Giảm cân: Cớ sao tiền mất tật mang?

Có nhiều nguyên nhân trớ trêu khiến béo phì trở thành chứng bệnh khó chữa.

Tổ chức Y tế Thế giới định nghĩa béo phì là tình trạng tích lũy mỡ quá mức và không bình thường tại một vùng cơ thể hay toàn thân.

Càng sợ xấu càng phát phì

Nhiều người muốn giảm cân bằng mọi giá, bất cần ảnh hưởng đến sức khỏe. Họ không chỉ kiêng ăn ngặt nghèo mà thậm chí khi bệnh cũng chẳng dám uống... thuốc, vì sợ trúng loại thuốc tăng cân. Éo le chỉ ở chỗ phần đông không xuống ký mà lại phát phì thêm.

Giảm cân tất nhiên là điều nên làm, thậm chí nên quyết tâm làm cho bằng được, nhằm ngăn ngừa nguy cơ mắc bệnh tim, gan, thận, khớp... do béo phì. Trong bối cảnh trăm người chưa kịp bán thì vạn người đã tìm mua, các phương pháp gọi là giảm cân được phổ biến khắp nơi, nhiều đến độ nạn nhân không nhớ nổi hôm qua mình đã chọn phương pháp nào. Lắm thầy nhiều ma, nạn nhân cuối cùng đành chấp nhận may rủi, theo đuổi liệu pháp giảm cân như mua... vé số.

Giảm cân: Cớ sao tiền mất tật mang? ảnh 1

Siêng năng tập thể dục ít nhất 60 phút mỗi ngày là biện pháp giảm cân hàng đầu.

Nhịn ăn mà mập mới đau

Ăn kiểu nào cũng thế. Khẩu phần tuy một mặt cung ứng đầy đủ dưỡng chất nhưng đồng thời phải tương xứng với nhu cầu thực tế của cơ thể, vì lượng dưỡng chất còn thừa, nếu không được đào thải kịp thời, tất nhiên phải ký gửi đâu đó. Nếu nhịn ăn, cơ thể một khi ghi nhận tình trạng thiếu năng lượng, như ở người kiêng cữ đột ngột và thái quá, sẽ phản ứng sai lệch. Chất béo khi đó vẫn được lá gan tổng hợp, thậm chí ở dạng có hại cho sức khỏe, như Triglyceride, khiến nạn nhân chẳng những không sụt cân mà thêm mệt. Chính vì thế mà người béo phì cần sự tiếp tay của thầy thuốc để thiết kế một chương trình phối hợp thể dục, dinh dưỡng và nếu cần thiết, với thuốc men một cách linh động cho mỗi đối tượng cá biệt. Nếu chỉ dựa vào biện pháp kiêng khem thì tuy cũng có tác dụng ban đầu nhưng không thể với hiệu quả lâu dài. Đó là chưa kể đến tác dụng “làm lại từ đầu”, nghĩa là lại mập, thậm chí mập hơn, sau khi ngừng kiêng cử. Bên cạnh đó, đừng quên vai trò của hệ nội tiết. Nếu có bệnh như tiểu đường, thiểu năng tuyến giáp, mãn kinh... thì có nhịn đến đói meo cũng không ốm.

Càng tức giận càng phát phì

Người béo phì thường rất nhạy cảm, hờn mát. Họ vì thế thèm ăn ngọt và khoái uống rượu vì chất đường và độ cồn là hai nhân tố trấn an não bộ mỗi lần tức giận. Hậu quả là càng giận càng… mập. Vòng lẩn quẩn cứ thế tiếp tục nếu nạn nhân không tìm ra lối thoát. Không lạ gì nếu nhiều người bỗng nhiên giảm cân dễ dàng mà không cần nhịn ăn kể từ ngày “sếp lớn” về hưu. Nói chung, nếu cứ “giận căm gan” hay “rầu thúi ruột” thì có nhịn ăn bao nhiêu cũng phát phì.

Tăng cân vì mê phim dài nhiều tập

Từ lâu, người ta đã ghi nhận một hiện tượng là người hâm mộ của phim truyện nhiều tập thường béo phì. Phim càng thô bạo, càng gay cấn, càng chọc tức người xem càng dễ được cơ thể lưu lại trong bộ nhớ để diễn lại trong giấc ngủ làm người xem tiếp tục nhập vai dù màn hình đã tắt. Hậu quả là tuyến thượng thận phải làm việc cật lực để đối phó với cảnh éo le trong phim khiến huyết áp dao động, tim đập nhanh, máu đậm đặc, mạch máu co thắt, đường huyết tăng cao và chất mỡ được ký gửi dưới da để dự trữ năng lượng. Trọng lượng cơ thể khi đó tăng cao theo số giờ ngồi trước máy truyền hình.

Càng trăn trở càng tăng cân

Nhiều người vẫn tưởng ngủ nhiều dễ mập. Nhưng các nhà nghiên cứu về giấc ngủ đã phát hiện là chất đường, acid uric và chất mỡ trong máu đồng loạt tăng cao nếu chúng ta thức khuya hay mất ngủ do quá lo lắng. Ngược lại, người vừa đặt lưng đã vào mộng cho dù có làm việc căng thẳng, cho dù có ăn nhiều hơn bình thường vẫn khó dư cân. Nhiều trung tâm điều trị phục hồi ở châu Âu đang áp dụng thành công phương pháp giảm cân bằng cách bắt thân chủ ngủ sớm và dậy sớm. Các thầy thuốc biết cách “trấn lột” túi tiền của bệnh nhân đã chứng minh là chất mỡ được thoái biến qua giấc ngủ với vận tốc nhanh gấp năm lần. Không lạ gì, cũng không oan ức nếu nhiều người tăng cân chỉ vì thói quen không ngủ trước 12 giờ đêm.

Thu nhiều hơn chi thì phải phì

Xét cho cùng, người muốn ốm nhưng vẫn mập là do vụng về với hai phép tính cộng trừ về số cung và số cầu mà bỏ quên yếu tố cân bằng giữa năng lượng thu nhập và tiêu dùng. Thực tế là không quá khó để giảm cân nếu khéo mượn vận động của bắp thịt để đốt cho hết số năng lượng còn thừa sau mỗi bữa ăn.

Béo phì không còn là chuyện đẹp hay xấu mà chính là tình trạng bệnh lý cần được chẩn đoán chính xác và điều trị hiệu quả để tránh nhiều hậu quả khó lường như cao huyết áp, nhồi máu cơ tim, thuyên tắc tĩnh mạch, xơ vữa động mạch, tiểu đường, thống phong (bệnh gout), thoái hóa cột sống, viêm thận, viêm gan... và thậm chí ung thư. Thống kê cho thấy tỉ lệ tử vong của bệnh tim mạch và ung thư chiếm đến 60% ở nhóm người béo phì.

BS LƯƠNG LỄ HOÀNG, Trung tâm Điều trị Oxy Cao áp TP.HCM

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm