Theo vịt chạy đồng

Xe xuôi về quê mang theo cả sự háo hức của tôi. Đến nhà cô Tư, tôi chẳng thấy con “cạc cạc” nào. Thấy tôi ngơ ngác, thằng Út cứ thế cười toe. Hóa ra từ tờ mờ sáng, dượng Tư đã lùa vịt qua đồng Hồng Dân. Từ Sóc Trăng, tôi theo thằng Út chèo ghe qua miệt đó. Hành trang mang theo là vài cái nồi nấu cơm, thức ăn nguội làm sẵn bỏ trong cặp lồng cùng một ít áo quần đi ruộng.

Nghề nuôi vịt chạy đồng có khi xa nhà cả tháng. Khi ruộng nhà hết lúa rơi, người ta đưa vịt qua đồng khác. Nhiều người còn thuê tàu chở hàng loại nhỏ nếu đàn vịt của mình có đến hàng trăm, thậm chí trên dưới ngàn con. Dân nuôi vịt chạy đồng nắm được lịch gặt lúa của các vùng trong lòng bàn tay. “Hợp đồng” thuê ruộng chăn vịt của dân quê cũng đơn giản. Một công ruộng mới gặt có giá thuê cỡ 30.000-40.000 đồng hoặc 15-30 quả trứng là xong.

Theo vịt chạy đồng ảnh 1

Vịt chạy đồng. Ảnh: RITA

Thỏa thuận thuê ruộng xong, dân nuôi vịt dựng chòi tạm ở lại coi vịt giữa ruộng. Ruộng lúa mới gặt được bơm nước trở lại để vịt vào kiếm mồi. Đêm xuống, vịt được lùa về tập trung trong một cái lưới rộng được quây lại. Chúng tôi quây quần bên chòi. Dượng Tư gọi thêm mấy “đồng nghiệp” từ chòi bên kia qua để cùng nhau nhâm nhi. Dân đi ruộng quý nhau lắm. Phần vì ruộng miền Tây thẳng cánh cò bay, chả phải tranh giành gì, phần vì đồng cảnh ngộ lam lũ với nhau. Đó cũng phong cách phóng khoáng đặc trưng của người miền Tây.

Bên ly ruợu đế giữa đồng không mông quạnh, sự đồng cảm làm cho con người gần gũi nhau hơn. Mồi là mấy con lươn, cá lóc nướng trui. Đây là lần đầu tiên tôi được ăn hột vịt nướng bằng lửa rơm trong khi thằng Út đã ngán mấy món này tới tận cổ.

Từ mờ sáng hôm sau, mọi người đã dậy lượm trứng. Chao ôi! Hột vịt trắng cả một khoảng. Dượng Tư bảo khi vào mùa đẻ trứng của vịt, có đêm gần như 100% con cho ra “sản phẩm”. Nhiều con dồn lại một khoảng đẻ san sát nhau, có khi lác đác chỗ này, chỗ kia, đúng là lượm mỏi tay. Thú vị nữa là những buổi thằng Út rủ tôi đi lượm hột vịt rơi. Đó là những khoảng ruộng vịt ăn rồi đẻ rơi. Tôi lẩn thẩn nghĩ phải chăng vịt cũng như người. Nó muốn trả nghĩa trước khi rời bỏ đất đã nuôi nó để đến với xứ khác?

Thu lượm thành quả là thế như dượng Tư vẫn thở dài cho biết nghề nuôi vịt chạy đồng đôi khi cũng hên, xui. Dạo trước có dịch cúm gia cầm, nhiều nhà gần như mất trắng. Xót xa nào bằng cả một đàn vịt mấy trăm con phải tiêu hủy hết. Có người vỡ nợ vì vay ngân hàng mà chưa kịp thu hồi vốn. Có người hết vốn thì đi chăn thuê cho người ta, gần cả năm mới được trả công vài ba triệu bạc. Thế nhưng nhiều người khăng khăng rằng chết thì chết chứ không thể bỏ nghề bởi đã trót yêu cái nghiệp đi ruộng.

Có thể nói nuôi vịt chạy đồng là một trong những nghề “gia truyền”. Đây là một hình thức du canh du cư, lấy công làm lãi, trải qua dãi nắng, dầm sương rất vất vả. Lạch bạch theo cha ra đồng với lũ vịt từ năm 12 tuổi, dượng Tư là một điển hình cho cái vòng luẩn quẩn lam lũ mưu sinh của người nông dân trên vùng sông nước này.

Đáng mừng khi bây giờ, nhiều hộ nuôi vịt có tư tưởng thoáng hơn khi cho con em lên thị xã, thành phố trọ học nếu con mình có khả năng học hành. Dượng Tư cũng đã cho thằng Út theo học đại học tại TP.HCM. Nhưng quả thật, số gia đình tiến bộ như vậy rất ít, đa phần vẫn cứ theo “truyền thống”.

Mấy ngày theo dân vịt chạy đồng, tôi mới thấm hết nỗi vất vả của người nông dân vùng đồng bằng sông Cửu Long. Nhờ đó, tôi biết trân trọng hơn những sản phẩm từ ruộng đồng vốn chứa bao trăn trở cùng những giọt mồ hôi trên con đường mưu sinh của người dân quê.

TRẦN QUANG THÀNH

(Nguyệt san Pháp Luật TP.HCM số 172)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm