Bắp trái luộc có chất gây ung thư

Pháp Luật TP.HCM   số ngày 11-1 đăng bài Bắp ế vì tin đồn nhảm”, phản ánh nông dân trồng bắp ở các tỉnh Đồng Tháp, Vĩnh Long, Tiền Giang thiệt hại nặng nề vì tin đồn bắp được phun xịt hóa chất Trung Quốc. Tin đồn còn cho rằng bắp luộc không cần nấu, chỉ ủ bằng hóa chất là chín. Lo ngại vì tin đồn trên, người tiêu dùng không dám ăn bắp, nông dân trồng bắp bị ế ẩm.

Bắp sống (chưa luộc) an toàn

Ngay sau báo đăng, Cục An toàn Thực phẩm (ATTP - Bộ Y tế) chỉ đạo Viện Vệ sinh y tế công cộng TP.HCM lấy mẫu bắp kiểm định.

Theo yêu cầu này, viện đã lấy 15 mẫu bắp trái chưa luộc tại Chợ Gạo và các điểm bán dọc đường trên địa bàn huyện Chợ Gạo (Tiền Giang); huyện Bình Minh và một số rẫy bắp thuộc huyện Bình Tân (Vĩnh Long); chợ Đất Sét (xã Mỹ An Hưng A) và chợ Tòng Sơn (xã Mỹ An Hưng B) thuộc huyện Lấp Vò (Đồng Tháp). Kết quả xét nghiệm cho thấy tất cả 15 mẫu bắp trái chưa luộc đều an toàn, đạt chỉ tiêu hóa chất bảo vệ thực vật nhóm Chlor hữu cơ (thuốc DDT, BHC...). Với kết quả này, có thể khẳng định bắp sống (chưa luộc) không bị nhiễm các chất độc hại. Người tiêu dùng có thể mua bắp sống về nấu ăn bảo đảm an toàn.

Bên cạnh đó, viện còn lấy 14 mẫu bắp luộc cũng tại các điểm nói trên để kiểm định. Kết quả không phát hiện sử dụng muối Nitrat và đường Cyclamate, không ô nhiễm kim loại nặng (chì, đồng, thủy ngân...). Tuy nhiên, có hiện tượng tất cả 14 mẫu bắp luộc sử dụng hóa chất bảo quản nhóm Nitrit (hàm lượng từ 230,30 đến 669,29 mg/kg). Theo Cục ATTP, nhóm chất Nitrit không được phép sử dụng để bảo quản bắp luộc.

Bắp trái luộc có chất gây ung thư ảnh 1

Bắp trái chưa luộc hoàn toàn không có độc chất. Ảnh: TRẦN NGỌC

Nitrit có nguy cơ gây ung thư

TS Phan Thế Đồng, nguyên Trưởng khoa Công nghệ thực phẩm Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM, cho biết nitrit giống muối ăn, không màu, không mùi, có tác dụng giúp thịt tươi lâu, giữ thịt có màu đỏ nên được dùng để “biến” thịt ôi thành thịt tươi.
Khi luộc bắp lá sẽ úa, nhìn không bắt mắt. Người ta cho nitrit vào để giữ lá bắp luôn xanh, đánh lừa người mua. Nitrit có khả năng gây ung thư nếu tích tụ trong cơ thể quá nhiều. Riêng trẻ dưới bốn tháng tuổi, nitrit có khả năng làm hồng cầu ngưng hoạt động, gây thiếu máu.

BS Nguyễn Xuân Mai, nguyên Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh y tế công cộng TP.HCM, cho biết: “Nitric cho vào bắp khi luộc nhằm mục đích giúp bắp mau chín, nhanh mềm nhưng nitrit không được phép dùng trong luộc bắp vì có khả năng gây độc. ...”.

Một lãnh đạo của Chi cục An toàn Vệ sinh thực phẩm TP.HCM cho biết sẽ lấy mẫu bắp luộc trên địa bàn để kiểm định, kịp thời khuyến cáo người sử dụng nếu phát hiện chất độc hại.

Tác hại của nitrit với cơ thể

Trong cơ thể, nitrit kết hợp với hồng cầu (hemoglobin) trong máu sau đó chuyển thành methemoglobin, cuối cùng chuyển thành methemoglobinamin. Methemoglobinamin là chất ngăn cản việc liên kết và vận chuyển oxy, gây bệnh thiếu oxy trong máu và sinh ra bệnh máu trắng:

Bệnh nhân khi bị ngộ độc nitrit sẽ có những triệu chứng như nhức đầu, hồi hộp, hoa mắt, nôn mửa… sau đó dẫn đến hôn mê và có thể gây tử vong. Hiện tượng này đặc biệt thấy rõ ở trẻ em. Trẻ em mắc chứng bệnh này thường xanh xao và dễ bị đe dọa đến cuộc sống đặc biệt là trẻ dưới sáu tháng tuổi. Ở một khía cạnh khác, nitrit kết hợp với các acid amin trong thực phẩm làm thành một họ chất nitrosamin. Nitrosamin có thể gây tổn thương di truyền tế bào - nguyên nhân gây ra bệnh ung thư, quái thai. Những thí nghiệm cho nitrite vào thức ăn, nước uống của chuột, thỏ... với hàm lượng vượt ngưỡng cho phép thì sau một thời gian thấy những khối u sinh ra trong gan, phổi, vòm họng của chúng.

(Theo http://www.nsl.hcmus.edu.vn/greenstone/collect/thesiskh/archives)

Theo báo Sức Khỏe Đời Sống, nitrit còn có tên gọi là muối diêm. Nitrit được phép dùng làm phụ gia thực phẩm để bảo quản thịt, ướp thịt làm jambon, xúc xích, lạp xưởng, phomat hoặc ổn định màu nước giải khát nhưng trong giới hạn cho phép. Giới hạn cho phép này khác nhau tùy từng nước: Thông thường tùy theo loại thực phẩm có thể dùng dao động từ 50 đến 150 mg/kg sản phẩm. Việt Nam cho phép dùng tới 500 mg/kg sản phẩm (với lạp xưởng, dăm bông, xúc xích, thịt chế biến) và 50 mg/kg sản phẩm (với phomat).

Trung Quốc: Cấm buôn bán thực phẩm có muối nitrit

Bộ Y tế Trung Quốc đã cấm   thêm muối nitrit vào thịt chế biến sẵn. Lệnh cấm này được đưa ra sau khi có một vài trường hợp bị ngộ độc thực phẩm.

Theo luật pháp Trung Quốc, muối nitrit (thuộc nhóm muối công nghiệp) có thể được thêm vào thực phẩm, như xúc xích và thịt hun khói, như là một chất bảo quản và tạo màu nhưng chỉ với một lượng rất nhỏ và hạn chế. Một số nhà hàng, cửa hàng ăn và quán ăn nhanh đã thêm muối nitrit vào các sản phẩm thịt để chế biến.

Tháng 4 năm ngoái, một bé gái một tuổi đã tử vong do ngộ độc nitrit sau khi ăn gà rán được mua từ một hàng bán dạo trên phố ở Bắc Kinh. Sử dụng các chất phụ gia như muối nitrit cần được thực hiện cẩn thận và giám sát chặt chẽ, không được dùng tại các nhà hàng hoặc quán ăn nhanh do làm tăng mối lo ngại về an toàn thực phẩm. Tuy nhiên, các nhà máy chế biến thực phẩm chuyên nghiệp vẫn được phép sử dụng nhưng phải tuân thủ những quy định.

(Theo TPonline)

TRẦN NGỌC

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Top 5 thực phẩm giúp bạn ngủ ngon hơn

Top 5 thực phẩm giúp bạn ngủ ngon hơn

(PLO)- Bạn muốn ngủ ngon hãy uống trà hoa cúc, hạt rau mùi, ăn hạt nhục đậu khấu... bởi chúng là những loại thực phẩm giúp sản xuất melatonin để ngủ ngon hơn.

Các loại hạt tốt cho bệnh tiểu đường

Các loại hạt tốt cho bệnh tiểu đườngInfographic

(PLO)- Các loại hạt được biết đến là loại thực phẩm có hàm lượng đường huyết thấp, giúp giảm lượng đường trong máu. Chúng cũng có lượng carbohydrate hạn chế và có rất ít ảnh hưởng đến mức đường huyết trong cơ thể chúng ta. 

10 loại thực phẩm tốt cho thận

10 loại thực phẩm tốt cho thận

(PLO)- Được biết đến với tên gọi là 'kẻ sát nhân thầm lặng', bệnh thận có thể rất khó nhận biết, không có dấu hiệu rõ ràng ở giai đoạn đầu. Dưới đây là 10 loại thực phẩm để bảo vệ thận của bạn.