Bệnh song thị: Vì sao nhìn một hóa hai?

Song thị là hiện tượng nhìn thấy một thành hai ảnh, ngoài một ảnh thật của mắt lành còn xuất hiện bên cạnh một ảnh mờ hơn của mắt bệnh. Người bệnh có triệu chứng song thị bị trở ngại rất nhiều trong sinh hoạt, đặc biệt không thể tham gia giao thông. Với người nhạy cảm, song thị còn dẫn đến nhức đầu, chóng mặt, thậm chí buồn nôn. Song thị có thể xuất hiện cùng với mắt bị lé hoặc chưa lé.

Tại sao xuất hiện song thị?

Khi nhìn vào một vật, trục nhìn của hai mắt đều cùng hướng về vật đó, ảnh của vật cùng hội tụ trên hoàng điểm là vùng thấy rõ nhất trên võng mạc và theo đường dẫn truyền thị giác lên não để cho thấy cùng một ảnh mà thôi. Khi có sự lệch trục ở một mắt, ảnh của vật không rơi trên hoàng điểm mà ngoài vùng này, hệ quả là người đó thấy xuất hiện một ảnh mờ bên cạnh ảnh thật của mắt lành.

Song thị là hệ quả của tổn thương trực tiếp trên cơ vận nhãn hoặc gián tiếp trên thần kinh điều khiển số III, IV, VI. Các bệnh lý gây song thị thường gặp trên cơ vận nhãn như bệnh nhược cơ, bệnh nhãn giáp, kẹt cơ vào lỗ gãy xương hốc mắt sau chấn thương. Các bệnh lý gây song thị thường gặp do tổn thương trên thần kinh vận nhãn như tiểu đường, viêm do tự miễn hoặc do nhiễm siêu vi, sau chấn thương, u bướu gây chèn ép.

Điều trị ra sao?

Song thị liên quan đến bệnh lý thần kinh, vì vậy bạn cần đến bác sĩ thần kinh nhãn khoa. Một xét nghiệm thường được yêu cầu thực hiện là chụp cộng hưởng từ hạt nhân (MRI) hay chụp cắt lớp vi tính (CT scan). Nếu tìm được nguyên nhân, đương nhiên phải loại trừ nguyên nhân đó thì mới khỏi song thị. Thí dụ, song thị do kẹt cơ vào lỗ gãy sàn hốc mắt sau chấn thương thì phải bóc tách cơ khỏi chỗ gãy và dùng vật liệu trám vào lỗ gãy để tránh tái phát. Đa số các trường hợp không tìm được nguyên nhân, điều trị triệu chứng là ưu tiên.

Để giảm song thị thầy thuốc thần kinh nhãn khoa có thể tiêm Botulinum toxin A (BTA) vào cơ đối vận với cơ liệt hoặc hướng dẫn bạn cách che mắt luân phiên. Tại Việt Nam chưa phát triển kính đeo mắt khắc phục song thị. Song thị thường giảm dần theo thời gian, thầy thuốc thường chọn điểm mốc thời gian sáu tháng để quyết định phẫu thuật hay không. Nếu song thị không hồi phục, thầy thuốc sẽ can thiệp phẫu thuật điều chỉnh cơ vận nhãn cho bạn.

GS-TS-BS LÊ MINH THÔNG, nguyên trưởng khoa Thần kinh nhãn khoa -
Tạo hình thẩm mỹ (BV Mắt TP.HCM)

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Bộ Y tế: Hơn 70% người lớn mắc viêm lợi, viêm quanh răng

Bộ Y tế: Hơn 70% người lớn mắc viêm lợi, viêm quanh răng

(PLO)- Hơn 70% người trưởng thành tại Việt Nam bị viêm lợi, viêm quanh răng. Đây là nội dung được Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên thông tin tại Lễ mít tinh và đi bộ hưởng ứng Ngày sức khỏe răng miệng thế giới diễn ra tại TP.HCM ngày 16-3.