Hiểm họa từ thực phẩm nhiễm thuốc trừ sâu

Trong số báo hôm qua, chúng tôi đã thông tin về tình trạng nhiều người hám lợi đang sử dụng phổ biến các loại thuốc trừ sâu có độ độc cao như ALTACH 5EC, VIFURAN… để đánh bắt thủy sản và bắt chim, cò, rắn, lươn gây tác hại môi trường và nguy hiểm đến sức khỏe con người. Hai loại thuốc này là gì? Mức độ độc hại như thế nào?

VIFURAN: Tử vong, vô sinh

Theo đăng ký trên nhãn hiệu, VIFURAN có hoạt chất chính là carbofuran và đã được các nhà sản xuất khuyến cáo: VIFURAN 3G nằm trong danh mục thuốc hạn chế sử dụng ở Việt Nam, Không dùng trên cây rau, cây dược liệu và gần khu vực nuôi tôm cá, Không sử dụng trên lúa từ thời kỳ làm đòng trở đi. Theo Cơ quan bảo vệ môi trường Mỹ - EPA, carbofuran gây ngộ độc cấp ở người cao thứ ba so với tất cả loại thuốc trừ sâu. Chỉ 1/4 muỗng cà phê (1 mg) carbofuran có thể gây tử vong. Khi dùng trừ sâu, người ta không được tiếp xúc trực tiếp với carbofuran mà phải thông qua các dụng cụ phun thuốc. Carbofuran có tác dụng tạo thành chất ức chế men cholinesterase (còn gọi là Hội chứng kháng cholinesterase). Nó được coi là một loại thuốc trừ sâu gây độc thần kinh. Dù với liều lượng rất thấp, carbofuran cũng có thể làm thay đổi lượng hormon ở động vật và con người. Nếu tiếp xúc carbofuran nhiều, những thay đổi lượng hormon có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến sinh sản. Trong một thí nghiệm trên chuột, carbofuran làm giảm 88% hormon testosterone và tăng loại hormon như progesterone, cortisol và estradiol lên 1.279%, 202%, 150%. Carbofuran cũng làm giảm khả năng di chuyển của tinh trùng cũng như giảm số lượng tinh trùng. 

Hiểm họa từ thực phẩm nhiễm thuốc trừ sâu ảnh 1

Hiện nay nhiều gia đình ở nông thôn vẫn thường mua thuốc trừ sâu trữ sẵn trong nhà. Ảnh: QT

ALTACH 5EC ảnh hưởng đến thần kinh

Theo đăng ký trên nhãn hiệu, ALTACH 5EC có hoạt chất chính là Alpha-cypermethrin. Theo tài liệu của Deparment of the health and Ageing - Cục Sức khỏe và người cao tuổi Úc, đây là một loại thuốc trừ sâu tổng hợp. Nó cũng được dùng để diệt mối. Alpha-cypermethrin giết côn trùng bằng việc làm dư muối trong các tế bào thần kinh. Nó có một tác dụng độc hại ảnh hưởng chính đến hệ thống thần kinh. Ở động vật có vú, nếu nuốt phải Alpha-cypermethrin sẽ rất độc. Ảnh hưởng của nó sẽ trực tiếp đến đến hệ thống thần kinh trung ương gồm não và tủy sống. Nó sẽ gây ra co giật từng cơn, quằn quại, sùi bọt mép và chứng co thắt cơ bắp. Những triệu chứng này không theo trình tự nhất định nào cả. Alpha-cypermethrin ít khả năng gây nhiễm độc cho da, tuy nhiên với da mặt thì chất này có thể làm tê tạm thời vùng da mặt tiếp xúc. Với thí nghiệm ở động vật, Alpha-cypermethrin được hấp thụ qua đường tiêu hóa nếu ăn nhầm. Hầu hết của cypermethrin hấp thụ qua cơ thể được chia nhỏ thành các hóa chất khác và nhanh chóng bài tiết trong nước tiểu, một tỉ lệ nhỏ hơn (khoảng 1%) sẽ được lưu trữ trong chất béo và đào thải chậm hơn. Cypermethrin kém hấp thụ qua da, trong thí nghiệm kéo dài bốn ngày trên da động vật, chỉ khoảng 20% của liều lượng cypermethrin hấp thụ qua da.

Thuốc bảo vệ thực vật không dùng khai thác thủy sản

Thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) có tác dụng trị côn trùng, sâu bọ… không được dùng cho thủy sản. Ngay cả các loại thuốc được phép dùng trong thủy sản thì phải sau 30 ngày sử dụng mới được phép khai thác, đánh bắt tôm, cua, cá. Nếu tôm, cá, cua… vừa nhiễm thuốc BVTV mà dùng để chế biến thức ăn thì nguy cơ gây độc cho người sử dụng rất cao.

Độc tố trong thuốc BVTV chậm phân hủy trong môi trường nước nên tác dụng diệt tôm, cá, cua sẽ kéo dài, phạm vi gây độc ngày càng lan rộng theo con nước lên xuống. Cho dù không giết cá lớn nhưng vẫn giết cá nhỏ. Cá nhỏ lại là thức ăn cho cá lớn. Do không có thức ăn nên cá lớn cũng chết dần khiến nguồn lợi thủy sản ngày càng cạn kiệt…

TS NGUYỄN TUẦN, nguyên Trưởng phòng Sinh học thực nghiệm Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản 2 (Bộ NN&PTNT)

Sử dụng thường, có nguy cơ ung thư

Thuốc BVTV cực độc, chỉ sau dioxin. Người sử dụng thực phẩm nhiễm thuốc BVTV sẽ ảnh hưởng thần kinh, đau đầu, đau mình, ói mửa, giảm trí nhớ, giảm khả năng làm việc... Các triệu chứng nói trên kéo dài nhiều ngày. Nếu sử dụng thường xuyên thực phẩm nhiễm thuốc BVTV sẽ có nguy cơ ung thư.

BS TRẦN VĂN KÝ, Hội Khoa học kỹ thuật an toàn
thực phẩm Việt Nam

Hơn 100 công nhân bị ngộ độc thuốc trừ sâu

Ngày 5-7, Phòng khám đa khoa Sơn Kỳ (phường Sơn Kỳ, quận Tân Phú, TP.HCM) đã tiếp nhận hơn 100 ca ngộ độc thực phẩm. Toàn bộ bệnh nhân là công nhân Công ty Takson ViNa (huyện Hóc Môn). Tại Phòng khám đa khoa Sơn Kỳ, các y bác sĩ cùng nhân viên phải làm việc hết công suất, tầng hai của phòng khám đông nghẹt bệnh nhân. Trước đó, ngày 4-7, đã có 73 ca được chuyển đến Phòng khám đa khoa Sơn Kỳ. Nguyên nhân ban đầu được xác định là do trong nguồn thức ăn có thuốc trừ sâu.

T.NGỌC ghi

QUỲNH TRANG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm