí trong phổi).

Chất tạo nạc là gì?

Thuốc có tác dụng giãn cơ trơn nên có thể làm thuốc giãn phế quản và giảm co bóp tử cung. Thuốc cũng làm tăng cường hoạt động thể lực, kích thích thần kinh trung ương, tăng huyết áp, tăng thân nhiệt và tăng vận chuyển ôxy trong máu.

Clenbuterol có tác dụng đốt cháy mỡ trong cơ thể rất mạnh và dù không phải là thuốc thuộc nhóm steroid nhưng clenbuterol lại được cho là có tác dụng tăng khối cơ của cơ thể.

Nguy hiểm ra sao?

Do các chế phẩm có clenbuterol dễ dàng tìm thấy trên thị trường nên khả năng lạm dụng thuốc rất cao. Ngộ độc thức ăn có chứa clenbuterol đặc biệt nguy hiểm đối với bệnh nhân tim mạch, đặc biệt những bệnh nhân bị rối loạn nhịp, suy tim và bệnh mạch vành.

Với những đối tượng này, dù lượng clenbuterol tiêu thụ không nhiều để có thể gây nên nhưng triệu chứng lâm sàng rõ rệt vẫn đủ để có tác hại không lường trước được trên hệ tim mạch, đặc biệt có thể gây rối loạn nhịp nguy hiểm, thậm chí nhồi máu cơ tim đưa đến tử vong.

Phòng tránh thế nào?

Kiểm soát việc sử dụng chất tạo nạc trong chăn nuôi gia súc là vấn đề lớn. Bởi nếu tình trạng vẫn tiếp diễn thì người chăn nuôi chân chính sẽ bị thiệt thòi đầu tiên. Trong bài viết này, xin được đưa ra một số lời khuyên cho người tiêu dùng từ kinh nghiệm trên thế giới:

1- Vì nội tạng của động vật, đặc biệt gan là nơi chứa clenbuterol với hàm lượng cao nếu gia súc được nuôi bằng chất tạo nạc, nên người tiêu dùng cần cân nhắc hạn chế sử dụng các bộ phận này.
2- Không nên hi vọng việc nấu chín sẽ làm phân hủy clenbuterol!
3- Chỉ nên mua thịt từ những nguồn đáng tin cậy, có sự kiểm soát chặt chẽ từ nguồn cung cấp đến điểm phân phối.

Nếu xuất hiện các triệu chứng bất an, lo lắng, nhịp tim nhanh, run cơ, đau cơ và nhức đầu sau khi ăn thịt, ăn nội tạng gia súc thì cần nhanh chóng đến các cơ sở y tế để được thăm khám, chẩn đoán và điều trị kịp thời.
 

 Một số vụ ngộ độc thức ăn chứa clenbuterrol được ghi nhận trên thế giới

1990

Pháp và
Tây Ban Nha

Ít nhất 22 nạn nhân ở Pháp và 135 trường hợp ở Tây Ban Nha được ghi nhận bị ngộ độc clenbuterol. Nguồn gốc của các vụ ngộ độc là gan bê.

1998-1999

Hong Kong

Có 17 người bị ngộ độc clenbuterol do thức ăn bị nhiễm thuốc.

2000

Hong Kong

Tổng cộng 35 vụ ngộ độc clenbuterol được ghi nhận với 82 nạn nhân. Nguyên nhân là do ăn phải thịt heo bị nhiễm thuốc.

1998-2002

Bồ Ðào Nha

Ghi nhận 50 nạn nhân bị ngộ độc bởi gan động vật và thịt heo
chứa clenbuterol.

2006

Thượng Hải

Trên 330 người bị ngộ độc do ăn thịt heo bị nhiễm clenbuterol.

2009

Quảng Ðông

Ít nhất 70 người bị ngộ độc do ăn nội tạng heo.

2011

Trung Quốc

Clenbuterol được phát hiện trong thịt heo và các sản phẩm từ thịt heo, bao gồm cả hamburger và xúc xích.


Theo TS.BS LÊ MINH KHÔI, Đại học Y dược TP.HCM (TTO)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm