Đề nghị công bố dịch, tiêu hủy đàn yến bệnh

Chiều qua (16-4), tại Văn phòng UBND tỉnh Ninh Thuận, Cơ quan Thú y Vùng 6 đã công bố kết quả giám sát dịch bệnh chim yến và đề nghị UBND tỉnh Ninh Thuận ra quyết định công bố dịch trên đàn chim yến tại cơ sở nuôi yến Thanh Bình (đường Thống Nhất) của Công ty TNHH DV&TM Yến Việt và hộ nuôi yến Nguyễn Mỹ Hải (đường Cao Thắng) cùng phường Đạo Long, TP Phan Rang-Tháp Chàm.

Dịch bệnh ngày càng lây lan

Theo kết quả giám sát của Cơ quan Thú y Vùng 6, từ ngày 9 đến 15-4, cơ quan này đã đến 27/59 hộ nuôi yến tại Ninh Thuận để lấy 68 mẫu xét nghiệm. Kết quả cho thấy có 17 mẫu chim chết ghép thành 13 mẫu cho kết quả 13 mẫu dương tính với virus cúm A/H5N1; 187 mẫu chim sống, 145 mẫu tổ và 120 mẫu phân cho kết quả tất cả đều âm tính.

Sở Y tế tỉnh Ninh Thuận đại diện cho Viện Pasteur Nha Trang cũng công bố kết quả của Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương (Bộ Y tế) do Viện Pasteur Nha Trang lấy mẫu cho thấy ba mẫu chim chết xét nghiệm có hai mẫu dương tính với cúm H5N1, mẫu chim sống có một mẫu dương tính. Xét nghiệm trên mẫu bệnh phẩm của sáu người trực tiếp làm việc tại cơ sở nuôi yến Thanh Bình đều âm tính.

Đề nghị công bố dịch, tiêu hủy đàn yến bệnh ảnh 1

Những cửa chim yến ra vào phía sau rạp nuôi yến Thanh Bình của Công ty Yến Việt sẽ bị bít để tiêu hủy sau công bố dịch. Ảnh: M.TRÂN

Ông Nguyễn Xuân Bình, Giám đốc Cơ quan Thú y Vùng 6 kết luận: Từ một ổ dịch cúm thì có thể công bố dịch nên Cục Thú y có chỉ đạo cơ quan chuyên môn đề nghị tỉnh Ninh Thuận công bố dịch. Trong khi Ninh Thuận lại có hai ổ dịch. Để cẩn thận hơn, Cơ quan Thú y Vùng 6 vẫn tiếp tục giám sát trong một tuần xem thế nào nhưng mầm bệnh ở cơ sở nuôi yến Thanh Bình vẫn tiếp diễn. Cho đến ngày 16-4 (ngoài một tuần giám sát) vẫn còn lấy mẫu xét nghiệm và có 19 mẫu dương tính với cúm. Như vậy, về mặt pháp lý là phải công bố dịch để đảm bảo mầm bệnh không lây lan, dây dưa phát tán đến nơi khác.

Ông Bình còn cho biết tại TP Tân An, tỉnh Long An đã có chim yến bị chết tại một điểm nuôi yến. Cơ quan Thú y Vùng 6 đã lấy mẫu xét nghiệm.

Kiên quyết với dịch

Tại buổi làm việc, ông Trần Xuân Hòa, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, đặt câu hỏi Cục Thú y có tham khảo ý kiến các chuyên gia thế giới không. Nếu tỉnh quyết định công bố dịch thì biện pháp sau công bố sẽ xử lý ra sao để tránh thiệt hại cho doanh nghiệp?

Ông Bình khẳng định trên thế giới chưa có nơi nào có dịch bệnh chim yến nên chưa nước nào có biện pháp xử lý. Cục Thú y đã soạn thảo văn bản đề nghị công bố xử lý dịch, phương án tiêu hủy trình Ban Chỉ đạo Phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm Trung ương tại cuộc họp ở TP Hà Nội vào chiều qua (16-4). Ban Chỉ đạo Trung ương đã quyết định thông qua việc xử lý hai ổ dịch này. Theo đó, tỉnh Ninh Thuận phải công bố dịch tại hai điểm có dịch cùng phương án xử lý tiêu hủy. Nguyên tắc xử lý tiêu hủy chim yến là phải tiêu hủy luôn tổ yến trong nhà nuôi đó.

Sẽ hỗ trợ doanh nghiệp

Buổi công bố cũng bàn phương án tiêu hủy đàn chim, tổ yến sau khi tỉnh Ninh Thuận ra quyết định công bố dịch. Việc xử lý tiêu hủy toàn bộ thì dễ nhưng xử lý thế nào để tận dụng sản phẩm yến vì tổ yến có giá trị lớn. Theo ông Bình, tổ yến quá nhiều không thể kiểm tra từng tổ để tìm dịch. Chọn ngẫu nhiên thì không biết chim bệnh tiết ra dịch bệnh ở tổ nào. Ngành thú y có phương án hạn chế thiệt hại là sử dụng lò sấy khô ở nhiệt độ cao thì virus trong tổ yến, nếu có, sẽ chết. Về chim yến, khi đàn về tổ, tổ chức bịt kín tất cả lỗ ra vào tòa nhà của chim yến, sau đó đóng chặt cửa ra vào và dùng hóa chất để xông khử trùng tòa nhà liên tục trong 48 tiếng, sau đó đưa xác chim yến đi tiêu hủy theo quy định.

Bà Đặng Phạm Minh Loan, đại diện Công ty Yến Việt, phát biểu tổ yến không phải là vấn đề lớn, giá trị là đàn chim chứ không phải tổ yến nên đề nghị tỉnh có chính sách hỗ trợ. Ông Bình cũng cho biết tiêu hủy đàn yến thì thiệt hại lớn nhưng vì sức khỏe người dân, doanh nghiệp phải chấp nhận. Cục Thú y sẽ đề nghị trung ương hỗ trợ cho doanh nghiệp.

Hà Nội: Đối phó với dịch cúm A/H7N9

Ngày 16-4, UBND TP Hà Nội đã tổ chức họp khẩn Ban Chỉ đạo Phòng, chống dịch bệnh nhằm đối phó với dịch cúm A/H7N9. Bà Nguyễn Thị Bích Ngọc, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội, đã yêu cầu liên ngành y tế, nông nghiệp, công thương và các địa phương chuẩn bị đầy đủ nhân lực, phương tiện để kịp thời ứng phó khi dịch xảy ra; kiểm soát chặt chẽ việc buôn bán, vận chuyển gia cầm không rõ nguồn gốc trên địa bàn; thành lập sáu đoàn thanh kiểm tra, đốc thúc công tác phòng, chống dịch cúm A/H7N9; đặc biệt kiểm soát chặt chẽ người, hàng hóa nhập cảnh, nhập khẩu qua sân bay Nội Bài…

Khánh Hòa siết chặt việc nuôi yến

Đó là chỉ đạo của ông Lê Đức Vinh, Phó Chủ tịch UBND, Trưởng ban Chỉ đạo Phòng, chống dịch cúm gia cầm tỉnh Khánh Hòa, tại cuộc họp ban chỉ đạo chiều 16-4. Ông Vinh giao Sở NN&PTNT phải rà soát, kiểm tra lại toàn bộ các cơ sở nuôi yến, lập kế hoạch và tham mưu cho UBND tỉnh phương án quy hoạch lại việc nuôi yến, trong đó chú trọng đến việc quy hoạch nuôi yến vùng nào, quy cách nuôi ra sao. Đồng thời, giao trách nhiệm cho Chi cục Thú y tỉnh phải ra soát tất cả cơ sở nuôi yến xem có đạt yêu cầu về an toàn dịch bệnh, vệ sinh môi trường, tiếng ồn rồi tham mưu cho UBND tỉnh có phương án với từng cơ sở, hộ nuôi yến, nếu vi phạm có thể phải di dời hoặc cấm nuôi.

TRỌNG PHÚ - LÊ XUÂN

MINH TRÂN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm