Trầm luân đời lặn biển - Bài 1: Đổi mạng kiếm cơm

1 giờ sáng, tất cả 11 thợ lặn được đánh thức để lên tàu đánh cá của thuyền trưởng Chín Tú ở Tuy Phong (Bình Thuận) ra khơi. Sau gần bốn giờ vượt hơn 10 hải lý về hướng đông nam Cù lao Câu, chiếc tàu quăng neo và một ngày làm việc bắt đầu.

Theo chân thợ lặn

Sau bữa điểm tâm vội vã bằng bánh mì, xôi mang theo, các thợ lặn bắt đầu khởi động. Riêngông Chín Tú cùng tay thợ kỹ thuật nối dây từ máy nổ qua bộ phận tạo khí dẫn đến chiếc bình chứa khí to đùng, loại bình thường thấy ở các điểm vá vỏ xe ôtô.

Ông Chín cho biết chiếc bình này sẽ cung cấp oxy cho các thợ lặn thông qua chín ống dây cao su dài cỡ 70 m, to bằng ngón tay út. Ngậm ống, đeo kính lặn, nịt chì, móc vợt lưới vào cổ... Với trang bị hết sức thô sơ và thủ công, tốp thợ lặn quăng mình xuống biển mất hút. Ông Chín cho biết các thợ lặn đang ở độ sâu 15 sải nước (một sải bằng 1,6 m).

Vừa ném điếu thuốc lá đã cháy sát đầu lọc xuống biển, ông Chín liền giục tay thợ kỹ thuật chuẩn bị kéo sò lên tàu. Chín cái vợt rỗng được những người trên tàu thả xuống men theo ống ngậm để thay thế và kéo những túi vợt đầy ắp sò lông từ dưới lên.

Theo ông Chín, từ tháng 8 âm lịch đến tết, biển rất lạnh nên thợ lặn chỉ chịu được vài tiếng đồng hồ. Riêng thời điểm này mới ra Giêng, biển rất ấm, một “hơi” lặn của một thợ lặn có sức khỏe bình thường cũng được ba tiếng đồng hồ. Chúng tôi tò mò về cách ăn chia, ông Chín cho biết là chia đôi giữa chủ tàu và bạn lặn. Mỗi chuyến, trừ tiền dầu và chi phí cũng kiếm sống được. Một thợ lặn bình quân chia được khoảng 400.000 đến 500.000 đồng/ngày, nếu gặp đúng luồng thì thu nhập sẽ cao hơn.

Trầm luân đời lặn biển - Bài 1: Đổi mạng kiếm cơm ảnh 1

Đeo kính lặn, đeo nịt chì, các thợ lặn chuẩn bị quăng mình xuống đại dương. Ảnh: P.NAM

Cách chia cũng khá đơn giản, phần sò mỗi thợ lặn kiếm được trong ngày của ai người đó tự quản lý. Sau khi vào đất liền, số sò sẽ được các điểm thu mua giao cho những người gia công bóc tách vỏ, phần thịt được cân ký rồi tính tiền. Nhưng gặp rủi ro, tai nạn, chủ tàu sẽ lo toàn bộ hậu sự. “Nếu bạn lặn ở gần thì khoảng chục triệu đồng; còn ở xa tận Nghệ An, Hà Tĩnh thì ngoài việc lo mai táng còn lo xe chở xác về, chi phí cũng phải 24-25 triệu đồng” - ông Chín nói nhỏ vào tai tôi.

Chỉ tay vào người thợ lặn tên Hào khoảng 20 tuổi vừa lên tàu sưởi ấm, nghỉ giải lao chừng năm phút đã vội quấn nịt chì quanh hông chuẩn bị lao mình xuống biển, ông Chín giải thích nịt chì nặng nên khi lặn xuống chỉ mất vài phút. Trước khi lên mặt nước, người thợ lặn sẽ rút đai chì ra cột vào sợi dây kéo sò cho người trên tàu kéo lên sau rồi trồi mình lên.

Chứng giảm áp của nghề lặn

Người thuyền trưởng có gần nửa thế kỷ gắn bó với nghề biển cho hay thời điểm này là lúc thợ lặn tập trung tranh thủ khai thác bởi từ ngày 1-4 đến 31-7 hằng năm sẽ bị cấm khai thác các loại nhuyễn thể như sò lông, điệp rẻ quạt, dòm nâu, bàn mai. Thời gian bị cấm khai thác các loại này, thợ lặn sẽ quay sang khai thác con nghêu lụa nhưng chỉ được hai tháng vì để cho chúng có thời gian sinh sản.

12 giờ trưa, thợ lặn đã có mặt đầy đủ trên sàn tàu. Ai nấy đều cười đùa rất vui và chia nhau dồn phần sò mình lặn được vào bao. Tàu nổ máy quay đầu về đất liền cũng là lúc những người thợ lặn mang phần cơm của mình ra ăn. Bốn con cá mú và một con mực lá to đùng mà các thợ lặn vừa vớt sò vừa tranh thủ bắt được họ luộc lên, chia nhau chấm mắm ớt ăn ngon lành.

Trầm luân đời lặn biển - Bài 1: Đổi mạng kiếm cơm ảnh 2

Con tàu với 11 thợ lặn của ông Chín Tú quay đầu về bến sau buổi lặn thành công. Ảnh: P.NAM

Riêng anh Phạm Tuấn (44 tuổi, thợ lặn người Chí Công, Tuy Phong) mang phần cơm của mình với khô cá dzãnh ra góc tàu ngồi ăn một mình.

Thấy khuôn mặt buồn buồn của Tuấn, tôi vội men theo be tàu đến gấn bên anh chào xã giao.

Nhìn phần sò của Tuấn, ai cũng dễ dàng nhận ra anh là một trong những thợ lặn kiếm được nhiều nhất trong chuyến biển này. Tôi cắc cớ hỏi: “Dưới đáy biển chắc đẹp lắm?”. Tuấn nhếch mép cười: “Đẹp và cũng đáng sợ lắm. Biết bao nhiêu thợ lặn đã bỏ mạng dưới đó rồi”.

Tuấn tâm sự trước đây anh cũng là một thuyền trưởng, 44 tuổi nhưng đã có hơn 20 năm tuổi nghề. Bước chân anh đã chạm đáy đại dương từ Hoàng Sa, Trường Sa đến Cà Mau. Trong suốt cuộc đời thợ lặn của mình, anh đã bị giảm áp một lần nhưng may là nhẹ nên chỉ bị sưng phù mặt và đau nhức khớp. Anh chỉ dưỡng thương một tuần rồi hành nghề lại và cũng đã chứng kiến không biết bao nhiêu cái chết của những bạn lặn thân thiết.

Năm 1993, bước vào tuổi 27, anh có con trai đầu lòng. Đặt tên con là Phạm Tuấn Minh, anh mơ ước tương lai con mình sẽ sáng sủa hơn. Thế nhưng nghề biển quá bạc nhưng lại luôn là nghề cha truyền con nối mà không thể cưỡng lại được. 16 tuổi, Minh bắt đầu tập tành theo cha nhưng chỉ được vài chuyến biển. Một chiều tháng 3-2009, trong lúc đang lặn tại vùng biển Cát Trắng, cách Phan Rí Cửa khoảng 12 hải lý, Minh bị giảm áp và chết ngay trên tay cha mình. Theo giải thích nôm na của các thợ lặn thì giảm áp tức lặn quá sâu bị sức ép của nước, khi trồi lên lại quá nhanh nên đứt mạch máu chết, hoặc nếu chữa được cũng bị tàn tật, bại liệt suốt đời.

Đánh cược mạng sống

Số lượng người thương vong vì nghề lặn mỗi ngày một nhiều do nguồn sò gần bờ cạn kiệt dần, phải ra khơi xa mới có. Điều này đồng nghĩa với việc thợ lặn phải lặn sâu hơn, đánh cược mạng sống theo từng sải nước. Theo các thợ lặn thì thực tế số người chết và thương tật còn nhiều hơn các con số thống kê. Phần lớn thợ lặn là người từ các tỉnh miền Trung vào hành nghề chui, không đóng bảo hiểm và chỉ thỏa thuận miệng với chủ tàu nên khi gặp rủi ro không ai dám báo cho cơ quan chức năng vì sợ trách nhiệm.

Thuyền trưởng Chín Tú cho biết vụ lặn chết nhiều nhất mà ông biết cách nay hơn chục năm ở vùng biển Phan Thiết. Lần đó do thiết bị lặn không đảm bảo, bình tạo khí bị nổ khiến bảy thợ lặn đứt hơi chết tại chỗ, miệng ai cũng đầy nhớt máy. Ông Chín nhớ lại lúc đó chỉ có hai người địa phương được đưa vào cho người thân mai táng, năm người còn lại do quê ở xa, chủ tàu sợ tốn kém đã vùi ở một bãi biển vắng không hòm, không chiếu!

Chiều, con tàu chỉ cách đất liền khoảng hơn một hải lý. Từ xa đã thấy trên bến chen chúc người chờ sò về. Một tay giữ cần lái, ông Chín với lấy ống nhòm đưa lên mắt nhìn vào rồi phán một câu xanh dờn: “Có chuyện rồi, người đông bất thường quá!”. Đúng như lời dự báo, mũi tàu vừa gác bến chúng tôi đã nghe thông báo thêm một thợ lặn vừa tử nạn. Người thợ lặn xấu số trên là anh Lê Văn Chuẩn (38 tuổi), một thợ lặn đầy kinh nghiệm ở thôn 3, xã Phước Thể (Tuy Phong). Mới sáng nay anh còn vui vẻ chia tay vợ con lên tàu đi lặn, chiều đã không còn nữa.

Lúc đó là 16 giờ ngày 6-3-2010.

Hàng ngàn thợ lặn ra khơi mỗi ngày

Theo thống kê của Chi cục Bảo vệ nguồn lợi thủy sản tỉnh Bình Thuận, trong năm 2009 ở vùng biển Bình Thuận có 315 chiếc tàu được cấp giấy phép lặn và cấp gần 800 giấy phép sử dụng thiết bị lặn. Tuy nhiên, số tàu lặn thực tế cao hơn nhiều do lặn chui. Sản lượng khai thác bình quân từ nghề lặn đạt trên 30.000 tấn, chiếm khoảng 20% sản lượng nghề cá toàn tỉnh với giá trị nguyên liệu hàng triệu USD. Hiện nay, tại ba trung tâm nghề cá lớn nhất của Bình Thuận là Phan Thiết, Tuy Phong, La Gi mỗi ngày thu hút cả vạn lao động nghề lặn. Trong đó lao động trực tiếp chiếm khoảng 3.500 người, thợ lặn có khoảng từ 1.500 đến 2.000 người; số còn lại là lao động dịch vụ như bốc xếp, cạy sò…

PHƯƠNG NAM

Bài 2: Những “cơn say” dưới đáy biển

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm