Bác sĩ với tám điều tránh

1. Năm 1989, với sự cho phép hành nghề y tế tư nhân, tính viện phí và cho phép bệnh viện công mở phòng khám dịch vụ, nền “y tế xã hội chủ nghĩa” với mục tiêu “vì dân phục vụ, lương y như từ mẫu” được xây dựng từ những năm 1950 bắt đầu chủ trương “xã hội hóa” với chủ ý: Nhà nước tiết kiệm ngân sách chi phí đầu tư cho y tế, chất lượng dịch vụ và đời sống của nhân viên y tế được nâng cao, dịch vụ có sẵn và người bệnh được tự do lựa chọn loại hình dịch vụ theo khả năng chi trả.

Và quả thực, sau 25 năm kiên trì theo đuổi, chúng ta đã thấy ở các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM, Huế, Đà Nẵng, Cần Thơ… các cơ sở y tế sạch, đẹp, hiện đại mọc lên với trang thiết bị y tế của các hãng hàng đầu thế giới… mà không tốn một đồng đầu tư từ ngân sách Nhà nước. Diện mạo các cơ sở y tế công cũng đổi khác: Các phòng mổ khang trang, khu xét nghiệm đầy ắp trang thiết bị! Hình ảnh nhân viên y tế đi ô tô đến nơi làm việc không còn là hiếm ở các cơ sở y tế công và người dân có thể “chọn bác sĩ” phục vụ mình, chọn loại thuốc tốt nhất hiện có ở các nước Âu, Mỹ, miễn họ thanh toán sòng phẳng theo yêu cầu của cơ sở y tế.

Nhưng oái oăm thay, chính lúc này, các bác sĩ lại đang đối mặt với một vấn đề không hề đơn giản, tưởng chừng như trong thế “một mất một còn” với nghề y cao quý: Giữ gìn y đức trong nền y tế đậm chất “thị trường có định hướng”.

Bác sĩ với tám điều tránh ảnh 1

Sự tận tâm và hết lòng vì nghề của y bác sĩ sẽ mang lại niềm vui và hạnh phúc cho nhân dân. Ảnh trái: TS-BS Trương Quang Định, Phó Giám đốc BV Nhi đồng 2, đang nâng niu hai em bé song sinh dính nhau lúc chưa mổ. Ảnh phải: Mẹ hai bé vui sướng vì hai đứa con mình được tách rời mà trong mơ chị cũng không dám nghĩ đến.

2. Hải Thượng Lãn Ông từng đưa ra cảnh báo cho người hành nghề y tám điều cần tránh, nếu không sẽ phạm phải tám tội: tội lười, tội bủn xỉn, tội tham, tội lừa dối, tội bất nhân, tội hẹp hòi, tội thất đức, tội dốt nát. Ta thử điểm vài điều trong hoàn cảnh hành nghề y hiện nay.

Các bác sĩ khó tránh khỏi tội “lười”. Có mấy bác sĩ thời nay khám bệnh thực sự trải qua “nhìn, sờ, gõ, nghe”, bắt mạch, chẩn bệnh? Họ cho rằng đã có xét nghiệm làm giúp việc này! Họ tiết kiệm tối đa lời nói, động tác. Một buổi khám bệnh, một bác sĩ phòng khám bệnh viện công tuyến trung ương “hoàn thành” 50 bệnh nhân. Kỷ lục có bác sĩ đạt tới 80 bệnh nhân. Thậm chí có bác sĩ viết sẵn đơn thuốc để nhân viên cứ việc… kê cho kịp tốc độ.

“Tội bủn xỉn” được hầu hết các bác sĩ tránh dễ dàng khi hành nghề trong nền y tế thị trường có định hướng nhưng lại dễ vướng “bệnh tham”. Bởi với sự giúp đỡ của các hãng thuốc, các bác sĩ thời nay rất hào phóng. Họ luôn nhiệt tình bốc thuốc cho người bệnh. Người bệnh nào ra khỏi phòng khám công hay tư cũng rất dồi dào thuốc mà lại chủ yếu là thuốc ngoại, gấp đôi gấp ba so với quy định của Bộ Y tế hoặc của BHYT.

Hải Thượng Lãn Ông cho rằng người thầy thuốc xem việc khám, chữa bệnh là để “làm tiền” thì mắc “tội tham”. Nhưng “tội” này đã được “mặc nhận hóa” bởi chục năm có lẻ từ Nghị định 10 đến Nghị định 43 dành quyền tự chủ tài chính cho các cơ sở công lập có thu. Tất cả cơ sở y tế lớn, nhỏ đều ra sức “tăng thu” từ nguồn bệnh nhân đến viện. Thử hỏi có bác sĩ nào tránh được “tội” này?

Quả thực viết đến đây, tôi thấy cay cay mắt! Mới có hai, ba điều đã thế này rồi! Tôi là bác sĩ! Vợ tôi là bác sĩ! Tôi không đủ dũng cảm để đi tiếp các điều còn lại…

3. Đặt công việc khám, chữa bệnh theo nguyên tắc kinh tế thị trường có định hướng nhưng thiếu kiểm soát của các tổ chức xã hội nghề nghiệp, lại không phạm vào tám điều răn “y đức” của ông tổ nghề y Hải Thượng Lãn Ông thì quả là một thử thách khó vượt qua với các thầy thuốc có lương tâm ngày nay.

Nhưng chả lẽ bó tay?

Thiết nghĩ, nghề y là một nghề đặc biệt và “dịch vụ khám, chữa bệnh” cũng là loại dịch vụ hết sức đặc biệt. Ở đó, người mua không đánh giá được chất lượng dịch vụ nhận được so với đồng tiền bỏ ra và chả ai lại đánh cược mạng sống của mình với sự dè sẻn đồng tiền trước chỉ định của bác sĩ! Vậy thì xã hội cứ tiếp tục để đồng lương bác sĩ như hiện nay, tiếp tục để tồn tại “công tư lẫn lộn” và không có cơ chế giám sát độc lập chất lượng hành nghề y như hiện nay, biết đến bao giờ, người hành nghề y Việt Nam mới có cơ may thoát khỏi các tội mà Hải Thượng Lãn Ông đã răn?

Tám điều tránh

1. Có bệnh nên xem xét đã rồi mới bốc thuốc mà vì ngại đêm mưa vất vả, không chịu đến thăm mà đã cho thuốc, đó là tội lười.

2. Có bệnh nên uống thứ thuốc nào đó mới cứu được nhưng sợ người bệnh nghèo túng, không trả được vốn nên chỉ cho loại thuốc rẻ tiền, đó là tội bủn xỉn.

3. Khi thấy bệnh chết đã rõ, không nói thật mà lại nói lơ mơ để làm tiền, đó là tội tham.

4. Thấy bệnh dễ chữa, nói dối là khó, le lưỡi, chau mày, dọa cho người ta sợ để lấy nhiều tiền, đó là tội lừa dối.

5. Thấy bệnh khó, đáng lý phải nói thật rồi hết sức cứu chữa nhưng lại sợ mang tiếng là không biết thuốc, vả lại chưa chắc đã thành công, mà đã như vậy thì không được hậu lợi nên kiên quyết không chịu chữa đến nỗi người ta bó tay chịu chết, đó là tội bất nhân.

6. Có trường hợp người bệnh ngày thường có bất bình với mình, khi họ mắc bệnh phải nhờ đến mình, liền nảy ra ý nghĩ oán thù, không chịu chữa hết lòng, đó là tội hẹp hòi.

7. Lại như thấy người mồ côi, góa bụa, người hiền, con hiếm, mà nghèo đói ốm đau thì cho là chữa mất công vô ích, không chịu hết lòng, đó là tội thất đức.

8. Lại như xét bệnh còn lờ mờ, sức học còn non đã cho thuốc chữa bệnh, đó là tội dốt nát.

(Theo Hải Thượng y tông tâm lĩnh)

Hải Thượng Lãn Ông là biểu tượng của nền y học Việt Nam nói chung, hội đủ năm đặc tính: nhân bản - y lý - y thuật - y nghệ thuật và y đức.

Theo Hải Thượng Lãn Ông, chỉ có lòng thương yêu, tận tụy chăm sóc người bệnh chưa đủ gọi là có y đức. Người thầy thuốc có y đức không để kiến thức chuyên môn bị lạc hậu, dày công nghiên cứu, đúc kết kinh nghiệm của bản thân và đồng nghiệp, luôn tìm tòi cái mới trong công việc hằng ngày nhằm thể hiện được đầy đủ các tính chất cao đẹp của người thầy thuốc chân chính. Y thuật không chuyên sâu, y lý không vững vàng, sao có thể nâng tầm y đức.

BS TRẦN VĂN NĂM, Phó Viện trưởng Viện Y Dược học dân tộc TP.HCM

BS-TS TRẦN TUẤN, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo phát triển cộng đồng

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm