“Xóm dời nhà” ở Cà Mau

Cái Cám (xã Tân Hải, Phú Tân, Cà Mau) là một cửa biển ít người biết đến, do nó nhỏ và chưa từng có quá khứ gì danh tiếng. Nhưng nay địa danh Cái Cám đã trở thành điểm nóng lo âu của nhà chức trách tỉnh Cà Mau. Tại đây, hàng trăm dân có nguy cơ mất nơi cư trú cuối cùng vì nước dâng và sạt lở.

Tan tác giấc mơ đổi đời

Ông Tư Tiền (Nguyễn Văn Tiền) nhớ rất rõ hình ảnh cửa biển Cái Cám 18 năm về trước, khi lần đầu tiên ông đặt chân đến đây. Ông kể: “Hồi đó cửa biển này có chiều ngang chỉ vài mét, chiếc xuồng be chín muốn quay đầu thật là khó khăn. Nó là một con kênh nhỏ trời tạo ra, ngoằn ngoèo nhưng rất nhiều tôm cá. Tôi đã mê cửa biển này ngay từ cái lần đầu tiên đó và quyết đậu dạt mảnh đất này để làm ăn. Nhưng đến bây giờ mới thấy đó là một quyết định sai lầm, bồng bột”.

Bây giờ đã vào tuổi 70, ông Tư Tiền vẫn phải sống một cuộc sống nghèo khó như thời mới đến dựng chòi lập nghiệp. “Chọn một vùng đất để sinh sống như con gái chọn chồng. Chọn sai là khổ cả đời” - ông Tư Tiền chiêm nghiệm.

Sự sai lầm, theo ông Tư Tiền tự nhận là “cái sự quánh giá vùng đất”. Hồi đó năm 1994, khi đất nước mới vừa mở cửa, tôm cá xuất ngoại, giá cả vụt leo thang. Ông Tư Tiền cũng như hàng trăm hộ dân tại cửa biển Cái Cám hiện nay nhìn thấy rất rõ tiềm năng tôm cá ở cửa Cái Cám. Riêng ông Tư Tiền còn kỹ lưỡng hơn, trước khi định cư, ông tìm hiểu kỹ về đặc điểm của vùng đất. Ông thấy được những cây mắm cứ lấn dần ra biển. Hỏi người dân cố cựu, ông được biết đây là vùng đất bồi. “Chính vì nghĩ đây là vùng đất bồi nên tôi mới không chần chừ, về quê bán hết ruộng đất, dời cả vợ con xuống đây lập nghiệp. Tôi nghĩ chỉ cần mình cắm dùi ở phía bìa rừng, làm ăn một thời gian thì tự nhiên mình sẽ có được một thửa đất to lớn, mặc sức mà nuôi tôm, cua xuất khẩu” - ông Tư Tiền kể.

“Xóm dời nhà” ở Cà Mau ảnh 1

Ông Tư Tiền không thể ngờ được cửa biển Cái Cám từ 3 m nay đã bị sạt lở rộng ra đến gần 50 m. Ảnh: TRẦN VŨ

Đất teo tóp theo từng con sóng

Nhưng ông Tư Tiền đâu có ngờ đất không nở ra mà còn teo tóp lại. Teo đến mức ông không thể cất được cái nhà nào ổn định quá hai năm. 18 năm ở đây, ông Tư Tiền đã phải làm nhà mới đến 10 lần. Ông kể thêm: “Trong hai năm 2007 và 2008, tôi dời nhà đến ba lần. Hỏi như vậy thì còn chi là tiền của. Cứ gắng làm ăn dư ra chút ít tiền thì phải đổ vào việc dời nhà. Bà con ở đây cũng chung hoàn cảnh như tôi nên đâu có ai khá được”. Ông Tư Tiền hiện đang lo ngày lo đêm cái rẻo đất cuối cùng cũng sẽ biến mất sau mùa mưa năm nay.

Sạt lở ở cửa biển này ngày càng giữ dội, vượt tầm dự đoán của mọi người. Anh Nguyễn Tuấn Kiệt, con trai ông Tư Tiền, kể: “Tôi theo cha ra đây sống từ nhỏ nên biết sạt lở nhanh như thế nào. Vậy mà năm 2009, khi Nhà nước chưa làm cái kè rọ đá trước cửa này, trong một đêm mưa giông, sóng đánh sập vách nhà tôi, làm ngã cái tủ áo đặt ở trong nhà. Sáng ra thấy cái sân đất trước nhà bị biến thành nước từ hồi nào không biết”.

Ông Lê Văn Hòa, 62 tuổi, nghe chuyện cũng “tự khoe” mình ở đây 10 năm thì đã có năm lần dời nhà. Trong năm năm gần đây nhất, ông đã dời nhà thêm ba lần. “Khi làm nhà tôi được các cụ ở đây cảnh báo nạn sạt lở. Tôi nghe theo và làm nhà sâu ở trong, cách mé biển đến vài chục thước nhưng cũng bị dính. Trên đài thường nói biến đổi khí hậu, nước dâng. Tôi tin là có thiệt” - ông Hòa khẳng định.

“Xóm dời nhà” ở Cà Mau ảnh 2

Cửa Cái Cám hiện có vài chục hộ dân sống cheo leo đầu sóng, cực kỳ nguy hiểm. Ảnh: TRẦN VŨ

Khu tái định cư cũng bị sạt lở       

Ông Phạm Tiến Bình, Trạm trưởng Trạm Thủy lợi huyện Phú Tân, đưa chúng tôi ra cửa biển Cái Cám để quan sát nạn sạt lở. Ông Bình cho võ máy chạy cập sát bìa rừng phòng hộ chỉ chúng tôi xem những hàm ếch đang ngày càng ngoác rộng ra. Ông nói: “Vào mùa này thì sóng ít, sạt lở tạm thời không nghiêm trọng. Nhưng chỉ hai tháng nữa thì tình hình khác hẳn. Tôi đo được, chỉ trong bảy năm trở lại đây, đất và rừng phòng hộ bị mất đi từ 150 đến 200 m tính từ biển vào, tùy chỗ. Mà tình hình khí hậu, thời tiết ngày càng khó đoán, phức tạp. Nếu không được quan tâm, bảo vệ khẩn cấp thì khu này sẽ rất nguy hiểm. Tôi đã báo cáo tình hình về tỉnh, đề nghị phải triển khai ngay các biện pháp chống sạt lở”.

Theo đó, từ cuối tháng 11-2011, ông Bình đã có báo cáo bằng văn bản gửi về Sở NN&PTNT tỉnh Cà Mau. Báo cáo nêu: Sạt lở đã làm ảnh hưởng trực tiếp đến bốn nhà dân, phải di dời đột xuất đi nơi khác. Có bảy hộ khác, với khoảng 20 nhân khẩu sinh sống tại cửa Cái Cám, do tình hình sạt lở rất nghiêm trọng nên phải liên tục dời nhà vào phía trong, cuộc sống không ổn định. Về lâu dài sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến 10 hộ dân, đe dọa mất thêm một diện tích đất rừng phòng hộ khoảng 30 ha. Sạt lở còn ảnh hưởng gián tiếp đến hàng chục hộ dân sống trên tuyến kênh Cái Cám, hai bên bờ sông gần cửa biển. Các công trình đang bị sóng biển liếm tới là Trường Tiểu học Tân Nghiệp B, trụ sở văn hóa ấp Cái Cám, khu tái định cư Cái Cám…

Khu tái định cư Cái Cám có diện tích hơn 17 ha, được quy hoạch để di dời 234 hộ dân ven rừng phòng hộ huyện Phú Tân. Trong lúc dự án này vẫn chưa thực hiện xong, dân chưa đến ở thì nạn sạt lở đã đe dọa. Ông Bình cho biết thêm: “Vào mùa nước lên cuối năm ngoái, sóng biển đã đánh tới các công trình phụ cận của khu tái định cư Cái Cám như đường giao thông nội bộ, hệ thống cấp thoát nước, trường mẫu giáo. Công trình này cũng bị sạt lở đe dọa là điều hết sức bất ngờ đối với chúng tôi. Nó cho thấy diễn biến khí hậu rất phức tạp, vượt tầm dự đoán của các cơ quan chức năng tỉnh”.

Trồng rừng chắn sóng

Ông Tô Quốc Nam, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Cà Mau, cho biết: Chúng tôi đã có phương án chống sạt lở, bảo vệ khu vực cửa biển Cái Cám, đang trình cấp trên phê duyệt. Đó là phương án kè chắn sóng để tạo bãi, khôi phục rừng phòng hộ. Sau nhiều năm chúng tôi đã rút ra được kinh nghiệm, đó là phải có lá chắn bằng rừng phòng hộ thì mới chống được nạn sạt lở một cách bền vững, lâu dài. Phương pháp này đã được triển khai thí điểm thành công tại khu vực sạt lở đê nghiêm trọng thuộc xã Khánh Tiến, huyện U Minh vào năm 2009.

“Xóm dời nhà” ở Cà Mau ảnh 3

Hàm ếch báo động nạn sạt lở leo thang tại cửa biển Cái Cám. Ảnh: TRẦN VŨ

TRẦN VŨ

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm