Trùm quạt cổ Hà Nội

Trùm quạt cổ Hà Nội ảnh 1

Nhà chật chội, ở đâu cũng thấy máy móc sửa quạt - Ảnh: L.Q.Phổ

Lang thang trong phố cổ Hà Nội một ngày cuối xuân, tôi bỗng thấy kho quạt cổ nổi danh ẩn trong một căn nhà bé tí. Có một ông già cùng một chú bé đang mải mê mài mài giũa giũa những chi tiết gì đó giữa cơ man nào là các loại quạt điện tự cổ chí kim.

Ông là Trần Công Phúc, năm nay 70 tuổi, vốn là thợ hàn trong ngành đường sắt. Ông Phúc kể, năm 1992, một người bà con bỗng thông báo khách sạn Metropole đang tân trang lại và có ý định thanh lý một loạt quạt trần cũ. Đến mua, ông Phúc mới ngã người khi biết đó là nhãn hiệu quạt trần Marelli nổi tiếng của Ý. Mang về sửa chữa, mông má lại và treo trước nhà, không lâu sau, một ông Tây đến trả giá 200 đô-la trong khi giá mua chỉ có 70.000 đồng.

“Hai trăm đô khi đó to lắm. Hai trăm đô tôi mua được cả mấy chục cái quạt người ta thanh lý. Lần lượt tôi mua được quạt cổ của Thư viện quốc gia, Nhà hát Lớn, Bách hóa Tổng hợp, Câu lạc bộ Đoàn kết. Không bán cho mình thì cũng bán cho bọn bán sắt vụn thôi", ông nói.

Trùm quạt cổ Hà Nội ảnh 2

Ông Phúc bên chiếc quạt 4 cánh lỳ dị

Trong căn nhà rộng chỉ khoảng 20 mét vuông của ông nhiều quạt đến nỗi tất cả những chiếc quạt trần treo trong nhà đều phải tháo cánh cất riêng. Nhiều nhất là quạt Marelli, thứ đến là quạt Emi Hà Lan, Calor Pháp, quạt tai voi của Nga, quạt National điện 110 volt của Nhật nhập vào miền Nam trước năm 1975 cũng có... Nhà nhiều quạt quá, ông Phúc phải làm những khung thép chạy trong nhà để treo, xếp; vì thế không gian sống và làm việc của ông càng thêm huyền bí và phù hợp một cách kỳ lạ với cuộc sống của phố cổ Hà Nội. Chỉ “tội nhất là các loại khách khứa, anh thì không sao, chứ nhiều ông Tây người to lớn mà không có chỗ cho họ đứng xem quạt, ngồi xem mình làm thì khổ lắm, mà khách của tôi thì toàn các ông ấy thôi”, ông Phúc cười giải thích.

“Đây là chiếc Marelli kiểu nòng pháo, dùng chổi than, sản xuất từ năm 1892, có người trả tôi 10 triệu tôi không bán, còn cái National này, dù không cổ nhưng ghi dấu một giai đoạn trong lịch sử Việt Nam, khi đó, sau năm 1975, một số người đã đem nó từ trong Nam ra và bán lại. Chỉ những người giàu có thời đó mới có cơ hội chơi những thứ này. Cần nhớ là với công suất chỉ khoảng 70 watt, nhưng gió của nó thì tuyệt hảo. Còn đây là chiếc Calor, cũng từ miền Nam ra, nó trông như chiếc trống đồng, cánh hướng lên trời, gió lùa ra mọi phía. Ăn cơm, để cái mâm lên trên, gió từ trong quạt tỏa ra mát cả nhà”, ông Phúc nói, rồi ông bảo, loại quạt gì, từ nước nào đã đến Việt Nam, trong nhà ông đều có cả.

Trùm quạt cổ Hà Nội ảnh 3

Bầu quạt nhiều quá, phải treo hết lên trần nhà như thế này

Những chiếc quạt cổ, theo ông Phúc, đều được làm rất kỹ bằng những chất liệu đắt tiền như thân đúc bằng gang, cánh bằng gỗ hoặc đồng, rất ít những chất liệu rẻ tiền như nhựa, cao su như bây giờ. Chính vì thế, chúng có khả năng hoạt động bền bỉ hàng trăm năm.

Đó thì lại là nghề của tôi rồi. Phải hiểu mọi thứ từ hình thức đến nguyên lý, phục chế được các chi tiết khiếm khuyết và hỏng hóc của nó, thế là mình có một cái quạt hoàn chỉnh thôi.

Thậm chí có chuyện những chiếc quạt bị bỏ quên không tắt điện cả tháng, cả năm, khi gia đình đi về thấy vẫn quay vù vù. Về sau này, những chiếc quạt tai voi của Nga dù thân và đế đúc bằng hợp kim, song cánh bằng cao su để không gây nguy hiểm vì không làm lồng bảo vệ cũng trở thành món đồ được săn lùng để người ta nhớ về thời bao cấp. “Hôm qua, tôi vừa bán một cái giá 400.000 đồng cho một ông đi Liên Xô về để nhớ thời trai trẻ”, rồi ông cười: “Đời nó thế, cũ ta, có khi lại mới người, mình chán thì kẻ khác thích, thú chơi, đam mê nó lạ thế!”.

Chuyện đã gần tàn, ông già 70 tuổi hình như đã cao hứng lắm mới chạy vào nhà bê ra một chiếc quạt mà chúng tôi cho là kỳ dị nhất trên đời vì nó không chạy điện mà lại xơi… dầu hỏa để đun một nồi hơi và tạo ra áp lực để quay cánh quạt thông qua một trục khuỷu. “Tôi mua cái này trong lục tỉnh Nam kỳ, giá khoảng một cây vàng từ hồi vàng chưa lên giá. Nay có người đến trả hơn 30 triệu nhưng tôi không bán, không bán và sẽ không bán đâu vì khó có thể kiếm được cái thứ hai lắm”.

Trùm quạt cổ Hà Nội ảnh 4

Vách tường cũng đầy quạt

Chiếc quạt đúng là hết sức kinh dị. Trên ba chiếc chân thép, nhà sản xuất Hetmin Fan đã lần lượt thiết kế một bầu dầu, một buồng đốt và nồi hơi rồi đến hệ xi-lanh, pít-tông rồi trên cùng mới là bộ cánh 4 lá bằng đồng. Trên quạt vẫn còn đúc nổi dòng chữ Germany 1873. Hỏi ông nó chạy được không, ông Phúc cười, tại sao không, vào tay tôi mà không chạy được thì nói làm gì, đoạn, ông bảo cậu bé giúp việc đi mua về nửa lít dầu hỏa để… đốt quạt đãi khách gió mát!

Tưởng là trò chơi, hóa ra quạt cổ cũng khiến cho ông làm nên sự nghiệp và danh tiếng của một trong những tay chơi khét tiếng nhất Hà thành. Tất nhiên không thể mua được xe hơi, dựng được nhà lầu nhưng việc mua đi bán lại những chiếc quạt cũ tưởng như là đã vào xưởng tái chế đủ để cho ông nuôi cả gia đình, có tiền chữa bệnh và mua được thêm một căn gác nhỏ để bày quạt. “Ngày xưa làm ăn buôn bán thế này là mang tiếng, là khổ lắm, nào là con phe, con buôn. Nhưng bây giờ thì khác rồi, đời tôi ổn hơn rồi”.

Không chỉ mang đến cuộc sống, danh tiếng, công việc “trả lại tên cho em” cho những chiếc quạt cổ còn làm ông Phúc có rất nhiều mối quan hệ độc đáo. Chúng tôi hơi hoảng khi nghe nói về những người đã đến đây giao lưu, mua bán, có tên những người nổi tiếng thuộc đủ lĩnh vực quân sự, kinh tế, ngoại giao trong và ngoài nước. Và như cảm thấy chúng tôi chưa đủ lòng tin, ông mở tủ lấy ra một cuốn sổ to bự đựng danh thiếp của những người đã từng đến nơi này…

Theo Lưu Quang Phổ (TNO)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm