Bệnh tả

Bệnh tả là một bệnh nhiễm trùng đường ruột cấp tính do vi trùng gram âm Vibrio cholerae gây ra, bệnh truyền trực tiếp qua đường phân-miệng hoặc do ăn uống. Dạng nặng thường gặp là tiêu chảy xuất hiện đột ngột với số lần và số lượng nước mất rất nhiều và dẫn đến suy thận, đe dọa chết. Giai đoạn ủ bệnh ngắn từ 2 giờ đồng hồ đến năm ngày. Có khoảng 75% người bị nhiễm bệnh không có triệu chứng nhưng mầm bệnh vẫn hiện diện trong phân 7-14 ngày và được tống xuất ra môi trường, từ đây có thể lây sang cho người khác. Khác với những bệnh tiêu chảy khác, bệnh tả có thể gây chết người khỏe mạnh chỉ trong vòng vài giờ. Nguy cơ chết cao ở những người suy giảm miễn dịch như trẻ suy dinh dưỡng hoặc người nhiễm HIV.

Yếu tố nguy cơ và dễ mắc bệnh

Bệnh tả lây truyền chủ yếu qua thức ăn và nước uống bị nhiễm bệnh, có liên quan chặt chẽ với yếu tố vệ sinh môi trường, thiếu hoặc không dùng nước sạch, vệ sinh kém là những yếu tố lây truyền bệnh. Các khu vực có nguy cơ là các khu dân cư đông đúc ven đô thị, nơi không có cơ sở hạ tầng cơ bản, nơi thiếu nước sạch và vệ sinh không được đáp ứng…

Từ năm 2005, người ta ghi nhận có sự xuất hiện trở lại bệnh tả song song với sự gia tăng liên tục của dân cư dễ bị tổn thương sống trong điều kiện kém vệ sinh. Bệnh tả vẫn còn là một mối đe dọa cho sức khỏe cộng đồng và là một trong những chỉ số chính của phát triển xã hội. Căn bệnh này không còn là một vấn đề của quốc gia có điều kiện vệ sinh chuẩn mà nó là một mối đe dọa ở hầu hết các nước đang phát triển. Trong năm 2006, số trường hợp báo cáo với  WHO (Tổ chức Y tế thế giới) đã tăng lên đáng kể, đạt mức của cuối những năm 1990. Tổng cộng có 236.896 trường hợp và 6.311 ca chết đã được báo cáo tại 52 quốc gia cho thấy tăng 79% so với năm 2005. Chính vì việc đánh giá thấp căn bệnh này đã làm cho việc phòng ngừa dịch bệnh gặp nhiều khó khăn. 

Bệnh tả ảnh 1

Tập cho các em có thói quen rửa tay trước khi ăn và vệ sinh sạch sẽ, góp phần giảm thiểu nguy cơ lây bệnh. Ảnh minh họa: PL

Phòng ngừa và khống chế bệnh tả

Khi xuất hiện bệnh, 80% trường hợp là nhẹ hoặc vừa và chỉ có 10%-20% bệnh tiêu chảy mất nước nặng. Nếu bệnh không được chữa trị, tỉ lệ chết cao (50%). Nếu bệnh được chữa trị kịp thời đúng lúc, tỉ lệ chết còn dưới 1%.

Từ hàng chục năm nay, các biện pháp phòng ngừa bệnh tả vẫn không thay đổi. Việc phòng ngừa chủ yếu là cung cấp nước sạch, vệ sinh trong ăn uống. Giáo dục sức khỏe và vệ sinh ăn uống cho người dân là biện pháp quan trọng, nhất là người dân phải thường xuyên rửa tay sạch sẽ trước khi ăn hoặc khi chế biến thức ăn. Khi bùng phát dịch, chiến lược thông thường là điều trị tích cực, kịp thời nhằm giảm chết và phòng ngừa bệnh lây lan.

Đa số các trường hợp (80%) bệnh có thể được điều trị bằng dung dịch điện giải qua đường uống (thường dùng gói ORESOL). Trong trường hợp không thể bù nước bằng đường uống, cho bệnh nhân truyền tĩnh mạch dung dịch Lactat Ringer. Trong những trường hợp nặng, dùng kháng sinh hiệu quả có thể giảm được số lần đi tiêu và thể tích nước mất. Không dùng kháng sinh đại trà để phòng ngừa bệnh tả vì sẽ làm tăng nguy cơ kháng kháng sinh. Để bệnh chóng khỏi và không lây nên thành lập trung tâm điều trị ở vùng dịch.

Việc cung cấp nước sạch là rất cần thiết để hạn chế bùng phát bệnh tả. Việc phòng chống bệnh tả không phải là nhiệm vụ chỉ riêng của ngành y tế mà nó thuộc những ngành khác như cung cấp nước sạch, truyền thông và giáo dục sức khỏe cùng tham gia. Để đối phó với bệnh tả, chúng ta phải áp dụng một phương pháp tiếp cận toàn diện đa ngành.

Lưu ý vaccine uống ngừa bệnh tả

WHO chưa bao giờ khuyến cáo dùng vaccine ngừa bệnh tả bằng đường uống vì lý do vaccine này có khả năng bảo vệ kém và gây nhiều tác dụng phụ nghiêm trọng. Vaccine dùng bằng đường uống đã được phê duyệt ở cấp quốc tế mà hiện nay đang bán trên thị trường thích hợp cho du khách (hiệu quả 85%-90% trong vòng sáu tháng) dùng cho người trên hai tuổi. Vaccine được uống làm hai liều cách nhau 10-15 ngày, pha uống trong 150 ml nước sạch. 

NSĐT (Theo BS Phùng Hoàng Đạo)

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Các loại hạt tốt cho bệnh tiểu đường

Các loại hạt tốt cho bệnh tiểu đườngInfographic

(PLO)- Các loại hạt được biết đến là loại thực phẩm có hàm lượng đường huyết thấp, giúp giảm lượng đường trong máu. Chúng cũng có lượng carbohydrate hạn chế và có rất ít ảnh hưởng đến mức đường huyết trong cơ thể chúng ta. 

10 loại thực phẩm tốt cho thận

10 loại thực phẩm tốt cho thận

(PLO)- Được biết đến với tên gọi là 'kẻ sát nhân thầm lặng', bệnh thận có thể rất khó nhận biết, không có dấu hiệu rõ ràng ở giai đoạn đầu. Dưới đây là 10 loại thực phẩm để bảo vệ thận của bạn.