Vụ án Minh Phụng - Epco: Lời kể của một tử tù

Phải qua nhiều lần hẹn, cuối cùng tôi mới gặp được Liên Khui Thìn tại nhà riêng của một người bạn ông. Sau 13 năm kể từ khi vụ án nổ ra, Liên Khui Thìn bị bắt cùng với Tăng Minh Phụng, Phạm Nhật Hồng, Nguyễn Ngọc Bích và nhiều người khác, trong đó 2 năm ông nằm trong Trại tạm giam Chí Hòa, 5 năm nằm trong buồng giam dành cho những phạm nhân mang án tử hình và 6 năm rưỡi ở Trại cải tạo Xuân Lộc.

Mặc dù được Chủ tịch nước ân xá, thoát tội chết, rồi sau đó được tha tù trước thời hạn vì đã cải tạo tốt, có nhiều thành tích trong việc đóng góp xây dựng trại, cũng như đã tích cực khắc phục hậu quả, nhưng những dấu ấn về những ngày chờ chết vẫn in đậm trên khuôn mặt ông.

Vụ án Minh Phụng - Epco: Lời kể của một tử tù ảnh 1

Liên Khui Thìn kể lại chuyện đời mình

 1. 13h30’ ngày 24/3/1997...

Bình thường, thì thời điểm ấy là bắt đầu của buổi làm việc chiều. Nhưng trong căn phòng dành cho Giám đốc Công ty Epco, Liên Khui Thìn ngồi trầm ngâm, thậm chí khi cô thư ký đưa tập hồ sơ lên trình, ông chỉ liếc qua một cách hờ hững, khác hẳn với thái độ nhanh nhẹn, quả quyết hàng ngày bởi lẽ mới chỉ một tiếng trước, Liên Khui Thìn đã nghe thông tin về việc Tăng Minh Phụng, Giám đốc Công ty May Minh Phụng, bị bắt.

Có tiếng gõ cửa rồi giây lát, một nhân viên phòng hành chính bước vào, theo sau là hai cán bộ công an mặc sắc phục. Thìn kể: "Ngay lúc ấy, tôi biết là tôi cũng sẽ bị bắt vì giữa Công ty Epco và Công ty Minh Phụng, giữa các "công ty con" của Epco, Minh Phụng, giữa Epco, Minh Phụng với một số ngân hàng, đã ký với nhau nhiều hợp đồng kinh tế, có nhiều khoản nợ nần nhưng trong thâm tâm, tôi cứ nghĩ là mình sẽ chỉ bị tạm giam một thời gian ngắn vì kiểm điểm lại, tôi không tham ô, không tư lợi cá nhân, không bán tài sản và cũng không lấy tiền Nhà nước ăn chơi trác táng".

Nói thì nói vậy, nhưng làm sao tránh khỏi nỗi sợ hãi xuất phát trong vô thức bởi xưa nay, chuyện tù tội Liên Khui Thìn chỉ đọc trên báo, hoặc nghe người  khác kể lại, chứ bản thân ông đã nếm trải bao giờ đâu. Hơn nữa, các hợp đồng kinh kế, hợp đồng nhập khẩu, rồi tín dụng thư, công nợ..., chưa giải quyết xong, hoặc mới giải quyết nửa chừng, còn đầy ra đó mà hầu hết chỉ mình ông mới nắm rõ, mới xử lý được.

Liên Khui Thìn kể: "Trong đầu tôi, lúc ấy tôi chỉ đặt ra một câu hỏi, là cả tôi lẫn Tăng Minh Phụng bị bắt vì lý do gì? Đất đai, tài sản, nhà xưởng, kho bãi, hàng hóa vẫn còn đó. Nợ nước ngoài thì nhiều hợp đồng chưa đến hạn phải trả".

Lý do gì thì sau này, trong quá trình điều tra cũng như tại hai phiên tòa sơ thẩm, phúc thẩm, câu hỏi của Liên Khui Thìn đã được Hội đồng xét xử cùng những bị cáo khác trong vụ án, trả lời rất rõ ràng.

Lệnh bắt tạm giam Liên Khui Thìn được hai cán bộ Công an PC16 công bố, rồi tiếp theo, ông bị dẫn giải về nhà riêng trên đường Lê Văn Sĩ, quận 3 để khám xét. Một phó giám đốc của Công ty Epco lúc bấy giờ là anh Lộc, nhớ lại: "Khi cán bộ công an đưa anh Thìn từ trên lầu xuống nhà dưới, công nhân viên trong công ty sững sờ, và có khá nhiều người khóc".

Kết quả của việc khám xét nhà riêng Liên Khui Thìn, ngoài một số hồ sơ, giấy tờ, thì trong tủ chỉ có 5 triệu đồng. Ai đời một giám đốc, từng nắm cả hàng nghìn tỉ trong tay, mà tiền túi chỉ có từng ấy. Tôi hỏi: "Anh không có tư trang, vàng bạc, đá quý, không có tài khoản ở nước ngoài sao?". Thìn cười: "Anh đã tham dự phiên tòa xét xử tôi và anh Tăng Minh Phụng từ đầu đến cuối nên anh cũng biết tòa đã làm rõ những chuyện này, là hoàn toàn không có".

Đồng thời cùng một lúc, việc khám xét Công ty Epco cũng tiến hành với hàng chục bao tải hồ sơ, tài liệu bị Cơ quan Công an niêm phong tạm giữ nhằm phục vụ công tác điều tra... Sau đó, Liên Khui Thìn được dẫn giải về Trại tạm giam Chí Hòa. Đêm đầu tiên trong trại, Thìn ngủ rất ngon, ngủ một mạch tới sáng.

 Vụ án Minh Phụng - Epco: Lời kể của một tử tù ảnh 2

Một nhà kho của Công ty Epco đang trong quá trình xây dựng (tháng 6/1995)

Tôi hỏi: "Hồi đó có tờ báo viết rằng, chỉ sau khi bị bắt, anh mới hết phấp phỏng, hồi hộp, đúng không?". Thìn lại cười: "Có lẽ thế. 1 tuần trước ngày bị bắt, tôi đã nghe tin đồn râm ran về việc tôi và Tăng Minh Phụng sẽ... nhập kho! Nói thật là lúc ấy tôi không tin lắm nhưng tâm lý mà, tôi vẫn lo lắng, vẫn hoang mang, căng thẳng. Gọi điện thoại cho một vài chỗ  thân quen để hỏi, thì người nói có, người nói không. Thế nên sau khi bị bắt, mọi lo lắng, hoang mang được giải tỏa nên tôi ngủ ngon lắm vì tôi không còn phải tìm lời giải cho câu hỏi, rằng tôi có bị bắt thật không".

Sự ngủ ngon ấy còn do một nguyên nhân khác mà sau 13 năm, Liên Khui Thìn vẫn nhớ từng chi tiết: Theo ông thì đến ngày bị bắt, Công ty Epco vẫn sở hữu một khối tài sản khổng lồ mà căn cứ vào định giá của Nhà nước tại thời điểm đó, là hàng trăm triệu USD, gồm nhà máy chế biến hải sản, khách sạn 3 sao, một cụm nhà liền kề với khách sạn. Ngoài ra, Epco còn cả trăm nghìn mét vuông đất cùng hàng chục ngôi biệt thự tại quận 3, Thủ Đức, quận 2, TP HCM và tại Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu. Bên cạnh đó, là nhà máy chế biến nông sản, khu công nghiệp Sóng Thần.

Thời điểm Liên Khui Thìn bị bắt, số hàng xuất khẩu trong kho gồm hải sản (cá, tôm, mực...), nông sản (cà phê, tiêu...) và số hàng nhập khẩu (sắt, thép, ximăng, phân bón, hạt nhựa, tơ sợi...) tổng cộng chừng 12 triệu USD, chưa kể số tiền mặt khá lớn tại kho để thanh toán  hàng hóa nhập kho.

Thêm nữa, các công ty con  do Liên Khui Thìn lập ra cũng có những tài sản giá trị lớn như nhà, đất. Liên Khui Thìn cho biết: "Nhà 198 đường Võ Thị Sáu, gốc là trụ sở UBND phường, Epco đã bồi thường 4 tỉ cho quận 3, đồng thời bỏ thêm 4 tỉ đồng xây nhà trẻ ở nơi khác để lấy địa điểm này làm trụ sở cho công ty TNHH Tây Sơn, rồi đầu tư hơn chục tỉ đồng để sửa chữa, trang bị và làm vốn hoạt động.

Bên cạnh đó, Epco còn mua nhà số 282 Nam Kỳ Khởi Nghĩa giá 6,8 tỉ để làm trụ sở Công ty TNHH Hồng Long, đồng thời  mua lại Công ty TNHH An Khánh từ ông Phúc với giá 5 tỉ đồng, mua 50ha đất tại khu công nghiệp Đồng An... Chính vì thế, tôi tin rằng Công ty Epco vẫn có thể cân đối được công nợ - chủ yếu là nợ vay ngân hàng".

Theo V.C (CAND)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm