Thời của những điều lãng mạn có thật...

Thời của những điều lãng mạn có thật... ảnh 1

Trần Huân - Ảnh do nhân vật cung cấp

Có thể gọi đó là những con người quá lãng mạn với thời đại họ đang sống. Những lời mời gọi của âm nhạc thương mại đang thịnh hành, thậm chí đang làm giàu cho nhiều người vẫn không làm họ nghĩ khác đi về những gì mình theo đuổi. Thậm chí, có người trong số họ từng ở đỉnh cao của thị trường âm nhạc nhưng khi đã chọn lối đi hát bằng giác quan của một nghệ sĩ, họ im lặng sống trong sự chia sẻ với thế giới này không chút vụ lợi.

Đôi khi nhìn thấy những điều đó, người ta lại có một niềm tin - dù mong manh - về một điều gì đó chắc chắn sẽ tới, gần gũi hơn, nhân bản hơn và nghệ thuật đích thực hơn trong âm nhạc Việt tương lai, giữa cơn bão của âm nhạc thị trường hiện nay...

Trần Huân

Anh là một trong những nhạc sĩ trẻ được coi là nòng cốt của Câu lạc bộ Sáng tác trẻ của Thành đoàn, sinh hoạt ở Nhà văn hóa Thanh niên TP.HCM từ năm 2001. Vượt lên như một người sáng tác có những giai điệu đẹp và ý tưởng độc đáo, Trần Huân sớm trở thành hiện tượng trong những năm đầu nhạc trẻ Việt Nam bùng nổ với phong trào âm nhạc Làn sóng xanh. Các ca khúc quen thuộc của Trần Huân vẫn được vang lên từ đó đến nay như Họa mi tóc nâu, Chia tay, Phút giây đợi chờ... và trở thành một trong những cột mốc hành trình yêu âm nhạc của giới trẻ.

Tuy nhiên, giống những bậc đàn anh như Trần Tiến, Nguyễn Cường..., thói ngao du và ca hát cho những gì mình thấy đã biến Trần Huân thành một người tách dòng sớm hơn các nhạc sĩ bạn bè cùng lứa. Điều làm nhiều người ngạc nhiên là khi Trần Huân quay lại, anh trở nên bụi bặm hơn và hiện thực hơn qua album Hãy bên nhau.

Âm nhạc trong khuynh hướng mới của Trần Huân là làng quê, là những bà mẹ nghèo, những đêm trăng sao ruộng đồng và ước mơ về một tình yêu con người chia sớt cho toàn thế giới. Vác cây đàn guitar và đi vào những nơi hẻo lánh, cái nhìn của Trần Huân về cuộc đời và sáng tác của anh đột nhiên trở nên xa lạ với những gì mà nhiều người thường nghe thấy trên truyền hình, trên các kênh âm nhạc thời thượng.

Không khó để có thể nghe thấy sự mô tả một buổi chiều im lặng nhìn mặt sông và những suy tưởng của Trần Huân (Chiều - Nghi Văn trình bày) hoặc những lời tự nhắc mình về một cuộc đời thật lắm nhọc nhằn mà mỗi người cần phải bước qua (Đi qua - Hồng Mơ trình bày).

Mà cũng lạ, những bài hát tưởng chừng không hợp thời ấy lại được đón nhận nồng nhiệt không kém. Bạn có thể tìm thấy tên Trần Huân với những bài hát như vậy trên các diễn đàn âm nhạc hoặc hệ thống nghe nhạc trực tuyến với số người nghe và tải bài hát nhiều đến bất ngờ.

Thời của những điều lãng mạn có thật... ảnh 2

Đắc tâm - Ảnh do nhân vật cung cấp

Đắc Tâm

Là chủ nhiệm Câu lạc bộ Sáng tác trẻ của Trung tâm Văn hóa quận 3 (TP.HCM), hay còn gọi là 126, sân khấu Cầu Vồng, nơi đã sản sinh hàng loạt nhạc sĩ góp phần quan trọng trong phong trào nhạc trẻ Việt Nam cuối thế kỷ 20. Bênh cạnh đó, nhạc sĩ Đắc Tâm còn là người phát triển tinh thần âm nhạc cho diễn đàn Giai điệu xanh.

Khó có thể tưởng tượng sức làm việc của nhạc sĩ Đắc Tâm. Ông miệt mài với các chương trình sư phạm tải từ trên mạng, chọn lọc và dịch, phân phát miễn phí cho những ai quan tâm đến việc phát triển âm nhạc hiện đại.

Cho tới nay những người làm việc với ông cho biết Đắc Tâm đã dịch và biếu không hàng loạt tài liệu âm nhạc quan trọng như cách sáng tác một ca khúc theo hình thức hiện đại, các phương thức xây dựng, làm việc phòng thu thời kỹ thuật số theo các giáo trình căn bản của quốc tế... Thậm chí, ông còn hướng dẫn miễn phí cho hàng loạt nhạc sĩ trẻ đang theo đuổi công nghệ sản xuất âm nhạc từ máy tính và phần mềm hỗ trợ hình thành một bản CD hoàn chỉnh.

“Tôi chỉ muốn người ta chia sẻ âm nhạc với những hiểu biết minh bạch nhất, nhằm đem tới một thế hệ thật sự am hiểu và đóng góp cho âm nhạc Việt Nam tương lai” - nhạc sĩ Đắc Tâm nói.

Chỉ bằng những ước muốn đơn giản đó, nhạc sĩ Đắc Tâm kêu gọi những người đến với ông cùng chung tay sáng tác những điều đẹp nhất, tử tế nhất có thể, cũng như không chịu bất kỳ một ảnh hưởng hay áp lực nào từ những trào lưu sớm nở tối tàn của thị trường âm nhạc hiện tại.

Để có thể hiểu âm nhạc của Đắc Tâm, có thể lắng nghe Thưa thầy, tại sao thế (Đoàn Phi trình bày) hoặc Theo gió tình du (Miên Thảo trình bày) mà thú vị thay, đó cũng là những bài hát được yêu chuộng ở nhiều nơi trên thế giới ảo.

Lời kêu gọi về một nền âm nhạc đầy ước mơ của nhạc sĩ Đắc Tâm đã nhận được khá nhiều lời đáp trên diễn đàn âm nhạc Giai điệu xanh. Những cánh diều nhỏ đang bay lên và ông như là ngọn gió tiếp sức cho những ước mơ đó bay cao.

Thời của những điều lãng mạn có thật... ảnh 3

Trịnh Gia Kiệt - Ảnh do nhân vật cung cấp

Trịnh Gia Kiệt

Cũng là một nhạc sĩ quen thuộc của Câu lạc bộ Sáng tác trẻ Thành đoàn, Nhà văn hóa Thanh niên, và cũng có những bài hát trẻ quen thuộc thịnh hành trong nhiều năm như Tình yêu diệu kỳ (nhóm Mây Trắng trình bày), Mãi nuối tiếc (Quang Dũng trình bày) hoặc Mưa tình (Anh Khoa trình bày)... nhưng rồi Trịnh Gia Kiệt sớm nhận ra một khuynh hướng mới đang thúc giục anh thể nghiệm, đó là những ca khúc trữ tình thừa kế những dòng giai điệu bất hủ của miền Nam, từ các bậc cha chú như nhạc sĩ Thanh Sơn, Mặc Thế Nhân, Hàn Châu...

“Tôi yêu những giai điệu đậm chất miền Nam, đó là những gì thấm vào người tôi từ thời niên thiếu, tiếc là giờ đây người ta không có đủ sự nâng niu và trân trọng xứng tầm với giá trị vốn có của dòng nhạc đó” - nhạc sĩ Trịnh Gia Kiệt tâm sự. Viết nhạc như một người ý thức về tài sản thừa kế của thế hệ mình, anh cũng không quản ngại xây dựng một lớp người theo học và cùng yêu mến âm nhạc như mình.

Điều khác ở Trịnh Gia Kiệt mà ít người biết là ước mơ xây dựng một loạt ca khúc thể hiện các câu chuyện sử Việt để có thể đem lịch sử cha ông đến gần hơn với thế hệ mới. Những câu chuyện như Lạc Long Quân - Âu Cơ, Mạc Cửu, Lý Công Uẩn... được Trịnh Gia Kiệt viết thành những chuyện kể gần gũi, tóm lược, mà theo anh nói vui rằng “học sử qua âm nhạc”, như một công trình giáo dục phối hợp giải trí.

“Thế hệ trẻ hôm nay quên nhiều quá, quên đến mức mình ngại ngùng vì cảm giác như có lỗi do thấy có thể làm một điều gì đó mà lại chưa nỗ lực. Vì vậy tôi chỉ mong góp một chút vào những điều cần thiết cho giới trẻ ngày nay” - anh tâm sự.

Những bài hát như vậy của Trịnh Gia Kiệt ngày một nhiều thêm, cũng như khát vọng về một nền âm nhạc tương lai của nhiều con người đang thầm lặng dựng xây mỗi ngày càng cao hơn. Nếu không kể đến họ, có thể mọi chuyện rồi vẫn không có gì khác hơn, nhưng may thay chúng ta có những con người như vậy lúc này...

Theo TRƯỜNG KHÁNH (TTCT)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm