“Cuộc chiến” chống béo phì cho trẻ

Chị Nguyễn Thị Thu Thủy có con gái 10 tuổi học lớp 5 cao 1,5m nhưng nặng gần 70 kg. Chị cho biết đã cho bé đi khám để kiểm soát việc tăng cân nhưng một thời gian rồi đâu lại vào đó. Có lần vào trường đón con, nghe cô bảo mẫu “mắng vốn”, khẩu phần cơm trưa bé ăn không đủ, phải xin thêm cơm của bạn thế là ngày nào chị cũng thủ trong giỏ hộp sữa hay cái bánh để bé lót dạ mỗi khi tan học. Giờ thì chị phó mặc vì hễ giảm khẩu phần ăn là bé khóc, chị cầm lòng không được. Cho bé ăn thoải mái nhưng chị Thủy cũng khuyến khích con chơi thể thao, vận động nhiều để mong giảm được cân nào thì giảm cho con.

Buông xuôi với trẻ béo phì

Một nhóm học sinh Trường Lương Thế Vinh (Gò Vấp) có trọng lượng ở mức béo phì cho biết mỗi khi than đói bụng, ở trường cô giáo luôn cho thêm cơm khi ăn trưa hoặc nhắn tin gọi ba mẹ mang thức ăn tới tiếp tế thêm.

Theo BS Nguyễn Tài Dũng, phụ trách y tế học đường, Sở GD&ĐT TP.HCM, tình trạng học sinh thừa cân, béo phì đang có chiều hướng gia tăng. “Chúng tôi có cuộc điều tra ở một số trường tiểu học trên địa bàn thì tỉ lệ học sinh thừa cân, béo phì, có nơi lên đến 20%, tập trung ở các trường nội thành, sân chơi chật hẹp. Quan sát cho thấy ngày nay phụ huynh ít nhận ra mặt trái của việc trẻ thừa cân, phụ huynh cho con em ăn vô tội vạ, sáng vừa thức giấc là ăn, uống sữa, rồi trưa ăn, xế ăn, chiều ăn, tối ăn nhẹ… Lúc nào có thể là nạp thức ăn cho trẻ. Vì vậy nhà trường có lên chế độ dinh dưỡng cũng không kiểm soát nổi một khi phụ huynh buông lỏng việc ăn uống của trẻ, cứ cho trẻ ăn theo sở thích, nhu cầu”.

Nhiều giáo viên tiểu học thừa nhận trẻ đi học được gia đình đưa tận nơi, thức ăn, bánh kẹo luôn được phụ huynh chuẩn bị sẵn trong cặp nên học sinh không bao giờ để cho cái bụng của mình trống thì không béo mới lạ.

“Cuộc chiến” chống béo phì cho trẻ ảnh 1

Tình trạng học sinh thừa cân, béo phì đang có chiều hướng gia tăng. Ảnh: HTD

Nhà trường khó tầm soát

Cô Lê Thị Ngọc Điệp, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm (quận 1), chia sẻ: Phụ huynh nên tầm soát nguy cơ béo phì của trẻ ngay từ khi học mầm non. Ở bậc tiểu học, nhà trường chỉ tham khảo thêm những chỉ số khuyến cáo của các bác sĩ dinh dưỡng về chế độ dinh dưỡng cho trẻ mắc béo phì để khuyến cáo phụ huynh theo dõi chế độ dinh dưỡng cho trẻ. Chứ ở trường học sinh đông, rất khó kiểm soát từng cháu mà chỉ cố gắng hạn chế lượng tinh bột, tăng cường rau củ trong khẩu phần ăn.

Còn thầy Nguyễn Đạt Sử, Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lương Định Của (quận 3), nhìn nhận: “Nhà trường kiểm soát khẩu phần ăn của trẻ rất khó, vì cần có sự hỗ trợ từ phía gia đình. Đối với trẻ béo phì, thầy cô khuyến khích năng tập thể dục, chạy nhảy nhiều hơn để giải phóng năng lượng, rèn sức khỏe. Phần kiểm soát còn lại thuộc về gia đình”.

Cẩm nang kiểm soát béo phì ở trẻ

1. Chế độ ăn uống:

- Duy trì cho trẻ uống sữa hằng ngày. Trẻ từ hai tuổi trở lên có thể đổi sữa béo qua sữa không béo.

- Cho trẻ ăn thịt nạc, các món ăn nên chế biến dưới dạng luộc, hấp, nướng, tránh chiên xào; cho trẻ ăn chung với gia đình, tránh làm thức ăn riêng biệt, tạo cho trẻ có cảm giác bị phân biệt, bị cô lập.

- Tập cho trẻ ăn được nhiều rau, các bữa ăn vặt dùng trái cây thay cho bánh kẹo, nước ngọt.

- Chuẩn bị sẵn cho trẻ các bữa ăn nhỏ bằng các loại thức ăn ít năng lượng như trái cây, sữa không béo, khoai, bắp... tránh để trẻ quá đói ăn nhiều vào một bữa dễ dẫn đến tích lũy mỡ.

- Chú trọng bữa ăn sáng, giảm ăn về chiều tối.

2. Chế độ hoạt động thể lực:

- Hạn chế giờ trẻ thụ động nằm, ngồi như xem tivi, chơi game dưới 1 giờ/ngày, không cho trẻ ngồi lâu một chỗ.

- Khuyến khích trẻ tham gia các trò chơi vận động như trốn tìm, chuyền bóng... Giúp trẻ lựa chọn môn thể thao trẻ ưa thích nhất và tạo điều kiện để trẻ theo đuổi việc tập luyện.

- Tập cho trẻ làm một số công việc ở nhà, ở lớp phụ giúp gia đình, nhà trường: Dọn dẹp đồ chơi, tưới cây, quét nhà, dọn bàn ăn...

- Cho trẻ đi bộ bất cứ lúc nào, nơi nào có thể: Lên xuống cầu thang, đi bộ đến lớp, đi bộ trong công viên...

(Nguồn: Trung tâm Dinh dưỡng TP.HCM)

“Hiện nay trẻ ở các TP lớn sống trong diện tích chật hẹp, sân chơi ít, rất thiếu vận động thể lực. Các em chơi game, lên mạng, xem tivi, ngồi ì một chỗ… Đó là hoạt động tĩnh mà không vận động, trong khi điều kiện dinh dưỡng phong phú, ăn nhiều nhưng thiếu vận động. Phòng, chống thừa cân, béo phì thực sự khó hơn phòng, chống suy dinh dưỡng vì trẻ béo phì luôn bị kích thích thèm ăn và ăn nhiều, phụ huynh và nhà trường khó ngăn cản được” - BS Dũng cho biết thêm.

QUỐC VIỆT

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm