“Vua mía” Nghĩa Hành

Anh đưa tay chỉ vùng núi bên kia sông Vệ: “Quê mình ở bên đó. Trước năm 1975, mình là dân biệt động thành hoạt động trên địa bàn thị trấn Sông Vệ (huyện Tư Nghĩa), huyện Nghĩa Hành và TP Quảng Ngãi. Sau đó bị lộ, cấp trên điều về làm lính trinh sát của Đại đội 95 huyện Nghĩa Hành. Sau ngày đất nước hoàn toàn giải phóng, phục viên. Lúc này mẹ cha qua đời nên sống cùng người anh ruột”.

“Hữu khổ thành thân”

Làng nằm bên dòng sông, khá êm đềm nhưng là gò đất cao nên rất khô cằn. Huỳnh Thân trần lưng cuốc đất. Có người con gái quê ở tận miệt đồng bằng Đức Phổ thời chiến vào du kích rồi được phân công về xã Hành Tín Đông, thương anh chàng tính tình cù mì củ mỉ mà rất gan dạ đã cùng anh nên vợ chồng.

Cưới vợ rồi sinh con. Cuộc sống vốn đã khổ lại càng khổ hơn. Anh bàn với vợ: “Hay để tôi vượt sông qua vùng thôn Trường Lệ, xã Hành Tín Đông khai hoang làm ruộng, làm rẫy”.

Thời điểm đó, vùng Trường Lệ gò đồi hoang hóa. Tỉnh chọn nơi này làm điểm kinh tế mới, đưa dân nghèo vùng ven biển Nghĩa An lên khai hoang định cư. Nhưng rồi đất đai quá cằn cỗi nên người dân bỏ đi. Ông trưởng thôn Trường Lệ thấy anh sang xin khai hoang, cười xòa: “Chú mày muốn thì bỏ công sức mà vỡ đất. Nhưng đừng năm ba bữa lại bỏ của chạy lấy người”.

“Vua mía” Nghĩa Hành ảnh 1

Huỳnh Thân dùng mõ tre làm hiệu lệnh gọi heo rừng lai về chuồng. Ảnh: VÕ QUÝ

Anh Thân bỏ công nhiều ngày đi dọc suối tìm khoảng đất bằng phẳng cải tạo thành ruộng và chọn vùng đất cao san lấp để trồng mì. Cứ sáng sáng vợ dậy thổi lửa nấu khoai lang, khoai mì và giã thêm tí muối ớt cho chồng mang theo. Anh vai vác cuốc, tay cầm rựa lội sông sang thôn Trường Lệ xới đất, lật cỏ. Có những khi chiều xuống, một mình trên đồi hoang nghe con chim “bắt cô trói cột” kêu lẻ loi, anh Thân nghĩ: “Chẳng lẽ đời mình cũng như con chim sao. Mình tự “trói” mình trên rẫy hoang này mất”. Nhưng rồi anh nghĩ: “Mình không còn con đường nào để lùi cả. Phải cố gắng làm thôi”.

Đất đồi được vỡ ra, hơn 10 năm nguồn lợi trên đất thu được anh đầu tư thuê nhân công phát dọn, cộng vào đó là đất của dân kinh tế mới bỏ về sang nhượng lại, anh có đến 50 ha đất đồi rừng. Đất thì nhiều nhưng đến tháng 8 nắng làm đồi cây úa vàng. Mùa mưa tới chưa kịp phát quang lại khuất chìm trong cỏ dại. Đã vậy, khi gần thu hoạch thì bầy heo rừng trên núi xuống ủi nát. Trồng được cái củ khoai đã khó nhưng bán buôn thì rẻ mạt vì chưa có đại lý thu mua xuất khẩu, đành chuyển về cho vợ nuôi heo, nuôi gà. Anh Thân chuyển sang trồng rừng keo nguyên liệu, trồng mía ép lấy đường thủ công đem bán cho các lò quay đường ly tâm hay nấu mật bán cho các cơ sở nấu rượu.

Vua mía

Cơ may đến vào 15 năm trước khi tỉnh Quảng Ngãi mở con đường liên huyện Nghĩa Hành-Ba Tơ băng qua vùng thôn Trường Lệ, cùng lúc Nhà máy đường Phổ Phong được xây dựng và quy hoạch xã Hành Tín Đông là vùng nguyên liệu. Anh Thân nghĩ đây là cơ hội khắc phục tình trạng thiếu vốn sản xuất. Hôm nhà máy cử cán bộ lên bàn bạc với xã, nhiều nông dân e ngại: Mượn vốn, mượn công cơ giới để cải tạo đất, nếu trồng cây không hiệu quả lấy gì hoàn trả nợ. Huỳnh Thân thì nghĩ khác. Anh nói chắc cú: “Nhà máy hãy đầu tư vốn cho tui. Nếu tui làm không xong thì tui giao luôn đất cho nhà máy”.

Sau cuộc họp, nhà máy đưa xe cơ giới lên san ủi mặt bằng rộng 3 ha rồi chuyển giống lên cho anh. Biết đất này thiếu nước, anh hợp đồng đào mấy cái giếng khơi. Vụ mía đầu tiên, anh ở luôn trên đồng mía. Hết cuốc cỏ, bón phân lại lột lá mía. Cây mía được trồng đúng kỹ thuật lại được bơm tưới bằng nước giếng nên khá tốt. Sau thu hoạch, bán trừ chi phí anh lãi ròng 50 triệu đồng. Lần đầu tiên cầm số tiền lớn trong tay anh mừng lắm và hiểu thêm một điều: Đất đai khô cằn thật nhưng nếu biết làm đúng cách thì mồ hôi công sức đổ xuống, đất đai sẽ mỉm cười.

Từ 3 ha mía ban đầu, anh mở rộng thêm diện tích trồng mía lên 10 ha. Danh hiệu “vua mía” Nghĩa Hành chẳng ai bầu mà tự đến với anh.

“Vua mía” Nghĩa Hành ảnh 2

“Vua mía” Huỳnh Thân bên chiếc xe hơi mới tậu. Ảnh: VÕ QUÝ

Gọi heo bằng mõ tre

Trang trại nuôi heo rừng lai rộng chừng 1 ha, ba bên bốn phía là đồng mía xanh tốt. Huỳnh Thân đưa cái mõ làm bằng đốt tre lên gõ lốc cốc. Từ trong ruộng mía, ruộng keo, cả đàn heo lai phóng ra rồi nhanh chân chạy về vây quanh lấy. AnhThân vớ lấy bao bột mì khô quậy nước sền sệt đổ lên tấm bao nylon. Heo lớn heo nhỏ có bộ lông sọc dưa quây quần tranh ăn rồi ào ra vũng bùn lăn qua lăn lại. Anh nói: “Cứ cho ăn thì mình gõ mõ. Gõ hoài heo mẹ quen thì heo con cũng quen luôn. Mỗi ngày hai bận cho chúng ăn. Còn lại thì chúng tự kiếm. Loài heo lai nếu nhốt chuồng, nuôi lớn mỡ nhiều người ta chê nên mình cho chúng tự kiếm ăn thì chất lượng thịt mới ngon được”.

Chuyện nuôi heo rừng lai bắt đầu từ bảy năm trước khi anh xem một chương trình trên tivi. Thấy loài heo lai dễ nuôi nên anh lên tận vùng gần đèo Viôlắc tìm mua con heo đực giống mà đồng bào dân tộc bẫy được đem về nuôi rồi lai với heo của đồng bào dân tộc. Anh Thân cho hay: “Cứ mỗi năm tính ra mình xuất bán khoảng 4,5 tấn thịt. Giá heo lai 150.000 đồng/kg, trừ chi phí cũng kiếm được khoảng 30 triệu đồng.

▲▲▲

Anh Thân kể: “Trong đời, vui nhất là 15 năm trước làm ngôi nhà mới trị giá 50 triệu đồng. Ngày đó bán vụ mía kiếm được số tiền quá lớn, vợ con bàn bạc mãi rồi đi kêu thợ đến làm nhà. Họ tính già tính non đến khi nhà làm xong thì không còn tiền mua cửa. Nhìn quanh, bà con anh em khổ quá chẳng biết mượn ai nên mình đành rơi vào cảnh nhà không cửa cả năm liền. Tuy vậy, cứ đêm nằm nhìn lên mái nhà, vợ chồng vui lắm. Bởi đời mình từng quá nghèo khó, từng sống nhiều năm ăn khoai thay cơm.

Nhà có sáu đứa con. Bốn đứa ra riêng, giờ có đứa làm thầu khoán những công trình nhỏ, có đứa kinh doanh cửa hàng điện thoại di động trên thị trấn Ba Tơ và chợ Ba Động. Cứ mỗi đứa ra riêng là mình cho chúng khoảng 300 triệu đồng làm vốn. Riêng chiếc xế hộp là do chúng cứ “gù, gáy” mình: “Tụi con làm kinh doanh có khi cũng cần bề nổi. Ba có sẵn tiền nên tậu xe để đứa nào cần thì đem xe đi. Lâu lâu ba có đi thăm bạn bè, đồng đội cũ thì tụi con lấy xe chở đi cho tiện”. Nghe chúng bàn vào tính ra, ông bàn với vợ mua xe làm theo ý chúng. Bởi ông nghĩ đời mình cực khổ là vì con. Chúng lớn lên biết lo làm ăn là quý chứ có rượu chè hư hỏng đâu mà sợ.

Cứ ngỡ tậu được xe, lên đời, sẽ không còn lam lũ nữa. Nhưng trước mắt tôi, anh nông dân Huỳnh Thân vóc người thấp đậm, râu tóc bù xù, cười hề hề: “Mua xe là mua cho con chứ mình sống chết cũng cái trang trại này thôi. Có biết lái xe đâu!”.

Tấm lòng đôn hậu

Cũng xuất phát từ cuộc đời nghèo khó nên ông Thân biết sẻ chia. Thấy mình có nhiều đất nhưng anh em trong gia đình hay đồng đội cũ thiếu đất sản xuất là ông cắt đất của mình cho hoặc bán rẻ. Chính vì vậy, từ 50 ha đất vỡ hoang ban đầu giờ ông chỉ còn 10 ha để trồng mía, trồng cây gỗ keo và mở trang trại. Ông Thân nói: “Ở đất nghèo thì càng cố gắng. Rồi cuộc sống cũng mỉm cười với mình thôi”.Phó Chủ tịch UBND xã Hành Tín Đông Trịnh Bê nói: “Cựu binh, thương binh Huỳnh Thân không chỉ biến đồi hoang thành đồng mía, đồng gỗ keo mà chúng tôi còn quý ông vì là người biết san sẻ yêu thương, sống chan hòa với bà con trên vùng quê nhiều khó khăn này”.

VÕ QUÝ

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm