VĨNH BIỆT “NHÀ HÀ NỘI HỌC” NGUYỄN VINH PHÚC:

Thăng Long nay nhớ một người…

Ông mất vì bệnh ung thư vòm họng - căn bệnh ông mới phát hiện từ nửa năm nay. Nhiều người nói dẫu sao cũng có thể tự an ủi, là ông đã kịp sống qua sự kiện nghìn năm Thăng Long và để lại hàng chục đầu sách về Hà Nội, bước đầu đặt nền móng cho việc tập hợp và hệ thống hóa tư liệu cho những người muốn quan tâm, nghiên cứu “Hà Nội học” sau này.

Vì lợi ích trăm năm… viết sách

Ông Nguyễn Vinh Phúc sinh năm 1926 tại Hưng Yên, trong một gia đình công chức. Thời trẻ, ông tham gia kháng chiến chống Pháp. Hoàn cảnh chiến tranh, không có điều kiện học hành, ông cũng như một số lớn trí thức thế hệ đó đều tự học rất nhiều (bản thân ông sử dụng được tiếng Pháp, tiếng Hán) và cuối cùng lại trở thành ông giáo đi dạy học. Hòa bình lập lại, những năm 1950-1960, thầy Phúc dạy văn, sử, địa ở nhiều trường tại Hà Nội: Thăng Long, Trưng Vương, Hà Nội B (nay là THPT Việt-Đức)…

Bác Hồ dạy, “vì lợi ích mười năm phải trồng cây, vì lợi ích trăm năm phải trồng người”. Ông giáo Nguyễn Vinh Phúc không chỉ dừng lại với việc trồng người mà còn có ý thức để lại những sản phẩm tinh thần có giá trị cho nhiều thế hệ: viết sách. Theo tài liệu của NXB Trẻ, ông đã viết cuốn sách đầu tiên, ??t n??c ta,Đất nước ta, từ năm 1962. Cả một thời gian dài, ông dành vào việc khảo cứu tư liệu, đi thực địa… để rồi từ năm 1982, ông ra cuốn sách đầu tiên của mình về thủ đô: Hà Nội. Đến năm 1984, ông tiếp tục ra cuốn Hà Nội - con đường, dòng sông, lịch sử… Cho tới nay, ông đã có khoảng 20 đầu sách và hàng trăm bài báo viết về Hà Nội.

Thăng Long nay nhớ một người… ảnh 1

“Nhà Hà Nội học” Nguyễn Vinh Phúc. Ảnh: NGUYỄN ĐÌNH TOÁN

Danh xưng “Nhà Hà Nội học” được gán cho ông từ khi nào chẳng ai nhớ. Sinh thời, ông cũng hay kể: “Tôi được bạn bè, người đọc yêu quý mà gọi là “Nhà Hà Nội học”, chứ đúng ra tôi làm nghề giáo, mà cũng làm gì có cái ngành đào tạo nào là “Hà Nội học” trên đời” rồi cười khà khà.

Một phong cách giản dị, hấp dẫn

Viết sách về lịch sử của một vùng đất nào đó không phải là việc làm mới mẻ. Thời xưa nước ta đã từng có những cuốn dư địa chí của Nguyễn Trãi, Lê Quý Đôn... ghi chép chuyện đất, chuyện người như “vùng này có giống vải ngon”, “vùng nọ có loài chim quý”... Ở thế hệ các nhà sử học sau cách mạng thì có Trần Quốc Vượng, người được nhiều thế hệ sinh viên và nhà nghiên cứu tôn vinh như bậc thầy đáng kính, sử gia tài hoa. Nhưng ông Nguyễn Vinh Phúc để lại dấu ấn trong lòng người đọc với một phong cách viết khác hẳn: Không phải là lối cổ văn như “các cụ” ngày xưa, cũng không phải kiểu cách tài hoa và uyên bác như ông Trần Quốc Vượng. Ông thu hút độc giả bằng sự đơn giản, rõ ràng, dùng rất ít từ Hán Việt nên ít gây cảm giác phức tạp, tóm lại là ai đọc cũng thấy dễ hiểu và dễ nhớ.

Ví dụ, một cuốn nổi tiếng của ông Nguyễn Vinh Phúc là Tên phố và đường Hà Nội, cung cấp đầy đủ thông tin về nguồn gốc, xuất xứ của từng tên phố, tên đường, ngõ, cửa ô… của thủ đô ngày nay với vô vàn chi tiết thú vị.

“Phố Tràng Tiền, chạy từ đường Trần Quang Khải đi vào, gãy khúc ở trước Nhà hát Lớn, đến cuối phố Đinh Tiên Hoàng, bên Hồ Gươm, dài 710 m. (…) Tràng Tiền (Trường Tiền): tức Tràng đúc tiền, có tên chữ là Bảo Toàn cục (hoặc Bảo Tuyền cục), là nơi đúc và làm kho tiền của nhà Nguyễn ở Bắc Hà; lập năm 1813 đến 1887 thì bỏ”.

Những địa danh vốn dĩ mơ hồ trong lịch sử được ông Nguyễn Vinh Phúc “liên hệ” với hiện tại và chú thích rất cụ thể, chẳng hạn: Phố Nguyễn Thiếp, giữa phố có một ngôi chùa cổ tên là chùa Bà Móc, nay là số nhà 27. Người đọc không còn cảm thấy sự tách biệt, xa vời giữa quá khứ và hiện tại. Chính điều đó góp phần làm cho tác phẩm của ông Nguyễn Vinh Phúc càng thêm hấp dẫn và dễ nhớ.

Thăng Long nay nhớ một người… ảnh 2

Hà Nội luôn là niềm đam mê đặc biệt của thầy giáo Nguyễn Vinh Phúc. Ảnh: INTERNET

Ông Nguyễn Trương Quý, biên tập viên NXB Trẻ (đơn vị xuất bản tác phẩm đồ sộ 1.000 năm Thăng Long-Hà Nội của ông Nguyễn Vinh Phúc nhân đại lễ nghìn năm), nhận xét: “Ở các tác phẩm của ông Nguyễn Vinh Phúc, còn có một thái độ trung tính của nhà nghiên cứu. Thường khi viết về lịch sử, các tác giả có thể có xu hướng áp đặt suy nghĩ chủ quan của mình lên độc giả, ví dụ cảm giác nuối tiếc, hoài niệm. Nhưng với ông Nguyễn Vinh Phúc thì không thế”.

Quả thực, đọc tác phẩm của ông, người ta tuyệt nhiên không gặp những lời bình giá, những thán từ “ô hô”, “ai tai”… Chỉ có sự tường thuật khách quan, trung tính và thông tin cụ thể. Thế nhưng qua đó, khó ai có thể nói rằng tác giả không yêu mến Hà Nội, yêu mến đất nước và con người Việt Nam nói chung.

Suốt đời nghiên cứu

Những năm cuối đời, ông Nguyễn Vinh Phúc vẫn viết rất khỏe. Ngày nào ông cũng viết, bản thảo viết tay la liệt trong căn nhà nhỏ ở số 72 Ngô Quyền. Tính tỉ mỉ, cẩn thận của một ông giáo thể hiện rõ: Ông có tới cả mấy lọ bút để viết, trong đó có riêng một lọ bút đỏ để sửa mo-rát.

Cuốn 1.000 năm Thăng Long-Hà Nội của ông được UBND TP Hà Nội chính thức “đặt” NXB sử dụng làm quà tặng cho các đại biểu về thủ đô dự đại lễ nghìn năm. Sách bán rất chạy - điều lạ đối với những cuốn sách bìa cứng, dày tới hơn 1.000 trang trên thị trường Việt Nam. 1.000 bản đặc biệt (có chữ ký tác giả) được bán hết sạch với giá 500.000 đồng/cuốn. Sau đó, rất nhiều “người hâm mộ” đã mua bản thường và liên hệ xin chữ ký của ông.

Ông Nguyễn Trương Quý kể lại một chi tiết đáng nhớ: “Hồi đó NXB chuyển bản phôi cho cụ Nguyễn Vinh Phúc ký để gửi vào trong Nam in. Cụ ký bằng bút đen nên khi in ra màu mực đen lại lẫn vào màu mực in. Thế là lại phải mời hẳn cụ vào TP.HCM… ký lại, lần này ký bằng bút xanh, sau đấy còn tổ chức một buổi ra mắt sách riêng để cụ ngồi ký sách tặng bạn đọc”.

Ông được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nhà giáo ưu tú, được trao tặng giải thưởng “Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội”, được vinh danh là Công dân thủ đô ưu tú năm 2010. Tuy nhiên, mọi người trân trọng, yêu mến và biết đến ông nhiều hơn với tên gọi “Nhà Hà Nội học”.

Ông ra đi để lại nhiều tiếc nuối. Các NXB tiếc một tác giả viết sách bán chạy. Còn những người quan tâm đến công việc nghiên cứu và bảo tồn văn hóa Thăng Long thì tiếc một “Nhà Hà Nội học” đã có công tích lũy, tổng hợp tư liệu và góp phần dựng nên cái đế đầu tiên.

Gìn giữ cách đặt tên phố độc đáo

Không chỉ viết sách, ông Nguyễn Vinh Phúc còn có nhiều hoạt động khác đóng góp vào sự nghiệp xây dựng và bảo tồn văn hóa Hà Nội. Ông là thành viên hội đồng cố vấn đặt tên phố, tên đường Hà Nội. So với các đô thị khác ở Việt Nam, thủ đô có một cách đặt tên đường phố rất đặc biệt: Tên được đặt theo từng cụm, mỗi cụm tương ứng với một thời, một triều đại nhất định trong lịch sử. Ví dụ, có thể xem mạn quanh Hồ Gươm - trung tâm thủ đô - là “khu vực” của nhà Đinh và Tiền Lý. Đi về hướng Cung Văn hóa Hữu Nghị là “địa phận” của nhà Trần với các phố Trần Hưng Đạo, Trần Bình Trọng, Yết Kiêu, Dã Tượng...

Có thể nói không ngoa rằng chính ông Nguyễn Vinh Phúc là người tích cực bảo vệ cách đặt tên độc đáo này. Mỗi lần có một đợt đặt tên phố mới, HĐND TP đều tham khảo ý kiến ông và được ông giải thích, tư vấn tận tình.

ĐOAN TRANG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm