Máy trợ thính ngoài tầm quản lý - Bài 1: Đo tai đơn giản, giá máy cao ngất!

Do môi trường sống có nhiều thay đổi nên lượng người lớn lẫn trẻ em bị giảm thính lực khá cao, do vậy nhu cầu sử dụng máy trợ thính ngày càng nhiều. Tuy nhiên, loại máy này hiện đang bị thả nổi, không được quản lý mà chất lượng, giá cả thì vô chừng.

Đo tai quá dễ!

Trên đường Trần Quốc Thảo (quận 3, TP.HCM) xuất hiện nhiều cửa hàng bán máy trợ thính nằm gần BV Tai mũi họng.

PV tìm đến một cửa hàng ở khu vực này hỏi mua máy trợ thính. Nhân viên cửa hàng đề nghị PV phải đo thính lực trước. “Điếc có bốn cấp độ: nhẹ, vừa, nặng, rất nặng. Căn cứ vào kết quả đo, cửa hàng sẽ tư vấn loại máy thích hợp để anh mua” - nhân viên nói.

PV đồng ý và tự nhủ chắc được đo bằng thiết bị hiện đại. Thế nhưng máy đo thính lực tại đây giống như… thiết bị điều chỉnh âm thanh ở các phòng thu âm. Nhân viên cho PV mang hai tai nghe rồi nói: “Tôi sẽ phát nhiều tiếng động từ chiếc máy và kiểm tra từng tai một. Nghe lớn hoặc nghe nhỏ thì anh giơ tay, không nghe không giơ tay”.

Nhân viên cửa hàng lần lượt đo tai phải đến tai trái bằng cách cho PV nghe nhiều âm thanh khác nhau như tiếng hú, còi tàu, xe lửa chạy… từ nhỏ đến lớn dần. Tiếp theo, nhân viên này để thiết bị tai nghe xa lỗ tai của PV và cũng phát ra nhiều tiếng động khác nhau, từ nhỏ đến lớn. 15 phút sau, độ điếc của PV được thể hiện trên thính lực đồ.

Máy trợ thính ngoài tầm quản lý - Bài 1: Đo tai đơn giản, giá máy cao ngất! ảnh 1

Nhiều loại máy trợ thính được bán tại các cửa hàng ở TP.HCM, trong đó có máy giá… 60 triệu đồng/cái. Ảnh: TRẦN NGỌC 

Nhân viên cửa hàng kết luận: “Anh nghe rất kém. Khi trao đổi anh phải tập trung, nhìn khẩu miệng mới hiểu người khác nói gì, do vậy anh nên mang máy trợ thính. Nếu giờ anh không đeo máy thì 1-2 năm sau anh muốn đeo máy cũng không được vì lúc đó thính lực anh giảm rất nhiều, máy trợ thính không còn tác dụng”.

Tương tự, các cửa hàng bán máy trợ thính khác ở khu vực này cũng thực hiện đo thính lực cho khách hàng, sau đó tư vấn bán máy. Thiết bị và cách thức đo thính lực của các cửa hàng tương tự nhau.

60 triệu đồng/máy!

Căn cứ vào kết quả đo thính lực, nhân viên cửa hàng khuyên PV nên dùng máy trợ thính đeo vành tai có công suất mạnh, 6-16 kênh do Thụy Sỹ sản xuất. “Kênh càng nhiều thì ít tạp âm, âm thanh càng sắc và rõ” - nhân viên này nói.

Sau đó, nhân viên cửa hàng giới thiệu PV hai loại máy với giá mỗi cái trên 30 triệu đồng và gần 49 triệu đồng. “Anh nên mua hai máy để nghe cho rõ. Ngoài bớt 5%, cửa hàng còn tặng anh hơn 10 cục pin, mỗi cục sử dụng khoảng 25 ngày. Máy được bảo hành 2-3 năm, bảo dưỡng suốt đời. Độ bền của máy 8-10 năm” - nhân viên này cho biết.

Cứ tưởng loại máy có giá gần 49 triệu đồng/cái là mắc nhất, PV giật mình khi nghe nhân viên bảo cửa hàng có máy giá… 60 triệu đồng/cái. “Hơn nhau về tính năng, tính năng càng nhiều thì máy càng mắc, nghe rõ trong môi trường ồn ào” - nhân viên cửa hàng giải thích.

Chưa hết, nhân viên này còn giới thiệu loại máy trợ thính có thiết bị giúp nghe rõ điện thoại, nghe rõ âm thanh phát ra từ tivi… Thiết bị đi kèm phải mua riêng với giá 6-7 triệu đồng.

Tại một cửa hàng khác, nhân viên giới thiệu đủ máy trợ thính do Mỹ, Đức, Đan Mạch… sản xuất với giá từ 8,5 triệu đồng trở lên. Có hai loại máy trợ thính: Loại kỹ thuật số bình thường và loại lập trình. Loại kỹ thuật số bình thường chỉ hãm một phần tiếng ồn rồi khuếch đại âm thanh lên. Loại lập trình tiên tiến hơn, có thể hiệu chỉnh thính lực đồ trên phần mềm vi tính, tiếng động nghe êm tai hơn. Nhân viên cửa hàng còn cho biết máy trợ thính không nằm trong danh mục trang thiết bị y tế nên không cần giấy nhập khẩu của Bộ Y tế.

Mua giùm cũng bán!

Không chỉ có mặt trong các cửa hàng đơn thuần kinh doanh máy trợ thính, loại máy này còn được bán trong các cửa hàng trang thiết bị y tế, dụng cụ y khoa. Tại một cửa hàng trang thiết bị y tế ở đường Tô Hiến Thành, quận 10, TP.HCM), nghe PV hỏi mua máy trợ thính cho người nhà, nhân viên cửa hàng giới thiệu máy của Đức giá 780.000 đồng/cái, Nhật giá 890.000 đồng/cái. “Nói là của Đức, Nhật nhưng thật ra liên doanh với Trung Quốc nên không bảo hành” - nhân viên cửa hàng cho biết.

Nhân viên này giới thiệu máy trợ thính nói trên giống như… máy nghe nhạc, một đầu dây cắm vô máy, còn đầu kia nhét vô lỗ tai. Máy có nút điều chỉnh âm thanh, điếc nhẹ thì chỉnh nhỏ, điếc nặng thì chỉnh lớn.

Tương tự, nghe PV hỏi mua máy trợ thính cho người nhà, nhân viên một cửa hàng dụng cụ y khoa ở đường Thành Thái, quận 10, TP.HCM giới thiệu máy của Đan Mạch và Đức với giá lần lượt mỗi cái là 1,7 triệu đồng và 750.000 đồng. “Hàng liên doanh Trung Quốc, bảo hành một năm” - nhân viên cửa hàng nói.

Nên đeo máy trợ thính thường xuyên

Nguyên nhân gây giảm thính lực chia làm ba nhóm: tai ngoài, tai giữa hoặc tai trong. Tai ngoài do hẹp ống tai, viêm khuẩn hoặc u bướu. Tai giữa do viêm, tổn thương chuỗi xương con, xơ hóa. Tai trong do viêm, nhiễm độc, thoái hóa do di truyền, tuổi tác hoặc bẩm sinh.

Biểu hiện giảm thính lực ở người lớn như sau: Trong môi trường tiếng ồn thì khó bắt kịp câu chuyện người khác nói, hay hỏi lại. Nặng hơn thì nói lớn mới nghe. Rất nặng thì nói lớn cũng không nghe, chỉ nghe tiếng động. Biểu hiện giảm thính lực ở trẻ dưới hai tuổi là đáp ứng âm thanh kém.

Thông thường 70 tuổi trở lên mới bị giảm thính lực. Tuy nhiên, hiện nay không ít người 40-50 tuổi đã bị lãng tai. Những người làm việc trong môi trường có tiếng ồn như may, dệt, cơ khí, đóng tàu, CSGT bị giảm thính lực nhiều nhất. Giảm thính lực nên đến BS chuyên khoa tư vấn, kiểm tra và chỉ đeo máy khi BS chỉ định.

Giảm thính lực đã lâu nhưng không đeo máy thì mức độ hiểu lời nói sẽ giảm. Một khi thính lực rơi vào tình trạng quá nặng mới chịu đeo máy sẽ dẫn đến thực trạng khó hiểu ngôn từ. Trẻ em giảm thính lực phải đeo máy trợ thính thường xuyên. Nếu không sẽ giảm khả năng nghe, khả năng giao tiếp, ảnh hưởng, hạn chế giao tiếp và đánh mất những cơ hội trong cuộc sống.

ThS-BS ĐỖ HỒNG GIANG, Phó Trưởng khoa Thính học
BV Tai mũi họng TP.HCM

TRẦN NGỌC

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm