Về đất gà Chợ Lách

Về đất gà Chợ Lách ảnh 1

Nghỉ học trở về quê, anh Nguyễn Tuấn Tú trở thành ông chủ nuôi gà kiểng và gà đá thành công - Ảnh: Mễ Thuận

Ông Đinh Xuân Rỡ, chủ tịch Mặt trận xã Vĩnh Thành (Chợ Lách), cho biết ở xã này gần như mọi nhà đều nuôi gà bởi vùng đất, khí hậu nơi đây phù hợp, gà nuôi đẹp, lông bóng mượt, chân vuông, ngực ưỡn, lưng cong… theo đúng các tiêu chuẩn khỏe, đẹp mà người sành chơi yêu cầu.

Chưa hết thời hoàng kim

Ông Tư Mạnh, người có gần 20 năm gắn với nghề nuôi gà kiểng và gà đá ở ấp Vĩnh Hưng 2, xã Vĩnh Thành, tâm sự: “Nhờ thổ nhưỡng ưu đãi nên chúng tôi có thể nuôi được gà đẹp hơn các vùng khác. Tuy nhiên, làm kinh tế bằng nghề chăm con gà cũng thăng trầm dữ lắm. Nó tùy thuộc rất nhiều vào trào lưu chuộng gà khác nhau của người chơi”.

Thị trường kinh doanh gà kiểng có bước ngoặt phát triển mạnh mẽ gần đây nhất là vào năm 2008, theo ông Tư Mạnh, khi trào lưu chơi gà tre mini, gà Thái, gà Tân Châu lan rộng khắp các tỉnh thành. Năm đó, dân chơi gà từ khắp nơi đổ về Chợ Lách săn lùng gà kiểng. “Lúc đó một con gà tre kiểng mini chỉ nặng 300-400g có giá lên đến 5 triệu đồng. Thời gian chăm sóc gà con cho đến lúc có thể bán được khoảng 6-8 tháng. Giống gà này ăn tốn rất ít thóc nên nuôi một con gà Thái có khi lãi đến 3-4 triệu đồng” - ông Tư Mạnh cho biết.

Cũng vào thời điểm đó, nhiều người nuôi gà ở đây phất lên thấy rõ. Đang theo học năm cuối một trường cao đẳng ở TP.HCM, anh Nguyễn Tuấn Tú, ở ấp Vĩnh Hưng 1, đã quyết định bỏ dở chuyện học để về quê nuôi gà kiểng. Nhờ có những mối quen biết với dân chơi gà ở Sài Gòn nên khi về quê gầy dựng cơ sở kinh doanh gà kiểng, anh Tú đã thành công. Lúc cao điểm, một ngày anh Tú trao đổi, cung ứng hàng chục con gà kiểng.

Năm 2010, phong trào chơi gà kiểng tạm lắng xuống thì anh Tú nuôi thêm gà tre đá. Hiện nay, mỗi tuần anh cung cấp cho thị trường các nơi khoảng 20 con gà kiểng, gà đá.

Sống khỏe bằng nghề nuôi gà kiểng, gà đá như anh Tú và ông Tư Mạnh là nhờ cả hai liên tục trao đổi với người chơi trên diễn đàn chim - cá - kiểng (aquabird.com.vn). Từ những mối giao lưu này, họ nhanh chóng nắm bắt nhu cầu của người chơi để có những điều chỉnh kịp thời, chuyển hướng phát triển các giống gà phù hợp.

“Hiện người chơi vẫn thích gà kiểng nhưng yêu cầu của họ ngày càng khắt khe hơn. Nếu có gà kiểng đẹp thì mình vẫn bán được với giá 2-3 triệu đồng/con, tính ra vẫn còn lời lắm!” - anh Tú khẳng định.

Về đất gà Chợ Lách ảnh 2

Chăm sóc gà con là khâu quan trọng trong chuỗi giá trị nuôi gà kiểng - Ảnh: Mễ Thuận

Gà “đẻ” ra nhiều nghề

Bà Đinh Thị Huệ, chủ tịch UBND xã Vĩnh Thành, cho biết trên toàn địa bàn xã hiện có khoảng 1.000 hộ dân trực tiếp nuôi gà tre kiểng và gà tre đá, với số lượng nuôi trung bình mỗi hộ 5-10 con. Bà Huệ đánh giá việc nuôi gà mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn nhiều ngành nghề khác.

Thực tế là kể từ khi phong trào phát triển đã xuất hiện một làng nghề thu hút khoảng 30 gia đình ở xã Vĩnh Thành và Hưng Thới Trung làm nghề đương bội (đan cái chụp gà) cung cấp cho người chơi gà ở Chợ Lách và nhiều địa phương khác. Với giá bán 30.000-75.000 đồng/chiếc tùy loại, một gia đình làm nghề này có thể thu nhập vài trăm ngàn đồng một ngày.

Bên cạnh đương bội, nhiều gia đình trong huyện Chợ Lách còn có thêm nghề chăm sóc gà “sơ sinh”. Họ chuyên nhận “đổ” gà - tức nhận gà giống bố mẹ về cho lai tạo gây đàn gà con - chăm chút gà con đến tuổi trưởng thành rồi giao lại cho các gia đình nuôi kinh doanh.

Sở dĩ có việc này là do nhiều gia đình nuôi kinh doanh không có đủ đất đai để xây cất chuồng trại riêng biệt cho từng giống gà, trong khi họ muốn các giống gà nuôi khác nhau không bị quá trình lai giống tự nhiên làm mất đi tính thuần chủng. Gà con sau thời gian nuôi chừng bảy tháng đem lại cho người chăm sóc tiền công ít nhất 500.000 đồng/con.

Thêm một điểm thú vị nữa: từ khi con gà Chợ Lách nổi lên, giới tài xế xe khách trên địa bàn có thêm công việc vận chuyển gà từ huyện Chợ Lách lên TP.HCM. Giao một con gà, người bán sẽ trả cho tài xế 50.000 đồng. Một ngày chỉ cần 5-10 người gửi gà lên cho người mua ở Sài Gòn thì mỗi tài xế cũng kiếm được năm ba trăm ngàn. Nhưng nghề giao hàng này cũng có rủi ro.

“Có trường hợp bác tài vì bất cẩn bị bắt trộm gà khi vừa tới bến nên phải đền bộn tiền cho chủ gà. Tuy nhiên, giờ họ cảnh giác hơn nên kiếm ăn cũng khá” - ông Nguyễn Văn Tứ, ngụ ấp Vĩnh Hưng 2, một chủ gà thường xuyên xuất gà lên Thủ Đức, Bình Dương, Tây Ninh…, kể.

“Những công việc phát sinh như đương bội, chăm gà con và kể cả nghề giao gà của giới tài xế đã giúp một lượng lớn thanh niên, người lao động trong xã có công ăn việc làm, có thêm một nguồn thu nhập đáng kể” - ông Đinh Xuân Rỡ nhận định.

Ông Lê Huy Cường, chủ tịch UBND huyện Chợ Lách, cho biết một trong những chủ trương lớn của địa phương là phát triển phong trào nuôi gà như một hoạt động kinh tế, góp phần ổn định đời sống người dân.

“Con gà còn có nhiệm vụ xóa đói giảm nghèo” - ông nói. Chính vì thế, tỉnh cũng theo dõi rất sát sao và kiểm soát không để những tệ nạn phát sinh từ con gà. Nhờ đó mà thanh niên địa phương hầu như không biết đến chuyện đá gà mang tính chất đỏ đen. Vào dịp tết thì họ tổ chức chọi gà, chỉ mang tính phân định thắng thua khi người thắng sẽ lấy xác gà của người thua. Đó là hình thức chọi gà truyền thống lành mạnh lâu đời ở địa phương.

Vào một số diễn đàn trên mạng chuyên về gà kiểng và gà đá sẽ dễ nhận thấy có những cuộc tranh luận không hồi kết về các tiêu chí đẹp. Anh Nguyễn Tuấn Tú chia sẻ một số tiêu chuẩn đánh giá gà đẹp của hai giống gà kiểng được ưa chuộng nhất hiện nay:

Gà Thái (dòng Chabo): chân ngắn, lưng ngắn nhưng đuôi thẳng và dựng đứng 90 độ, lông đuôi phải xòe như chiếc quạt. Lưng và lông đuôi kết hợp tạo hình chữ “U” đẹp mắt. Ngoài ra ngón chân phải có màu vàng hoặc trắng, mắt to tròn, ức sâu, tròn trịa và ưỡn về phía trước đủ để vượt quá chóp mỏ chiếu xuống, mồng cờ phải thẳng và có 4-5 ngạnh đều nhau, mặt và tích tai đỏ tươi. Nhìn tổng thể thân gà phải vững chắc, vai rộng, đôi cánh phải che bắp chân để chỉ thấy ngón chân.

Gà tre Tân Châu: thân ngắn vừa phải, hướng từ ức xuống chân dốc tối đa 45 độ, cánh khuỳnh ra và đủ dài che 2/3 cẳng chân. Đầu nhỏ gọn, mắt sáng lanh lợi, mồng tươi đỏ, có râu, mỏ ngắn, hai tích nhỏ chiều dài vừa phải. Lông đuôi có tối thiểu ba lớp và bản đuôi rộng, độ cong vòng của đuôi không vượt quá đầu. Chân gà hơi vuông, vảy đều, có độ cao vừa và không phân biệt màu chân. Đẹp nhất là lông màu chuối, điều, vàng cháy, nhạn.

Theo MỄ THUẬN (TTCT)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm