Xe ôm cứu người

“Hội Chữ thập đỏ phường Nguyễn Cư Trinh (quận 1) mỗi năm đều tổ chức tập huấn sơ cấp cứu cho anh em xe ôm trên địa bàn. Trong quá trình đưa đón khách, các anh em xe ôm đã sơ cứu nhiều trường hợp bị tai nạn trên đường, cứu sống không ít người” - bà Bùi Thị Bích Thủy, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ phường Nguyễn Cư Trinh, nói.

Dùng áo thay băng

Cách đây không lâu, đang chở khách trên đường Cống Quỳnh (quận 1), ông Trần Văn Lợi (phường Nguyễn Cư Trinh, quận 1) thấy một thanh niên đang chạy xe máy bỗng tông vào con lươn, ngã nhào ra đường nằm bất động. Ông Lợi dừng xe, bảo khách chờ chút rồi lao tới người bị nạn, phát hiện anh ta bị vết thương dài và sâu trên trán, máu tuôn xối xả. “Tôi liền cởi áo nạn nhân đang mặc, quấn cứng cánh tay áo thành nùi rồi đặt lên vết thương. Sau đó dùng chiếc áo băng chặt lại rồi kêu taxi đưa nạn nhân tới bệnh viện. Các bác sĩ nói nếu không cầm máu sớm thì anh ta khó qua khỏi vì mất máu nhiều” - ông Lợi kể lại.

Ông Lợi cho biết tổ xe ôm được Hội Chữ thập đỏ phường trang bị túi cứu thương hẳn hoi, gồm bông băng, thuốc rửa vết thương, nẹp… Tuy nhiên, do lực lượng xe ôm quá đông, không thể trang bị mỗi người một túi nên anh em xe ôm luân phiên nhau giữ. Trong trường hợp không giữ túi cứu thương, nếu gặp tai nạn giữa đường thì anh em xe ôm tùy cơ xử lý. Những tình huống này anh em xe ôm đã được tập huấn nên không lúng túng. “Nếu nạn nhân bị gãy chân thì dùng hai chiếc dép nẹp chặt, gãy cổ thì dùng tờ báo xếp lại thành nẹp để cố định. Nếu bị ngất, khó thở thì làm hô hấp nhân tạo…” - ông Lợi cho biết.

Xe ôm cứu người ảnh 1

Nhiều xe ôm trên địa bàn phường Nguyễn Cư Trinh (quận 1) được trang bị túi cứu thương để sơ cứu người bị tai nạn giao thông. Ảnh: TRẦN NGỌC

Lấy thân làm giá đỡ tay bị gãy

Nhờ được tập huấn phương pháp sơ cấp cứu người bị nạn do Hội Chữ thập đỏ xã Tân Kiên và huyện Bình Chánh tổ chức nên ông Nguyễn Văn Hòa (xã Tân Kiên) đủ tự tin sơ cứu nhiều người.

Cách đây không lâu, trên đường đón khách ông Hòa gặp vụ tai nạn giao thông dưới chân cầu Bình Điền (Bình Chánh). Người gây tai nạn bỏ chạy, để mặc nạn nhân kêu la đau đớn, tay trái xụi lơ. Ông Hòa chạy tới, bóp nhẹ và phán đoán nạn nhân bị gãy tay. “Sau khi nhờ người đi đường dựng nạn nhân đứng thẳng, tôi nhẹ nhàng đặt tay gãy áp sát thân người, lấy băng quấn chặt cánh tay vào thân người rồi kêu taxi chở vô bệnh viện. Bác sĩ cho biết tay gãy nhờ được cố định nên nạn nhân không bị sốc” - ông Hòa nói.

Tương tự, ông Nguyễn Phát Tân (phường 1, quận 6) cùng với hơn 70 anh em xe ôm trên địa bàn cũng được Hội Chữ thập đỏ quận 6 huấn luyện sơ cấp cứu từ năm 2012 nên đã sơ cứu không ít tai nạn giao thông. Ông Tân kể: “Trên đường về nhà sau khi trả khách, tôi chứng kiến một bà đi xe máy bị quẹt ngã xuống đường bất tỉnh, da thịt bị xây xát. Người gây tai nạn tăng ga bỏ chạy, còn người đi đường chỉ biết xúm lại xem. Tôi yêu cầu mọi người tránh ra, nhanh chóng làm hô hấp nhân tạo. Lát sau nạn nhân tỉnh lại, tôi rửa sạch chỗ trầy xước rồi gọi xe đưa tới bệnh viện”.

Cứu người lại bị nghi oan… ăn cắp

Ông Trần Văn Lợi cho biết khi gặp tai nạn trên đường thì anh em xe ôm nhanh chóng cứu người rồi đưa vô bệnh viện. Thế nhưng không ít xe ôm bị chính những người vừa được sơ cứu nghi oan lấy cắp tiền. Có nạn nhân được sơ cứu và đưa vô bệnh viện. Sau khi tỉnh liền hô hoán mất bóp tiền, khăng khăng xe ôm đã lấy. Chỉ khi mẹ nạn nhân tới, nói bóp tiền để quên ở nhà thì mọi chuyện mới rõ. Cũng có một bà được xe ôm sơ cứu rồi đích thân đưa vô bệnh viện. Thế nhưng khi tỉnh lại, bà ta nói xe ôm lấy mất sợi dây chuyền vàng. Trong khi người nhà cho rằng do bị chấn thương đầu nên bà ta hoảng loạn chứ thực ra nạn nhân chẳng mang dây chuyền. “Đâu chỉ vậy, không ít thân nhân người bị nạn vừa gặp anh em xe ôm là lớn tiếng nói xe ôm là người gây tai nạn. Chỉ khi người bị nạn lên tiếng thì mọi việc mới êm xuôi” - ông Lợi trải lòng.

Còn ông Phạm Ngọc Thành, Phó Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ quận 6, cho biết xe ôm tham gia sơ cấp cứu người bị nạn chẳng những bị mất sở hụi mà còn bị phiền hà. “Chạy đến rước khách quen, gặp tai nạn trên đường phải nhảy vô sơ cứu. Thế là khách kêu xe ôm khác, thậm chí sau này không đi nữa. Chở khách giữa đường, gặp một người bị quẹt xe gãy tay, chảy máu liền bỏ khách để sơ cứu người bị nạn. Thế là khách càm ràm, không trả tiền, kêu xe khác. Đưa nạn nhân đến bệnh viện đâu được về ngay, phải khai này khai nọ, để lại địa chỉ, số điện thoại. Chỉ khi người nhà nạn nhân đến thì mới được bệnh viện cho về” - ông Thành nói.

TRẦN NGỌC

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm