Đề án hỗ trợ tuyến dưới: Không hiệu quả

Thực trạng mạng lưới y tế cơ sở thiếu bác sĩ, yếu chuyên môn, bệnh nhân đổ dồn về các bệnh viện (BV) lớn tuyến trên gây nên tình trạng “siêu quá tải” khiến mạng lưới y tế cơ sở bị vỡ từng mảng đã được ngành y tế nhận thấy từ lâu.

Và giữa năm 2008, Bộ Y tế đã tiến hành thực hiện Đề án luân chuyển cán bộ từ tuyến trên về hỗ trợ tuyến dưới (gọi tắt là Đề án 1816) với ba mục tiêu: Nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh của BV tuyến dưới, giảm tình trạng quá tải cho các BV tuyến trên và chuyển giao công nghệ, đào tạo cán bộ tại chỗ nhằm nâng cao tay nghề cho cán bộ y tế tuyến dưới.

Thực tế gần ba năm thực hiện đề án này kết quả thế nào?

Đề án quy định một bác sĩ luân phiên trong thời gian tối thiểu là ba tháng. Tuy nhiên, theo tìm hiểu của chúng tôi, tùy từng trường hợp, BV tuyến trên sẽ thu xếp cho bác sĩ đi từ hai tuần đến một tháng rồi về. Thậm chí, nếu chuyển giao kỹ thuật thì một tuần xong là rút. Có khi mỗi tháng hẹn bệnh nhân vài ngày xuống mổ, xong về ngay.

Trong chuyến công tác cùng một BV xuống địa phương cách TP.HCM hơn 100 km, chúng tôi cảm nhận đi 1816 giống như cưỡi ngựa xem hoa. Tại TP.HCM, 6 giờ sáng, đoàn y, bác sĩ lên đường, mất gần 3 giờ đồng hồ mới tới nơi. Các y, bác sĩ uống vội ly nước rồi… vào phòng mổ. 11 giờ mổ xong, họ ăn trưa và vội vã về lại TP để tránh giờ… kẹt xe!

Đề án hỗ trợ tuyến dưới: Không hiệu quả ảnh 1

Tuyến trên muốn chuyển giao kỹ thuật nhưng tuyến dưới thiếu bác sĩ, thiết bị hiện đại như thế này nên ảnh hưởng đến hiệu quả của đề án. Ảnh: MH

Thiếu tùm lum, chuyển giao không hiệu quả

BS Huỳnh Minh Phúc, Giám đốc BV Đa khoa khu vực Hậu Nghĩa, Đức Hòa (Long An), cho biết gần ba năm qua, BV Cấp cứu Trưng Vương TP.HCM đã xuống hỗ trợ cho nơi này. Các chuyên khoa ngoại như mổ nội soi, sản phụ khoa, mổ kết hợp xương… và công tác hồi sức cấp cứu các y, bác sĩ BV đã nắm tốt và có thể thực hiện được. Tuy nhiên, việc thiếu trang bị máy móc đã hạn chế việc phát huy hết năng lực, chuyên môn của bác sĩ chuyển giao. Thí dụ, BV thiếu máy chụp CT, máy thở (chỉ có một cái), máy đo lãng xương, MRI… Hơn nữa, BV hiện chỉ có 34 bác sĩ, thiếu tới 50% nên cũng gây khó khăn cho công tác tiếp nhận chuyển giao kỹ thuật vì thiếu người.

BS Mai Thọ Truyền, Phó Giám đốc BV Đa khoa Ô Môn, TP Cần Thơ, cũng cho biết khi thực hiện đề án này, BV nhận được sự hỗ trợ rất tích cực từ các bác sĩ tuyến trên. Các bác sĩ cũng nâng cao được tay nghề, nắm bắt ngay kỹ thuật mới. Tuy nhiên, cái khó là thiếu máy móc. Chẳng hạn, mổ đục thủy tinh thể, mổ nội soi túi mật, phòng mổ có, bác sĩ cũng đã nắm được kỹ thuật nhưng không có máy thế là đành phải “kính chuyển” lên tuyến trên!

Còn việc hỗ trợ tuyến xã, theo BS Truyền cũng gặp khó khăn. Cả BV chỉ có 34 bác sĩ trong khi mỗi ngày phải khám 1.300-1.400 lượt bệnh nhân chưa kể điều trị nội trú trên 100 bệnh nhân. Vì thế, khi luân chuyển về trạm y tế xã thì BV lại thiếu người. Hơn nữa, bác sĩ xuống các trạm đôi khi cũng... trớt hướt vì trạm thiếu người, thiếu trang thiết bị mà cơ sở vật chất cũng không đảm bảo. Vì thế cũng chỉ có thể chuyển giao những chuyên môn đơn giản.

Chỉ là giải pháp tạm thời

Một lãnh đạo BV ở TP.HCM cho rằng Đề án 1816 chỉ là giải pháp tạm thời giảm tải cho tuyến trên chứ không thể bền vững. Vì thực chất là các bác sĩ tuyến trên xuống làm thay là chủ yếu vì tuyến dưới không có con người lại thiếu máy móc.

Theo vị lãnh đạo này, việc bác sĩ tuyến trên xuống dưới vô hình trung gây khó cho ba bên. Thứ nhất là BV có cán bộ luân chuyển vừa phải trả lương, trả công tác phí nhưng lại thiếu bác sĩ ở nhà. Thứ hai là bác sĩ được cử đi cũng mất một khoản thu nhập từ làm tư. Cuối cùng là khổ cho nơi tiếp nhận. Nhiều trường hợp chuyển giao nhưng không có máy móc nên đành chịu, chẳng thể chuyển giao.

Tại hội nghị trực tuyến sơ kết thực hiện Đề án 1816 giai đoạn 2008-2010 vào tháng 5-2011, Bộ Y tế cũng thừa nhận Đề án 1816 tuy đã đạt được những kết quả đáng khích lệ, song vẫn còn có hạn chế như BV ở một số địa phương có cơ sở vật chất, trang thiết bị, nguồn nhân lực không sẵn sàng cũng như chưa đủ điều kiện để tiếp nhận chuyển giao công nghệ nhằm đạt được hiệu quả cao nhất. Việc tổ chức khảo sát đánh giá nhu cầu của tuyến dưới chưa được thực hiện một cách đồng bộ sẽ ảnh hưởng đến hiệu quả của đề án. Trang thiết bị còn thiếu, chưa đồng bộ, nhất là những trang thiết bị cần thiết để giúp chuyển giao kỹ thuật.

Vì vậy, vấn đề bức thiết được các địa phương đặt ra là muốn thực hiện được Đề án 1816 phải gắn với việc hiện đại hóa vô hình trung cũng như tăng cường nhân lực cho tuyến cơ sở.

Hai năm thực hiện Đề án 1816 (2008-2010), có hơn 3.600 lượt cán bộ đi luân phiên, 2.500 kỹ thuật thuộc 26 chuyên ngành được chuyển giao. Tập huấn nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn tay nghề cho hơn 40.000 cán bộ tuyến dưới. Điều trị cho 800.000 lượt người bệnh, trực tiếp thực hiện gần 11.700 ca phẫu thuật, cứu sống nhiều trường hợp người bệnh mắc bệnh hiểm nghèo, góp phần làm giảm tỉ lệ chuyển tuyến không phù hợp của các bệnh viện tuyến dưới trung bình khoảng 30%.

(Theo Cục Quản lý Khám, chữa bệnh - Bộ Y tế)

DUY TÍNH - GIA TUỆ

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Top 5 thực phẩm giúp bạn ngủ ngon hơn

Top 5 thực phẩm giúp bạn ngủ ngon hơn

(PLO)- Bạn muốn ngủ ngon hãy uống trà hoa cúc, hạt rau mùi, ăn hạt nhục đậu khấu... bởi chúng là những loại thực phẩm giúp sản xuất melatonin để ngủ ngon hơn.

Các loại hạt tốt cho bệnh tiểu đường

Các loại hạt tốt cho bệnh tiểu đườngInfographic

(PLO)- Các loại hạt được biết đến là loại thực phẩm có hàm lượng đường huyết thấp, giúp giảm lượng đường trong máu. Chúng cũng có lượng carbohydrate hạn chế và có rất ít ảnh hưởng đến mức đường huyết trong cơ thể chúng ta. 

10 loại thực phẩm tốt cho thận

10 loại thực phẩm tốt cho thận

(PLO)- Được biết đến với tên gọi là 'kẻ sát nhân thầm lặng', bệnh thận có thể rất khó nhận biết, không có dấu hiệu rõ ràng ở giai đoạn đầu. Dưới đây là 10 loại thực phẩm để bảo vệ thận của bạn.