Thần đèn nước Việt - Bài 3: Dời chùa trên đỉnh núi Cấm

Đó là sự kiện dời ngôi chùa Vạn Linh trên đỉnh núi Cấm (An Giang).

Nhóm thực hiện công trình này là hậu duệ của “thần đèn” Tư Lũy (Lương Thành Lũy ở xã Long Điền A, huyện Chợ Mới, An Giang) đã qua đời. Nhiều người lo rằng hậu duệ của ông không gánh nổi công trình đồ sộ này.

Thế nhưng cuối cùng ngôi chùa an vị chỗ mới đã làm nức lòng nhiều Phật tử và vị sư trụ trì.

Sáu lần đứt cáp

Đầu tháng 5-2011, một đội quân chủ lực của “thần đèn” Tư Lũy kéo nhau lên non khởi sự dời chùa Vạn Linh. Giàn móng của ngôi chánh điện nguy nga này bị xới tung sau hơn một tháng. Tất cả con đội, con lăn… được nhóm thợ kê, nâng ngôi chùa lên khoảng hai tấc, chuẩn bị kéo.

Cũng như nhiều công trình khác, ngày khởi công đội thi công mua một mâm trái cây vái sơn thần, thổ địa chốn núi rừng linh thiêng phù hộ cho việc di dời được suôn sẻ. “Tôi chỉ huy dời chùa Vạn Linh mà tâm trạng hồi hộp vì đây là lần đầu tiên chúng tôi vừa kéo vừa quay một công trình đồ sộ như vậy” - chỉ huy Huỳnh Văn Lý tâm sự.

Ngày 20-6, bắt đầu kéo chùa Vạn Linh. Chứng kiến cảnh kéo chùa nhiều người lắc đầu lo ngại bởi việc đào lũy và đóng nọc cột dây cáp hậu cho palăng (dây xích) trên núi vô cùng khó khăn. Giữa cái nắng oi bức, những người thợ kéo hì hục dùng búa tay đóng nọc. Sức người đóng những cây tràm to tướng xuống đá non không phỉ, nọc chỉ lún từng chút một. Thấy vậy, vị sư trụ trì chùa Vạn Linh liền điều chiếc Kobe tiếp sức.

Thần đèn nước Việt - Bài 3: Dời chùa trên đỉnh núi Cấm ảnh 1

Chùa Vạn Linh được kéo xệch một bên sau sáu ngày đứt cáp liên tục. Ảnh: VĨNH SƠN

Theo kế hoạch, chùa Vạn Linh phải được kéo đến vị trí mới cách chỗ cũ 20 m. Ngoài ra, mặt chính của ngôi chánh điện này còn phải quay 180 độ.

Thấy công trình đồ sộ, thi công quá khó, sư trụ trì chùa còn hỗ trợ tám Phật tử và hai palăng giúp đội thi công. “Đặt tới tám palăng với 36 nhân công mà trong sáu ngày đầu chúng tôi chỉ nhích ngôi chùa đi được chừng 8 m và quay một góc đường cung chừng 3 m. Ngôi chùa nặng hàng ngàn tấn nên trong sáu ngày đầu đã xảy ra sáu lần đứt cáp, trong đó có một lần đứt cáp hậu palăng. Nhờ có kinh nghiệm nên chúng tôi đã đặt sẵn khúc cây nằm ngang sợi cáp khi kéo. Khi cáp bị đứt nó cuốn vào khúc cây nên không xảy ra tai nạn” - ông Lý kể.

Ông Lý cho biết dân nhà nghề thường chọn dây tốt nhất để làm cáp hậu. Tuy nhiên, khi thi công bằng kỹ thuật vừa kéo vừa quay thì sức nặng của ngôi chùa nhân lên gấp bội, ngoài dự đoán của nhà thầu. Do vậy đứt cáp palăng kéo là chuyện bình thường. “Chúng tôi sử dụng hầu hết là cáp mới để kéo chùa này nhưng vẫn bị đứt. Lúc cáp hậu đứt, nó cuộn vào cái palăng nặng khoảng 200 kg, rồi nhấc bổng palăng quăng mạnh về phía trước khoảng bốn tấc. Hai người thợ đứng cầm tay quay palăng thoát chết trong gang tấc” - ông Lý kể, giọng vẫn còn lo sợ.

Những “kỹ sư” chưa học hết cấp 2

Ông Lý cho biết trong chùa có nhiều di ảnh người chết được gửi vào nên mình phải cầu xin người khuất mặt đừng làm khó. “Liên tiếp nhiều ngày liền chúng tôi đều bày mâm trái cầu khấn” - ông Lý nhớ lại.

Thấy lạ, Thượng tọa Thích Hoằng Tri (trụ trì chùa Vạn Linh) liền cho lập đàn tại chùa để hàng chục tăng ni khấn nguyện. “Kể từ đó đến ngày dời ngôi chùa vào vị trí mới không còn xảy ra chuyện gì nữa. Làm nghề này mình phải tin những chuyện tâm linh. Đây là chỗ người ta (người khuất mặt) đang ở mà mình dời thì phải động chạm rồi” - ông Lý giải thích. Những người thợ khác cho biết làm nhà, động thổ mình còn chọn ngày thì những chuyện thế này cũng nên sắm lễ cho yên tâm.

Thần đèn nước Việt - Bài 3: Dời chùa trên đỉnh núi Cấm ảnh 2

Chỉ huy Huỳnh Văn Lý (người đứng sau) xem anh em trong đội thi công làm việc. Ảnh: VĨNH SƠN

Đến chiều 7-7, chùa Vạn Linh đã được đặt kề bên vị trí mới một cách an toàn. Chỉ còn một vài công đoạn nhỏ nữa là hoàn tất việc dời chùa.

Vậy là sau thời gian thi công hơn hai tháng, đội “thần đèn” Tư Lũy đã lập kỳ tích mới trước sự khen ngợi của nhiều người. Suốt những ngày đội kéo và quay chùa Vạn Linh, đông nghẹt khách hành hương, du lịch về núi Cấm đến xem họ làm chuyện phi thường. “Trong 17 ngày kéo, quay và dời chùa vào vị trí mới, hàng trăm người kéo đến xem mỗi ngày. Có ngày cả một đoàn Phật tử ngàn người từ xa đến coi. Thú thiệt, chúng tôi làm nhưng hồi hộp lắm, bởi đây là lần đầu tiên nhận một công trình có sức nặng kinh khủng như thế” - anh Lê Văn Sang, một trong những người tham gia di dời công trình tâm sự.

Chị Thiều Thị Các Nhung từ TP.HCM đến núi Cấm du lịch cho biết trước giờ chị cũng từng nghe chuyện “thần đèn” dời nhà nhưng không tưởng nổi họ làm được công trình lớn như vậy. Ngôi chùa đồ sộ mà họ chỉ dùng tay kéo bằng palăng nhích đi từ chút, quá nguy hiểm. Một vị Phật tử lớn tuổi đang xem kéo chùa hỏi trong nhóm thợ thi công có bao nhiêu kỹ sư, khi nghe trả lời chẳng có kỹ sư nào, họ toàn là những người học chưa hết cấp hai (có người mới tham gia lần đầu), vị Phật tử cao niên ấy luôn miệng niệm mô Phật!

Đứng cạnh ngôi chùa được dời gần 100% đến nơi mới, bà Võ Thị Mè (vợ Tư Lũy) phấn khởi nói: “Lúc qua đời ổng để lại nhiều công trình dở dang. Tôi sợ giàn đệ tử ổng làm không nổi. Từ trước đến giờ tôi chưa thấy công trình nào gai góc như chùa Vạn Linh. Tôi cứ ngỡ đội thi công phải bỏ cuộc, ai ngờ họ cũng thực hiện xong. Tôi thực sự tin tưởng vào tay nghề của anh em”.

Thần đèn nước Việt - Bài 3: Dời chùa trên đỉnh núi Cấm ảnh 3

Nhóm thợ vất vả di chuyển palăng nhiều lần kéo tới, kéo lui để quay chùa. Ảnh: VĨNH SƠN

Thượng tọa Thích Hoằng Tri cho biết ngôi chùa này mang nhiều dấu ấn của thời khai sơn phá thạch của vị trụ trì đầu tiên là hòa thượng Trí Tịnh. Ngày xưa khi mới đến đây, ngôi chùa chỉ lợp lá nên còn có tên là chùa Lá. “Chính vì vậy mà chúng tôi muốn giữ lại chùa để tri ân đức khai sơn, lập chùa này. Tôi hết sức vui mừng khi nhóm “thần đèn” dời và quay mặt chùa rất thành công. Sau khi ngôi chùa được dời đến vị trí mới, trên nền chùa cũ chúng tôi sẽ cho xây thêm một ngôi chùa mới có độ cao và kiến trúc giống như chùa Vạn Đức ở TP.HCM” - thượng tọa Thích Hoằng Tri phấn khởi cho hay.

Làng “thần đèn”

Cù lao Ông Chưởng (huyện Chợ Mới, An Giang) đang nổi lên như xứ sở của những “thần đèn”. Từ một vài người đầu tiên được suy tôn như ông Lương Thành Lũy (Tư Lũy) đến nay trong huyện có trên 50 đội dời công trình chuyên nghiệp với mỗi đội bình quân 20-30 người, lãnh làm khắp xứ.

Nhiều “thần đèn” nghèo khó ngày nào giờ là giám đốc doanh nghiệp. Nhiều gia đình có đến bảy thành viên theo nghề “thần đèn”. Một lượng lớn người lao động thoát nghèo dù trình độ học vấn chưa hết cấp hai.

Ngày nay, đến cù lao Ông Chưởng đã thấy hai bên tỉnh lộ 942 dày đặc biển hiệu “thần đèn”. Điều đó cho thấy nghề “thần đèn” đã phát triển trên vùng đất cù lao màu mỡ này.

Hầu hết những “thần đèn” tốp đầu giờ đã đổi đời, lập doanh nghiệp. Theo tỉnh lộ 942 dễ dàng nhận thấy biển hiệu các doanh nghiệp như Tư Lũy, Như Tiên, Hai Lý, Tư Nghĩa, Út Thanh, Ba Tuấn, Năm Rời, Út Mập… Mỗi doanh nghiệp có vốn điều lệ từ vài trăm triệu đến hàng tỉ đồng. “Bây giờ nhiều người đi ô tô bóng lộn. Tôi ra nghề muộn nên chưa sắm, đang định “ráp” một chiếc tới lui với người ta” - “thần đèn” Tám Được (Lê Văn Được) ở Long Điền A, Chợ Mới tâm sự.

VĨNH SƠN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm