NHỮNG NGƯỜI GIEO HẠT TRƯỚC GIÓ - BÀI 2

“Ung thư biết sớm trị lành…”

Nổi tiếng trong lĩnh vực bệnh ung thư, GS-BS Nguyễn Chấn Hùng - Anh hùng lao động, Chủ tịch Hội Ung thư Việt Nam, nguyên Giám đốc BV Ung bướu TP.HCM - còn được biết đến là người vui tính, dí dỏm khi nói về bệnh tật. Ông bảo nghỉ hưu là nghỉ công việc quản lý chứ không có nghĩa là dẹp hết. “Trong khoảng 10 năm nữa tôi vẫn tiếp tục viết những bài báo về tiến bộ sinh học, ra sách theo hướng đó và lên tivi chuyển tải điều đó. Tôi cũng nghĩ đến những cuốn sách có bề sâu và bề dày hơn, nếu còn đủ sức” - GS Hùng nói.

“Vui thú” cùng dân, “điền viên” khắp chốn

Cận ngày 27-2, nhiều bác sĩ tất bật tham dự lễ kỷ niệm ngành của mình, còn “GS già” Nguyễn Chấn Hùng lại xách vali quần áo xuôi về miền Tây nói chuyện ung thư. Điện thoại cho ông, vừa bắt máy ông đã nói một mạch: “Tôi đang xuống Bạc Liêu để dự lễ khánh thành khoa Ung bướu BV Đa khoa Bạc Liêu rồi giao lưu với bà con trên đài truyền hình về Ung thư biết sớm trị lành. Ngày mai tôi sẽ lên Vĩnh Long tham gia Nhịp cầu y tế trên đài Vĩnh Long. Vui quá, có mệt gì đâu! Được đi thăm bà con, cô bác mà mình chưa quen, thăm nơi ở của nhạc sĩ Cao Văn Lầu, nhà công tử Bạc Liêu, thăm Văn Thánh miếu ở Vĩnh Long có thờ tử sĩ Võ Trường Toản và Phan Thanh Giản...”.

Rồi GS tiếp tục nói về những chuyến đi của mình, từ đồng bằng sông Cửu Long đến miền Đông Nam Bộ. “Bà con nhận ra tôi, trò chuyện rôm rả như người quen lâu lắm. Nhiều bà con phản hồi rất thân thương. Họ nói bác sĩ nói nhiều chuyện hay, chuyện mới, bổ ích mà dễ hiểu, gần gũi vô cùng. Tôi cũng có tới Bình Thuận, Ninh Thuận giao lưu trên đài. Ở Phan Rang, ông Ba Mọi dẫn thăm vườn nho nổi tiếng của ông, lại còn được ăn món gà Ninh Thuận, ngon tuyệt”.

Ở TP.HCM, ông cũng là khách mời thường xuyên của chương trình Chào ngày mới của HTV vào mỗi sáng thứ Sáu. Ông kể lâu lâu có người nhắn trách sao thứ Sáu rồi chờ hoài không thấy. Đi Hà Nội công tác ông cũng bị VTV “bắt cóc” đem vào phim trường phỏng vấn, rồi kênh O2TV thì phỏng vấn tại chỗ ở Sài Gòn... “Vậy là rất “vui thú” cùng bà con và “điền viên” ở khắp nơi rồi” - ông cười.

“Ung thư biết sớm trị lành…” ảnh 1

GS-BS Nguyễn Chấn Hùng, người nặng lòng với việc truyền đạt kiến thức về bệnh ung thư giúp người dân sớm được phát hiện và điều trị kịp thời. Ảnh: DUY TÍNH

“Phát hiện sớm thì trời kêu cũng không dạ”

“Đi nhiều như vậy thì làm sao còn thời gian để GS viết sách?” - tôi hỏi. “Trước nay tôi vẫn thường viết báo, soạn sách chuyên khoa mà. Nay viết báo, ra sách cho công chúng nên bà con nghĩ là hăng say. Thật ra nhờ nghỉ hưu nên không nhức đầu và rảnh hơn. Vào trường y xấp xỉ nửa thế kỷ, giảng dạy khoảng 40 năm, luôn cố gắng bắt nhịp các thành tựu khoa học về con người. Báo chí, tivi và sách vở cho tôi thực hiện ước mơ ấp ủ: Chia sẻ với bè bạn tri giao xa gần điều kỳ diệu của sự sống và những tiến bộ của y học.

Tôi thường ví mình như một người từ lâu luôn xách cặp, mang ống nghe và cầm cục phấn. Xách cặp hồ sơ của người quản lý bận bịu, ống nghe của thầy thuốc, cục phấn của thầy giáo trường y. 10 năm phụ trách khoa Ung bướu BV Bình Dân, mấy chục năm xây dựng Trung tâm Ung bướu (sau này là BV Ung bướu TP.HCM), nghỉ hưu từ năm 2007, bỏ cái cặp xuống rồi nhẹ ơi là nhẹ. Bây giờ còn lại ống nghe và cục phấn lại thêm cây viết. Mấy thứ này hợp với nhau lắm. Tôi vẫn lên lớp cho sinh viên, tham gia đào tạo bác sĩ chuyên khoa, hướng dẫn nghiên cứu sinh, chủ trì các hội nghị trong cả nước. Vui thú điền viên mà. Nhà báo nói khi nghề nghiệp đã chín. Tôi thích ý này. Nghề đã chín thì càng phải truyền đạt. Thầy tôi, GS Phạm Biểu Tâm căn dặn: Hãy nhìn logo của tự điển Petit Larousse, cô gái trẻ mang gùi, tay gieo hạt trước gió. Là thầy thuốc lại vừa là thầy giáo thì càng phải gieo những hạt mầm để kiến thức ngày càng lan tỏa, bay xa...”.

GS hỏi tôi: “Nhà báo có biết câu “ung thư biết sớm trị lành”? Ví dụ như ung thư vú mà được phát hiện khi còn nhỏ, trong giai đoạn 1 thôi thì hơn 90% chữa trị tốt, có khi không phải cắt bỏ tuyến vú, có khi phải buộc cắt bỏ nhưng tái tạo lại được nên khi phụ nữ tỉnh lại sau phẫu thuật thấy mình vẫn lành lặn. Ung thư cổ tử cung nếu phát hiện từ giai đoạn 1 hoặc thậm chí giai đoạn 2 có thể trị được đến 80-90%. Còn nhiều kết quả tốt khác”.

Ông nói có nhiều người hỏi những câu hỏi bi quan khiến ông có việc để viết hoài, lên tivi trả lời hoài. “Rất nhiều người bị ung thư đã chữa khỏi ở BV Ung bướu, chỉ có điều họ ái ngại không chịu ra mặt trên báo chí hay truyền hình thôi. Tóm lại, bây giờ chẩn đoán sớm, máy móc hiện đại, thuốc tốt, bác sĩ có tay nghề cao, nếu người bệnh quyết tâm điều trị thì ung thư sẽ “biết sớm trị lành”. Còn lâu nay vẫn tưởng nan y là vì sao? Là vì nếu mà biết trễ thì dễ thành nan y”.

“Ung thư biết sớm trị lành…” ảnh 2

GS Nguyễn Chấn Hùng tại buổi khánh thành khoa Chăm sóc giảm nhẹ BV Ung bướu TP.HCM. Ảnh: DUY TÍNH

Rồi ông trầm ngâm: Nhiều người cứ nghĩ bị ung thư là “trời kêu ai nấy dạ” rồi buông xuôi, chạy thầy chạy thuốc dân gian cho đã đến lúc chịu không thấu mới đến bệnh viện thì thầy thuốc vất vả lắm. “Đâu phải trời kêu, dạ làm chi”. Ung thư biết sớm trị lành mà. Có thể rà tìm biết sớm các ung thư vú, cổ tử cung, đại trực tràng, tuyến tiền liệt, miệng, da và tuyến giáp qua thăm khám sức khỏe định kỳ. Phải lưu ý một số triệu chứng báo động khi bệnh mới chớm. Người bệnh phải quyết tâm và kiên trì điều trị chuẩn mực thì “trời kêu cũng không dạ”.

Những thầy thuốc viết báo nổi tiếng

- BS Đỗ Hồng Ngọc là một trong những người viết hăng say, viết rất nhiều bài báo về y học, văn thơ dành cho các bà mẹ trẻ như: Viết cho các bà mẹ sinh con đầu lòng; thư cho bé sơ sinh và những bài thơ khác; sức khỏe gia đình; thầy thuốc và bệnh nhân… Những trang viết của ông là những câu chuyện nhẹ nhàng, những sự việc thực tế ông trải nghiệm từ y khoa đến bệnh nhân, thầy thuốc… giúp người đọc hiểu sâu về y học thường thức, về cuộc sống.

- Tình dục và sức khỏe tình dục vốn là chuyện tế nhị, khó nói, người thắc mắc cũng không dám hỏi, người được hỏi cũng ngại trả lời. Ấy thế nhưng dưới ngòi bút nôm na, hóm hỉnh của BS Lê Thúy Tươi, BS Đỗ Minh Tuấn… vấn đề này được đề cập hết sức sinh động, dí dỏm và dễ hiểu. Những bài viết, tư vấn trên báo, đài của các bác sĩ này luôn tạo cho độc giả những tràng cười thoải mái, nhẹ nhàng, sau khi đã hiểu ra vấn đề khó nói bằng lời cảm thán: “À, ra thế!”.

- Trước đó, người nổi tiếng nhất trong việc trả lời những câu hỏi dạng “Thắc mắc biết hỏi ai” này chính là cố BS Trần Bồng Sơn, chuyên gia về tình dục học. Cũng cần nói thêm gần 30 năm trước, chuyện phòng the hầu như vẫn còn là điều cấm kỵ, rất ít khi xuất hiện trên báo chí. Ấy thế nhưng bằng văn phong hài hước, cố BS Trần Bồng Sơn đã mạnh dạn đột thẳng vào vấn đề tế nhị này để chuyển tải những kiến thức hữu ích đến bạn đọc.

DUY TÍNH

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm