Bị rắn cắn, bé 11 tuổi suýt mất cánh tay

Vụ tai nạn trên xảy đến với bé T.T.T.P. (11 tuổi, ngụ tại tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu) vào cuối tháng 2. Trước khi bị rắn cắn, bé P. cùng nhóm bạn rủ nhau đi hái me, trong lúc đưa tay nhặt trái me rụng trên đống đá cháu bất ngờ bị rắn lao ra tấn công. Sau nhát cắn chí tử vào cánh tay phải của cháu bé, con rắn thu mình trốn vào đống đá nhưng ngay sau đó nó đã bị mọi người truy tìm và đánh chết.

Người nhà đã đưa bé cùng xác con rắn đến thầy lang nhờ chữa trị, sau khi xác định thủ phạm cắn bé P. là rắn chàm quạp thầy lang đã dùng lá cây bó vết thương. Nhưng một ngày sau, bé P. rơi vào tình trạng lừ đừ, cánh tay đau nhức sưng phù có dấu hiệu hoại tử, lúc này người nhà mới vội và đưa cháu đến bệnh viện tỉnh Bà Rịa (Vũng Tàu) chữa trị.

Bị rắn cắn, bé 11 tuổi suýt mất cánh tay ảnh 1
Cánh tay của bé P. sưng phù hoại tử do bị rắn cắn
Tình trạng nhiễm độc quá nặng của bé P. có thể đe dọa đến tính mạng của cháu nên sau khi truyền huyết thanh kháng nọc rắn chàm quạp bác sĩ đã chuyển cháu đến bệnh viện Nhi đồng 2, TPHCM. Tại khoa cấp cứu cháu rơi vào tình trạng sốc, mạch và huyết áp khó đo, rối loạn đông máu và thiếu máu nặng, đồng thời cánh tay phải sưng tấy, nhiễm trùng. Nhờ được can thiệp tích cực, bé P. mới vượt qua được cơn nguy kịch nhưng tình trạng nhiễm trùng vết thương và nhiễm trùng huyết vẫn diễn biến khó lường. Riêng cánh tay phải của bé nổi nhiều bóng nước, sưng nề lên đến vai khiến cháu không cử động được. Nhiễm trùng kết hợp với hoại tử khiến bé đứng trước nguy cơ phải tháo khớp. Bác sĩ phải phối hợp nhiều loại kháng sinh mạnh, kết hợp với điều trị ô-xy cao áp đồng thời tiến hành mổ giải áp chèn ép khoang ở cánh tay phải. Trải qua 20 ngày điều trị tích cực cánh tay của bé dần giảm viêm nhiễm và phục hồi. Dự kiến trước khi xuất viện bé sẽ được ghép da tự thân trên cánh tay đã được cắt lọc hoại tử. Qua trường hợp trên bác sĩ khuyến cáo: Khi bị rắn cắn, nạn nhân và những người xung quanh phải giữ bình tĩnh, tiến hành sơ cứu rửa sạch vết thương bằng xà phòng dưới vòi nước sạch; nẹp cố định chi bị rắn cắn, băng vết thương từ trên xuống để hạn chế hấp thu nọc độc (nên để chi thấp hơn tim) và chuyển ngay nạn nhân đến bệnh viện. Không nên sơ cứu rắn cắn bằng những biện pháp: cột ga-rô sẽ gây thiếu máu nuôi chi phía dưới vết cắn; cắt lể hút nọc độc hoặc đắp lá cây dễ gây nhiễm trùng, tăng hấp thu nọc độc. Theo Li Uyên (Dân trí)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm