Mỗi người chỉ có hai trái!

Với khoảng hai triệu đơn vị nhỏ li ti có tên là cầu thận, nhiệm vụ chính của trái thận là lọc máu bằng cách thải phế phẩm trong máu qua đường tiểu và giữ lại cho cơ thể chất còn dùng được. Nếu vì lý do nào đó, vì chấn thương, viêm tấy, xuất huyết, bội nhiễm… khiến phần lớn cầu thận không còn hoạt động như mong muốn thì tình trạng suy thận xuất hiện với hậu quả là các chất thải như urê, creatinin, acid uric… tích lũy trong máu rồi vượt quá định mức bình thường. Cơ thể khi đó chẳng khác nào bị ngộ độc liên tục từ bên trong. Đến giai đoạn cuối nạn nhân chỉ còn cách trông mong vào chiếc máy lọc thận.

Trái thận không chỉ để… tiểu!

Thận thường bị đồng hóa với chức năng tiểu tiện! Đúng nhưng chỉ phản ánh một phần rất nhỏ về khả năng đa dạng của trái thận. Thông qua chức năng bài tiết phế phẩm và tái hấp thu dưỡng chất, thận không ngừng lọc máu và điều chỉnh lượng nước trong cơ thể! Bên cạnh đó thận tham gia tiến trình biến dưỡng sinh tố D để chất vôi nhờ đó ở lại trong mô xương, thay vì thất thoát qua đường tiểu. Thận đồng thời phóng thích nhiều nội tiết tố quan trọng như erythropoetin để tạo hồng cầu, renin để điều chỉnh huyết áp… Chính vì thế mà bệnh thận không chỉ dẫn đến rối loạn chức năng tiểu tiện. Bất kể vì nguyên nhân nào, bệnh thận bao giờ cũng mở ngõ cho cao huyết áp, thiếu máu, bệnh gout…!

Bất kể vì nguyên nhân nào, bệnh thận bao giờ cũng mở ngõ cho cao huyết áp, thiếu máu, bệnh gout…!

Chuyện nhỏ xé ra to

Đáng nói trong bối cảnh ở xứ mình các yếu tố đòn bẩy gây bệnh thận ít khi được lưu ý đúng mức. Đó là:

- Viêm cầu thận cấp, đa số ở trẻ em, không được điều trị đến nơi đến chốn.

- Tiểu đường không được phát hiện vì thiếu biện pháp tầm soát, hoặc tuy đã biết nhưng không được điều trị đúng bài bản.

- Lạm dụng thuốc giảm đau từ chuyện mua thuốc bất cần toa.

Ám tiễn khó phòng

Nhiêu khê hơn nữa cho bệnh nhân lẫn thầy thuốc là bệnh thận ít khi có dấu hiệu báo động trước khi đi đến giai đoạn suy thận, hay nếu có lại mơ hồ khiến ngay cả một số thầy thuốc ít quan tâm đến trái thận. Đáng tiếc vì để kiểm soát chức năng thận lại tương đối đơn giản với phương tiện chẩn đoán hiện nay. Cẩn tắc vô áy náy nên khám thận khi phát hiện các dấu hiệu dưới đây:

- Đau lưng âm ỉ ở vùng bẹ sườn dù không vận động nặng.

- Cơn đau quặn lan xuống bọng đái dù không mắc tiểu.

- Tiểu ra máu.

- Nặng mí mắt khi thức dậy.

- Phù mắt cá dù ngồi yên nhiều giờ.

- Tê bàn tay, bàn chân.

- Biếng ăn kéo dài.

- Buồn nôn không liên quan đến bữa ăn.

- Đau đầu sau vài giờ làm việc.

- Mệt mỏi dù không lao tâm lao lực.

- Hôi miệng.

- Ngứa ngoài da dù đã dùng thuốc chống dị ứng.

- Rụng tóc, gãy móng tay vô cớ.

- Mất quầng thâm dù ngủ đủ.

Già néo mới đứt dây

Thận không vô cớ bỗng suy trong ngày một ngày hai. Trái lại, thường khi là hậu quả do việc đối xử không công bằng với trái thận, chẳng hạn qua nếp sinh hoạt mạnh miệng với rượu bia, qua thói quen dùng thuốc giảm đau thường hơn cơm bữa… Mặt khác, thận rất dễ bệnh nếu gia chủ:

- Không theo dõi huyết áp định kỳ để kịp thời phát hiện bệnh cao huyết áp.

- Không điều trị bệnh huyết áp cao đến nơi đến chốn mà chỉ dùng thuốc theo kiểu mỗi tháng vài ngày.

- Trung thành tuyệt đối với thuốc lá để nhu mô thận thành miếng mồi ngon của độc chất trong thuốc lá.

- Quá hạp khẩu với chất đạm động vật trong chế độ dinh dưỡng thường ngày.

- Tự đầu độc bằng phosphat trong nước ngọt có gas, thịt xông khói, sữa đặc có đường.

- Ăn quá mặn mà quên uống nước cho đủ trong bữa ăn, trong giờ làm việc, khi đổ mồ hôi.

- Hở chút là dùng thuốc giảm đau. Nên nhớ 10% người suy thận không vì bệnh nào trước đó nghiêm trọng mà do phản ứng phụ của thuốc giảm đau.

- Uống nước không đủ 2,5 lít mỗi ngày vì định kiến uống nhiều hại thận hoặc sợ tiểu đêm.

- Không tầm soát đường huyết và mỡ máu định kỳ. Đừng quên 25% suy thận là di chứng của bệnh tiểu đường, 40% là do xơ vữa mạch máu.

- Béo phì nhưng không chịu vận động để giảm cân. Trái lại, tự hại thận qua thói quen ngồi quá lâu trước máy vi tính, truyền hình.

- Không áp dụng biện pháp tăng cường tuần hoàn đến vùng thận như mát xa dọc cột sống, bơi lội, thể dục cột sống.

- Hiếm khi dùng cây thuốc lợi tiểu như atisô, rau má, rễ tranh, bồ công anh…, khi ghi nhận tình trạng tiểu ít, tiểu rát, sau bữa ăn nhiều thịt mỡ, vào những ngày mệt mỏi vì công việc căng thẳng, thời tiết thay đổi. Y sĩ đoàn ở châu Âu ắt hẳn có lý do chính đáng khi cổ động người dân dùng cây thuốc vài ngày trong tuần để giải độc định kỳ cho cơ thể.

Ai chưa biết suy thận khổ đến thế nào xin thử hỏi người phải vài ngày lọc thận một lần. Bên cạnh gánh nặng tài chính, lọc thận chỉ là giải pháp chữa cháy cầm canh! Ấy thế mà khi bàn chuyện phòng bệnh chẳng mấy ai nghĩ đến trái thận. Tội cho trái thận im lặng đến cùng. May cho gia chủ là trái thận không biết nói.

Phòng, chống loãng xương và bệnh gan với BS Lương Lễ Hoàng

Vào 8 giờ 30 sáng 18-7, tại hội trường BV Y học cổ truyền, 179 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, quận 1, TP.HCM sẽ diễn ra buổi giao lưu y học với BS Lương Lễ Hoàng với chủ đề “Đông y trong phòng, chống loãng xương” nhằm giải đáp các thắc mắc: Đông dược giữ vai trò thế nào trong phòng, chống loãng xương?; vật lý trị liệu cho người loãng xương, nên hay không?; dùng thuốc canxi sao cho đáng tiền?

Cùng ngày, vào lúc 13 giờ 30 tại BV Hồng Đức, 32/2 Thống Nhất, quận Gò Vấp (TP.HCM), BS Lương Lễ Hoàng cũng có buổi giao lưu y học xung quanh bệnh gan với chủ đề “Một chút công bằng với lá gan” nhằm giải đáp các câu hỏi như: Cách nào trị viêm gan siêu vi tốt nhất?; dùng thuốc lợi mật thường xuyên có lợi hay có hại?; dùng dược thảo trị bệnh gan nên hay không?; người bệnh gan nên kiêng cữ thế nào?; món nào đại kỵ trong bệnh gan?...

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm