Ép bệnh nhân mua thuốc là sai!

Thời gian qua, báo chí liên tục phản ánh tình trạng một số BV ép bệnh nhân mua thuốc thì mới nhận được toa thuốc. Vấn đề này đã gây ra phản ứng của bệnh nhân. Điển hình là BV Hồng Đức TP.HCM (Pháp Luật TP.HCM đã thông tin) và BV Quân y 108 tại Hà Nội. Các BV này cho rằng họ có trách nhiệm với đơn thuốc bác sĩ kê, nếu bệnh nhân cầm đơn thuốc ra ngoài, mua trúng thuốc kém chất lượng thì sao?

Việc làm này của các BV đúng hay sai? Có hợp tình, hợp lý không? Chúng tôi đã đi ghi nhận ý kiến của lãnh đạo các BV trong ngành y tế.

BHYT thì có, khám thường thì không

BS Nguyễn Hải Tùng, Phó Giám đốc BV Triều An, TP.HCM, cho biết tại BV, lúc trước cũng có ý kiến đề xuất là bệnh nhân phải mua thuốc tại BV, tuy nhiên đã bị ban giám đốc bác. Theo BS Hải Tùng, chỉ có thuốc cho bệnh nhân có BHYT thì BV mới làm quy trình là bệnh nhân đến nhà thuốc lấy toa và lấy thuốc. Còn với một toa thuốc bình thường thì thực hiện theo quy trình: Bác sĩ khám và kê toa trao tận tay cho bệnh nhân, sau đó bệnh nhân có thể cầm toa mua thuốc tại nhà thuốc BV hoặc ra bên ngoài. “Chúng ta có quyền tuyên truyền cho bệnh nhân là nhà thuốc mình tốt, thuốc đảm bảo chất lượng và khuyên bệnh nhân nên mua chứ không thể bắt bệnh nhân mua tại nhà thuốc BV, đó là vi phạm quyền tự do của bệnh nhân. Nếu bắt mua thuốc tại nhà thuốc BV, lúc đó bệnh nhân không mang theo đủ tiền thì sao?” - BS Hải Tùng nói.

Đồng tình với ý kiến trên, BS Nguyễn Hữu Tùng, Tổng Giám đốc hệ thống BV Hoàn Mỹ, cho rằng bệnh nhân khi khám có BHYT sẽ phải lấy thuốc BHYT do BV đấu thầu về cung ứng cho bệnh nhân, giá theo quy định. Tuy nhiên, đối với một toa vừa có thuốc BHYT và thuốc ngoài danh mục BHYT thì bác sĩ phải tư vấn cho bệnh nhân (thỏa thuận) ra ngoài mua nhưng không được chỉ dẫn đến mua tại nhà thuốc nào.

Ép bệnh nhân mua thuốc là sai! ảnh 1

Bác sĩ phải có nghĩa vụ kê toa cho bệnh nhân sau khi khám (hoặc đã làm xong các xét nghiệm cận lâm sàng) và BV không có quyền ép bệnh nhân mua thuốc tại nhà thuốc BV (trừ bệnh nhân khám BHYT). Trong ảnh: Bệnh nhân khám BHYT nhận thuốc tại BV Nguyễn Tri Phương (TP.HCM). Ảnh: HTD

Còn đối với bệnh nhân khám thường thì họ có thể mua thuốc bất cứ đâu, bác sĩ cũng không được chỉ nơi bán thuốc của BV. Nhưng bác sĩ phải dặn bệnh nhân mua đúng thuốc, liều lượng, nhãn hiệu, biệt dược. Cũng theo BS Tùng, việc bắt bệnh nhân mua thuốc là do vấn đề quản lý của từng BV và pháp luật không quy định chuyện này. Pháp luật chỉ cấm bác sĩ bán thuốc, chỉ dẫn nơi bán thuốc.

Quyền của bệnh nhân!

Các BV lập luận rằng bác sĩ ra toa thuốc thì BV chịu trách nhiệm nên phải mua thuốc ở BV mới đúng. Theo BS Hữu Tùng, BV và bác sĩ chỉ chịu trách nhiệm về mặt chuyên môn, còn vấn đề mua ở đâu là quyền của bệnh nhân. Còn nhà thuốc nào bán sai thì chịu trách nhiệm. Các BV lập luận như thế là để kiếm lời mà thôi!

BS Nguyễn Thị Kiều Tiên, Giám đốc Phòng khám đa khoa Kiều Tiên (quận Bình Thạnh), cũng đồng tình với hai quan điểm trên và cho biết thêm, khi bệnh nhân vào đóng tiền khám bệnh, bác sĩ khám xong cho toa chứ không được ép mua thuốc ở đây rồi mới đưa toa về. Ép là không đúng!

Thanh tra sở y tế tiếp nhận đơn thư phản ánh của độc giả

Ngày 17-11, sau khi Pháp Luật TP.HCM đăng tải bài viết “Ép bệnh nhân mua thuốc tại BV Hồng Đức”, đã có nhiếu ý kiến độc giả phản hồi và cho rằng báo cần đi tới cùng của vấn đề. Một độc giả tâm sự: “Tôi đang làm việc tại một bệnh viện tư ở tỉnh lẻ, đọc tin này tôi nhớ lại khi cài đặt phần mềm quản lý bệnh viện, cũng có người đề nghị làm việc này nhưng đã bị cả hội đồng bệnh viện phản đối, từ đó không ai còn suy nghĩ là bệnh nhân phải mua thuốc mới được lấy toa”. Một độc giả khác bức xúc: “Tôi là chủ một nhà thuốc. Khi đọc được bài báo này, tôi rất bức xúc vì câu trả lời của ông Nguyễn Mạnh Đạo, Phó Chủ tịch HĐQT BV Hồng Đức. Ông Đạo không nên tuyên truyền cho bệnh nhân về nhà thuốc ngoài bán thuốc “dỏm” mà chỉ khuyên bệnh nhân nên mua thuốc trong bệnh viện. Tôi rất sẵn sàng một sự cạnh tranh lành mạnh”…

Theo đề nghị của Thanh tra Sở Y tế, Pháp Luật TP.HCM đã chuyển đơn thư phản ánh của độc giả về việc BV Hồng Đức ép mua thuốc để nơi này xem xét xử lý.

DUY TÍNH

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm