Béo chút không sao, miễn đừng phì

Đó cũng là lý do chính đáng để từ lâu cácthầy thuốc khắp nơi đồng lòng “nâng cấp” tình trạng béo phì thành căn bệnh hẳn hoi. Thậm chí có nhiều trường y mở thêm khoa bệnh lý do béo phì.

Thiệt đủ đường

Nhiều người sợ bị béo phì còn hơn là sợ thất nghiệp bởi có quá nhiều điều tai hại từ đó sẽ giáng xuống. Cụ thể, nhiều nhà nghiên cứu đã quả quyết:

- Tỉ lệ tử vong vì nhồi máu cơ tim ở người có da có thịt cao gấp đôi so với người mình hạc xương mai, cho dù mập ốm đều bệnh.

- Người thừa cân có nguy cơ mắc bệnh tiểu đường cao gấp ba lần người tuy cũng ăn ngọt nhưng may mắn thuộc nhóm mình dây.

- Thời gian hồi phục của người đau khớp, cụ thể là thoái hóa cột sống kéo dài rất lâu ở người béo phì, nếu đối chiếu với người không dư cân.

- Bệnh ung thư dễ phát tán cũng như dễ di căn ở người béo phì.

- Dấu hiệu béo phì xuất hiện càng sớm tuổi thọ càng giảm, thậm chí có thể giảm đến 20 năm tuổi đời nếu đó là người mới 20 tuổi mà đã quá mát da mát thịt.

Béo chút không sao, miễn đừng phì ảnh 1

Tình trạng ăn kiêng kiểu nhịn ăn khắt khe thường dẫn đến kết quả giảm cân thất bại.

Năm nguyên nhân giảm cân thất bại

Biết là béo phì có hại cho sức khỏe nhưng éo le ở chỗ không dễ sụt cân. Nhiều người béo phì đã thử qua đủ kiểu kiêng cữ nhưng đa số thất vọng với kết quả là trọng lượng hoặc vẫn trơ trơ, hoặc tuy có giảm trong lúc nhịn ăn nhưng rồi đâu lại vào đấy khi hết kiêng cữ. Không ít người còn phì hơn cả lúc chưa vào cuộc giảm cân. Chẳng những thế, do thất thoát dưỡng chất trong quá trình kiêng cữ, từ sinh tố, khoáng tố đến chất đạm cần thiết cho cấu trúc khỏe mạnh của bắp thịt và thần kinh nên người kiêng khem lung tung cứ thế mà yếu dần, trong khi trọng lượng cơ thể vẫn kiên trì trước sau như một.

Theo chuyên gia về bệnh nội tiết ở ĐH Boston (Mỹ), lý do thất bại của nhiều người muốn giảm cân là vì:

● Quá hấp tấp với chương trình kiêng cữ trong khi chưa chuẩn bị tinh thần để theo đuổi có bài bản.

● Áp dụng mô hình kiêng khem một cách cường điệu cho dù không phù hợp với khẩu vị và thói quen ăn uống. Chế độ dinh dưỡng vì thế trở thành một thể dạng stress đối với cơ thể vốn đã mệt nhoài bởi đủ loại căng thẳng khác trong cuộc sống của người đó.

● Vô tình sử dụng thuốc hay thực phẩm làm tăng trọng lượng trong thời gian kiêng cữ, nghĩa là tréo ngoe so với mục tiêu nhịn ăn làm ốm.

● Giảm cân bằng mọi giá mà quên yếu tố cơ tạng di truyền của bản thân thuộc loại dễ béo phì nên đằng nào cũng khó giảm cân quá nhanh.

● Không lưu ý các yếu tố gây rối loạn biến dưỡng chất béo nằm ngoài chế độ dinh dưỡng như stress, thức khuya, trầm cảm…

Ăn kiêng một cách linh hoạt

Cũng theo các nhà nghiên cứu bên Mỹ, đừng tưởng mô hình ăn kiêng là yếu tố quyết định. Trên thực tế, ăn kiêng kiểu nào cũng được, miễn là được thực hiện sao cho nghiêm túc nhưng đừng căng thẳng. Bằng chứng là sau khi so sánh hiệu quả của ba kiểu ăn kiêng:

● Nhiều đạm nhưng ít đường (Atkins)

● Ít mỡ ít đường (Weight Watcher)

● Chay trường và ít đạm, ít mỡ

thì kiểu nào cũng có tác dụng với tỉ lệ ngang ngửa. Quan trọng là người muốn giảm cân cần chọn kiểu ăn kiêng nào phù hợp nhất với nếp sinh hoạt của cá nhân nhằm có thể áp dụng lâu dài mà không sợ bỏ cuộc giữa đường. Tốt hơn hết là người muốn giảm cân đừng thiết kế khẩu phần theo kiểu phải kiêng món nào đó tuyệt đối để rồi có lúc “phá giới” vì ... thèm. Trái lại, nên linh động phối hợp các món ăn thường dùng để dễ tìm và gia giảm theo đúng nhu cầu năng lượng sao cho số cung bao giờ cũng thấp hơn số cầu một chút để giảm cân tuy chậm mà chắc chắn và nhẹ nhàng.

Khó cho nhiều người béo phì là ít khi họ có thể kiên nhẫn với các liệu pháp giảm cân. Tuy nhiên, bạn cũng nên liệu cách mà giảm cân nếu thừa nhiều kí. Chẳng cần suy tính sâu xa, nếu chẳng may gia nhập đội ngũ béo phì hùng hậu hiện nay thì ít nhất cung tài lộc của bạn khó tránh hao tốn khi buộc trở thành bệnh nhân quen mặt của các thầy thuốc.

Bạn muốn biết mình có dư cân hay không? Dễ ợt, chỉ cần lấy hai con số sau cùng của chiều cao tính bằng cm là giới hạn tối đa của trọng lượng. Thí dụ: Cao 1,60 m = 160 cm thì đừng nặng hơn 60 kg. Thêm 5 kg thì cầm chắc bạn đã bước vào vùng… béo phì.

BS LƯƠNG LỄ HOÀNG, Trung tâm Điều trị Oxy cao áp, TP.HCM

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm