TRƯỚC THỀM DỰ THẢO TĂNG VIỆN PHÍ:

Bài 2: Tiền của bệnh viện ở đâu mà ra?

Trung ương “xé rào”

 Không đợi đến khi Bộ Y tế đưa ra dự thảo tăng giá viện phí thì các bệnh viện mới dám tính đến chuyện tăng viện phí. Việc tăng viện phí (tính theo đúng thời giá thị trường) đã được các bệnh viện “xé rào” thực hiện trước từ vài năm trở lại đây (dựa vào nghị định 43 về tự chủ bệnh viện mà thực tế các bệnh viện chỉ chủ yếu tự chủ về tài chính, nhân lực).

 Cụ thể: Giá khám chữa bệnh theo quy định từ 500 đồng-3.000 đồng, nếu khám dịch vụ theo yêu cầu là 30.000 đồng (từ năm 1995), nhưng hiện giờ không nơi nào thu mức này.

 Tại bệnh viện Nhi TW, giá khám bệnh (dịch vụ) một lần là 70.000 đồng, nếu khám ngoài giờ hành chính (trước 8h sáng và sau 5h30 chiều) là 80.000 đồng (trong khi bệnh viện khuyến khích người dân đi khám ngoài giờ để tránh quá tải trong giờ hành chính?!).

Bài 2: Tiền của bệnh viện ở đâu mà ra? ảnh 1

Giá dịch vụ y tế thực chất đã tăng từ lâu rồi (Ảnh chụp tại bệnh viện Nhi TW. Ảnh: C.Q)

Tại bệnh viện Bạch Mai, giá khám dịch vụ cũng ở mức 70.000 đồng/lần. Giá xét nghiệm Urê, Creatine, Axit Uric trong máu theo quy định là 4.000 đồng/lần (tối thiểu) và 12.000 đồng/lần (tối đa), nhưng bệnh viện đã tăng lên 15.000 đồng.

Giá xét nghiệm tế bào nước tiểu theo quy định là 6.000 đồng/lần (giá tối đa) nhưng đã được bệnh viện tăng lên 39.000 đồng/lần.

Tại bệnh viện Việt Đức, theo quy định, giá thủ thuật chọc hút hạch, chọc hút tuyến giáp có giá tối thiểu 3.500 đồng-4.000 đồng/lần, tối đa 20.000 đồng-25.000 đồng/lần, nhưng giá khám dịch vụ thì đều thanh toán ở mức 50.000 đồng/lần.

Với thủ thuật chọc rửa màng bụng, màng phổi giá quy định là 15.000 đồng (tối thiểu) và 45.000 đồng (tối đa) nhưng khám dịch vụ sẽ thu mức 100.000 đồng/lần.

Đặc biệt, chi phí tối thiểu một lần chạy thận nhân tạo là 150.000 đồng (theo quy định hiện hành) và tối đa là 300.000 đồng/lần. Mức giá này hiện đang được Bộ Y tế đề xuất sửa đổi là 300.000 đồng/lần (tối thiểu) và 400.000 đồng/lần (tối đa).

Nhưng không đợi sửa, nhiều bệnh viện đã tự động nâng giá từ cách đây 4 năm. Và mức giá được nâng từ cách đây 4 năm đã kịp cao bằng mức giá hiện tại đang được đề nghị áp dụng.

Cụ thể: Tại bệnh viện Bạch Mai, giá một lần chạy thận áp dụng là 400.000 đồng/lần (bằng mức tối đa mà Bộ đang đề xuất) và mức giá này được áp dụng từ tháng 6/2006. Tại bệnh viện Thanh Nhàn từ lâu đã áp mức giá 300.000 đồng/lần.

Điều có thể dễ nhận thấy là dù đưa ra 2 mức giá tối thiểu và tối đa nhưng tất cả các nơi đều thực hiện thu ở mức tối đa và được bảo hiểm thanh toán, tuyệt nhiên không thu mức tối thiểu!

Địa phương cũng không kém cạnh

Không chỉ các bệnh viện tuyến trung ương mới “xé rào” mà ngay cả các bệnh viện địa phương cũng nảy sinh tình trạng này.

Theo quy định, để bệnh nhân BHYT được thanh toán mức giá chạy thận nhân tạo cao hơn mức 150.000 đồng/lần (giá tối thiểu) và 300.000 đồng/lần (giá tối đa) thì khung giá này đối với bệnh viện tuyến trung ương phải được Bộ Y tế phê duyệt, còn bệnh viện địa phương do UBND tỉnh phê duyệt.

Nhưng ở một số địa phương (khu vực phía Nam) đã có những bệnh viện không thực hiện quy trình này, hoặc có đệ trình nhưng không hiểu vì lý do gì mà không được tỉnh phê duyệt, xong bệnh viện vẫn tự động “xé rào” không cần sự cho phép và thu giá cao hơn.

Mô tả ảnh.

Nhiều bệnh nhân chạy thận ở một số địa phương đang phải chịu thiệt thòi bởi mức giá bệnh viện đưa ra không được cơ quan BHYT thanh toán vì chưa được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt. Hậu quả của việc “xé rào” này là người bệnh đã nghèo lại càng nghèo hơn(Ảnh chỉ có tính minh họa. Trong ảnh là bệnh nhân chạy thận nhân tạo ở bệnh viện Bạch Mai. Ảnh: thannhantaobachmai.com)

 Điều oái oăm nằm ở chỗ: nếu được phê duyệt giá mới, bệnh nhân sẽ được BHYT thanh toán, còn nếu không, bệnh nhân phải tự trả tiền cho phần nâng giá đó.

 Và hậu quả của việc “xé rào” tự động này là bệnh nhân chạy thận nhân tạo ở một số địa phương đã phải bỏ tiền túi ra để trả phần chênh lệch (khoảng 150.000 đến 250.000 đồng/lần), trong khi họ đã phải cùng chi trả khoản 5% theo đúng quy định.

Các bệnh viện cho rằng nếu không làm như thế, không thu thêm thì không thể tồn tại được, không có gì để duy trì được.

Ông Vũ Xuân Phú, Phó Giám đốc bệnh viện bệnh lao và bệnh phổi Trung ương thì cho biết: “Khi thực hiện tự chủ tài chính, các bệnh viện cũng phải làm và báo cáo cả một kế hoạch chi tiết, Bộ Y tế duyệt mới được thực hiện chứ không phải được tự chủ là thích làm thế nào cũng được”.

Nhưng câu hỏi được đặt ra là: Tại sao cách đây 4 năm Bộ Y tế cũng phê duyệt mức giá bằng với mức giá hiện tại đang được đề xuất?

Trong khi đó, các dịch vụ khám chữa bệnh theo yêu cầu với mức giá cao liên tục được các bệnh viện mở rộng, phát triển. Kết quả là tỉ trọng của số tiền thu được từ khám dịch vụ ngày càng lớn (Theo nghiên cứu của viện chính sách và chiến lược y tế, tại bệnh viện Phụ sản Hà Nội, thu từ dịch vụ theo yêu cầu chiếm tỷ trọng tới 25% tổng thu của cả bệnh viện trong năm 2006).

Hợp thức hóa việc “xé rào” bằng cách tăng viện phí?

Ông Nguyễn Nam Liên, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính (Bộ Y tế) không trả lời trực diện câu hỏi của phóng viên: “Liệu việc tăng viện phí lần này có phải là để hợp pháp hóa việc “xé rào” tăng viện phí từ vài năm trước của các bệnh viện không?”.

Ông Liên chỉ nói: “Ngay theo quy định hiện hành, giá khám dịch vụ cũng đã 30.000 đồng/lần. Nhưng có những đơn vị đầu tư cả điều hòa, ti vi và các phương tiện tiện dụng khác nên giá có cao hơn, có nơi 70.000 đồng, cớ nơi 100.000 đồng, …”.

Các chuyên gia về kinh tế y tế cho biết họ không ủng hộ việc để các bệnh viện tự tìm cách xoay sở trong một “hành lang chật hẹp” dẫn đến những hệ lụy không tốt cho người bệnh.

Tuy nhiên, mức giá mà các bệnh viện đã “xé rào” thực hiện từ cách đây 4 năm hầu như ở mức hoặc bằng hoặc cao hơn mức giá Bộ Y tế đang đề xuất, điều đó chứng tỏ suốt mấy năm qua (khi mức trượt giá còn thấp hơn thời điểm hiện tại), các bệnh viện đã nâng giá cao hơn cả giá thật của dịch vụ để tăng nguồn thu. 

  • Theo Cẩm Quyên (VNN)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm