Hội chứng “cháy sạch”

Bỗng một ngày bạn thấy cơ thể mệt mỏi, chán chường, nhấc chân nhấc tay cũng không nổi, chẳng buồn ăn uống. Tinh thần làm việc hay vui chơi cũng không thể xốc dậy dù được củng cố thế nào. Đó chính là lúc hội chứng “cháy sạch” ghé thăm.

Bệnh len lén đến lúc nào không hay

Nạn nhân của hội chứng này thường khi hãy còn rất trẻ, trước đó chưa hề có lần đau yếu nghiêm trọng, bỗng nhiên trở nên mệt mỏi dù chưa làm việc bao nhiêu, chợt chán chường dù không có lý do, thậm chí không thể tập trung tư tưởng đến độ đãng trí như người mất hồn.

Hội chứng “cháy sạch” không là khám phá gì mới lạ. Con số hơn 500.000 nạn nhân, theo thống kê năm 2011, ở CHLB Đức là dẫn chứng cho thấy mức độ nghiêm trọng của căn bệnh này. Với áp lực và môi trường cuộc sống hiện tại, con số nạn nhân ở xứ mình chưa chắc thấp hơn.

Hội chứng “cháy sạch” trên thực tế có tầm tai hại vượt xa con số thống kê vì triệu chứng báo động mơ hồ, thậm chí quá thông thường như nhức đầu, chóng mặt, ù tai… nên một số không ít bệnh nhân lọt lưới chẩn đoán. Bệnh nhờ đó dễ trở thành nhiêu khê vì len lén vào nhà lúc nào không hay! Đã vậy, nguyên nhân của hội chứng “cháy sạch” không hẳn chỉ vì tình trạng căng thẳng thần kinh, dù là bệnh thường biểu lộ với hình ảnh trầm uất. Tất cả lý do xói mòn sức đề kháng đều gửi lời “than phiền” đến hệ thần kinh trung ương. Não bộ vì thế sớm muộn cũng chào thua để nhường chỗ cho hội chứng “cháy sạch” giành quyền chủ động!

Hội chứng “cháy sạch” ảnh 1

Trên cơ sở vừa phân tích, người hay bị bội nhiễm nhưng không được điều trị đến nơi đến chốn, điển hình là viêm đường tiết niệu, viêm xoang, viêm nha chu, viêm phế quản… là đối tượng dễ trở thành nạn nhân của hội chứng “cháy sạch” một cách oan uổng. Bên cạnh đó, tình trạng dị ứng cũng là bàn đạp cho thế tiến công của hội chứng hết pin. Rất nhiều người cứ tưởng hễ dị ứng là phải… ngứa! Trên thực tế, thể dạng rối loạn tiêu hóa do dị ứng thức ăn, hay nói đúng hơn, với chất phụ gia trong thực phẩm, mới là nguyên nhân hàng đầu làm suy kiệt sức đề kháng một cách âm thầm.

Không thể chữa bằng thuốc sinh tố liều cao

Đã bàn về bệnh cũng phải nói thêm về thuốc. Với định kiến thông thường, nhiều người vẫn tưởng phải dùng thuốc mạnh thì mới mong trị được bệnh nặng, như trong trường hợp hội chứng “cháy sạch”. Rất nhiều người vì thế là “khách hàng thân thiết” của nhiều loại thuốc có chữ “đa” đứng đầu, như đa sinh tố, đa khoáng tố, đa năng… để người vốn đã bận rộn nay lại thêm đa đoan với việc uống thuốc.

Tuy nhiên, điều trị theo cách đó thì không mang lại kết quả gì và người bệnh “cháy sạch” còn thêm phần… cháy túi.

Kết quả của nhiều công trình nghiên cứu cho thấy việc thường xuyên lạm dụng thuốc sinh tố liều cực cao thậm chí có thể phản tác dụng. Xét về mặt cơ chế dược lý, điều này không có gì khó hiểu, khi thuốc với liều cao và liên tục, chẳng khác nào một thể dạng stress về mặt biến dưỡng cho cơ thể sắp “cháy sạch” của nạn nhân.

Thay vì chịu cảnh tiền mất mà tật vẫn mang, nên bình tĩnh áp dụng một số sinh tố và khoáng tố chọn lọc, với liều lượng rất thông thường, nhẹ nhàng hơn cho các cơ quan giữ chức năng giải độc cho cơ thể như lá gan, trái thận nhưng một cách định kỳ và dưới sự hướng dẫn kỹ lưỡng của nhà điều trị có kinh nghiệm “chữa cháy”. Tự điều trị làm chi theo quảng cáo đường mật để rồi vẫn phải có lúc tìm đến thầy thuốc trong bẽ bàng!

Giáo viên là nạn nhân hàng đầu của hội chứng “cháy sạch”

Bên cạnh nguyên nhân đa dạng, hội chứng “cháy sạch” là dạng bệnh có xu hướng “chọn mặt gửi vàng”. Đó là số người có nghề nghiệp gắn liền trực tiếp hoặc gián tiếp với sinh hoạt mang tính xã hội, trong số đó thầy giáo là ứng viên hàng đầu. Người càng theo đuổi lý tưởng giúp người, giúp đời, người càng đặt cao mục tiêu nghề nghiệp, một khi thất vọng vì không vượt nổi chướng ngại trong cuộc sống rất dễ trở thành nạn nhân của hội chứng “cháy sạch”. Không lạ gì khi một số rất lớn thầy giáo có lương tâm chức nghiệp phải thường xuyên đến thăm thầy thuốc vì mất ngủ, chóng mặt, ù tai, lo sợ mà không rõ nguyên nhân?! Cũng không ít thầy thuốc, đặc biệt là y sĩ trẻ cũng dễ bị “cháy sạch” khi bất ngờ đối đầu với thực tế phức tạp của ngành y hoàn toàn trái ngược với trang sách phẳng phiu của giáo án. Nếu “thầy” như thầy giáo, thầy thuốc còn mắc bệnh thì nói chi đến “trò”!

BS LƯƠNG LỄ HOÀNG, Trung tâm Điều trị Oxy Cao áp, TP.HCM

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm