Làm gì khi ong tấn công vào chỗ hiểm?

  Có thể tử vong vì bị ong đốt

GS. TS KH Vũ Quang Côn, Chủ tịch Hội Côn trùng học Việt Nam cho biết, hiện nay chưa có nhiều nghiên cứu về các tính độc trong tự nhiên, trong đó có ong. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, khi bị ong đốt, nhẹ thì bị buốt sau đó rồi bị sưng to trong vòng vài ngày rồi hết. Trong trường hợp bị cả một đàn ong tấn công, hoặc bị những loại ong như ong bò vẽ, ong đất, ong bắp cày đốt nếu không biết cách có thể dẫn đến hôn mê và tử vong.

Làm gì khi ong tấn công vào chỗ hiểm? ảnh 1

Việt Nam đã có một số trường hợp chết do bị ong tấn công. Ảnh IE


Đồng quan điểm, GS Bùi Công Hiển, giám đốc Trung tâm Ứng dụng Côn trùng học, Đại học Quốc gia Hà Nội, cũng khẳng định, ở Việt Nam đã có một số trường hợp chết do bị ong tấn công. Khi tấn công, ong thường tiết ra các  a xít. Các  a xít này có chứa độc tố.  Điều đặc biệt, ong thường tấn công con người bằng phương pháp tiêm chích thẳng. Với cách này, các nọc độc của ong sẽ xâm nhập thẳng vào máu, vào hệ thần kinh. Vì thế, những người có những bệnh về tim mạch khi bị ong đốt có thể bị sốc, bị hôn mê, hoặc tử vong.

Tuy nhiên, các chuyên gia cũng khẳng định, không phải cứ bị ong đốt là bị trúng độc. Có nhiều loại ong (ví dụ các loại ong bé, ong nhà) thường ít gây độc (trừ trường hợp bị cả đàn ong tấn công). Thông thường chỉ có các loại, ong rừng như bò vẽ, bắp cày… mới chứa nhiều độc tố. Đối với những loại ong này, nếu bị đốt vào những chỗ hiểm như vào đầu, ngực (gần tim), mắt, mũi, tai...thì mức độ nguy hiểm đến tính mạng con người là rất lớn.

Dùng nước bọt, kem đánh răng chữa ong đốt

Các chuyên gia cho biết, tuy có chứa độc, song nếu biết cách, con người vẫn có thể chung sống hòa bình với loài côn trùng này. Thực tế cho thấy, người ta còn sử dụng nọc độc của ong để chữa thớp khớp, cai nghiện ma túy...

GS. TSKH Vũ Quang Công khuyên: ong là loài côn trùng ít tấn công con người, trừ khi con người có chủ định tấn công với chúng hoặc vô tình “va, quệt”. Cách tốt nhất chúng nên tránh “gây hận" với loài côn trùng này. Khi bị ong tấn công, chúng ta nên tìm cách “chạy  trốn” như ngồi thụp xuống, nhảy xuống nước, đốt thứ gì đó khói sẽ xua đuổi ong bay xa. Trong trường hợp chúng ta “lỡ tay” giết chết con ong thì nên nhanh chóng rời đi. Vì khi ong chết thường tiết ra một chất hương để cảnh báo cho cả đàn. Nếu không nhanh chóng rời khỏi, có khi chúng ta sẽ bị cả một đàn ong bu đến tấn công. Trong trường hợp đi vào rừng, hãy mặc quần áo kín, đội mũ, đeo kính... để tránh trường hợp ong tấn công vào những chỗ hiểm...

GS Bùi Công Hiển khuyến cáo: khi bị ong tấn công hãy bình tĩnh để tìm cách xử lý. Nhẹ có thể sử dụng các mẹo của dân gian như lấy nước bọt, kem đanh răng, nhai nhỏ hạt gạo (có tác dụng trung hoà axit) để bôi vào các chỗ bị thương. Tuy nhiên,  trong trường hợp bị nặng như bị các loài ong bò vẽ, bắp cày hoặc bị cả đàn ong tấn công, hoặc tấn công vào các chỗ hiểm thì ngay khi sơ cứu phải nhanh chóng đưa đến bệnh viện để được điều trị kịp thời.

Trong tự nhiên, ngoài ong còn rất nhiều loài côn trùng khác có chứa độc tố hoặc gây phiền toái như muỗi gây ra các loại bệnh truyền nhiễm, ruồi, gián làm lây truyền các bệnh về đường ruột, bướm, bọ chét gây mẩn ngứa, sưng tấy, dị ứng cho da... Với ruồi, muỗi, phải luôn giữ nhà cửa sạch sẽ, phát quang các bụi rậm. Không để thức ăn, đồ uống bừa bãi. Giũ quần áo, giày dép, khăn trải giường để lâu ngày vì côn trùng có thể trốn trong các nếp gấp…Đối với bướm, bọ chét, các loại côn trùng cánh cứng thường xuất hiện vào mùa gặt, tốt nhất là mặc áo dài tay, dùng khẩu trang bịt mặt khi đi gặt. Ở nhà nên đóng kín cửa, đi ngủ mắc màn để tránh côn trùng va hoặc đậu vào người. Đặc biệt, khi bị “dính” phấn của bước, côn trùng cánh  cứng, không được làm lan sang các vùng khác ở da, vì như thế sẽ làm chất độc của côn trùng lan rộng thêm.

Theo Lan Hoa (KH&ĐS)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm