Hảo ngọt dễ bị ung thư

Nhiều người nghiện ăn ngọt đến mức còn cho đường vào thức uống như nước trà, nước trái cây hoặc dùng bánh mì với đường, sữa bò nguyên chất… mà không biết rằng nếu cơ thể thừa lượng đường sẽ dẫn đến nhiều chứng bệnh nguy hiểm, đặc biệt là ở độ tuổi trung niên.

Ăn vào thì dễ, tiêu hao thì khó

Thực phẩm ngọt khi đưa vào cơ thể sẽ hấp thu rất nhanh vào máu, làm tăng mức đường trong máu. Khi đó, insulin sẽ được tiết ra để chuyển glucose vào tế bào sử dụng và giữ mức đường trong máu được ổn định. Lượng đường dư thừa sẽ được chuyển thành mỡ dự trữ làm tăng tích mỡ bên trong cơ thể dẫn đến béo phì. Sự tích tụ mỡ quá mức trong cơ thể (chủ yếu ở vùng nội tạng) là yếu tố nguy cơ của các căn bệnh đái tháo đường, bệnh tim mạch, ung thư.

Có thể nhìn thấy việc tăng cân liên tục của những người hảo ngọt xung quanh bạn và thực tế về số lượng bệnh nhân tiểu đường, tim mạch hiện nay do chế độ ăn uống không kiểm soát được lượng đường đủ khiến chúng ta cảnh giác.

Hảo ngọt dễ bị ung thư ảnh 1

Nhiều người nghiện ăn ngọt tới mức phải “đệm” cả trái cây vào bữa ăn chính của mình như chuối, dưa hấu…

Một bữa ăn ngọt sẽ đưa vào cơ thể mình lượng calories cao hơn nhu cầu và hậu quả trước mắt là tăng cân. Hãy thử hình dung một chén chè khoảng 300-400 kcal, một ly sinh tố xay với đường và sữa cung cấp gần 300 kcal, một ly nước ngọt khoảng 150 kcal. Trong khi đó, để tiêu hao lượng calories dư thừa này thật không dễ dàng. Ví dụ như đi bộ nhanh (để tập luyện chứ không phải đi dạo) trong 1 giờ cũng chỉ tiêu hao khoảng 200 kcal. Như vậy, xem ra ăn vào thì dễ mà tiêu hao thì chẳng dễ tí nào.

Ngọt làm giảm khả năng tập trung

Glucose là dạng năng lượng duy nhất mà các tế bào não cần để hoạt động. Do các tế bào não không có khả năng dự trữ glucose, chúng lệ thuộc vào mức glucose ổn định trong máu để được cung cấp đầy đủ “nhiên liệu” cho hoạt động. Dạng thực phẩm cung cấp chất đường ổn định trong máu chính là từ ngũ cốc thô vì những loại này khi ăn vào sẽ được cơ thể hấp thu chậm vào giữ mức đường trong máu ổn định. Còn thực phẩm nhiều đường tinh sẽ hấp thu rất nhanh vào máu và dưới tác động của insulin nên chúng cũng giảm rất nhanh làm cho mức đường trong máu không ổn định. Chính vì lý do này mà sau khi uống nước ngọt hoặc ăn bánh kẹo ngọt sẽ làm cho não khó có thể tập trung để học và nhớ. Mà hoạt động của não bộ thì lại cần rất nhiều năng lượng. Hơn nữa, khi uống nước ngọt sẽ làm giảm lượng nước cần thiết đưa vào cơ thể và giảm lượng thực phẩm chứa dưỡng chất tốt cho cơ thể nên sẽ dẫn đến tình trạng thừa đường và thiếu dưỡng chất sẽ gây ảnh hưởng xấu cho sức khỏe và hoạt động của hệ thần kinh.

Lão hóa sớm

Một số nghiên cứu cho thấy khi mức đường trong máu tăng cao, đường sẽ bám lấy protein để tạo thành phân tử mới gây hại được gọi là advanced glycation end products (AGEs). Càng ăn nhiều đường thì càng tạo nhiều AGEs làm tổn hại protein của cơ thể. Trong đó, collagen và elastin là hai cấu trúc quan trọng của da rất dễ bị tổn hại. Khi đó, da sẽ giảm tính đàn hồi và dễ tạo nếp nhăn. Tác động này diễn ra rất nhanh ở độ tuổi từ 35 trở lên.

Ngoài ra, khi ăn đồ ngọt, đường sẽ bám vào răng dẫn đến sâu răng. Nguyên nhân là vì đường sẽ tạo điều kiện cho vi khuẩn có sẵn trong miệng phát triển tạo sâu răng và các bệnh lý răng miệng khác. Do đó nên chải răng ngay sau khi ăn hoặc uống đồ ngọt để phòng tránh sâu răng.

“Thực đơn” giảm ngọt mỗi ngày

- Giảm bớt 50% lượng đường so với thông thường khi nấu chè, làm bánh, xay sinh tố hoặc khi làm nước ép trái cây, uống cà phê.

- Giảm 100% lượng đường nếu loại thức ăn/uống đó thật sự không cần thiết.

- Làm loãng các loại đồ uống ngọt bằng cách cho thêm đá vào nước.

- Nên chọn trái cây cho bữa phụ hơn là dùng bánh kẹo ngọt, uống nước ngọt.

- Ăn đa dạng trái cây chứ không chỉ ăn trái cây ngọt như nhãn, vải, sầu riêng, mít, xoài chín…

- Nên uống nước lọc khi khát hơn là uống nước ngọt.

- Không ăn thay trẻ trong nhà những loại bánh kẹo chúng bỏ thừa vì tiếc.

TS-BS TRẦN THỊ MINH HẠNH, Phó Giám đốc Trung tâm Dinh dưỡng TP.HCM

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm