Thần đèn nước Việt - Bài 1: Dời nhà 3.000 tấn

LTS: Không bước ra từ câu chuyện ngàn lẻ một đêm, những “thần đèn” có người chỉ tay ngang, bằng năng khiếu, bản lĩnh, tinh thần ham học hỏi đã xử lý di dời, chống lún nghiêng hàng ngàn công trình xây dựng lớn từ Nam chí Bắc.

Câu chuyện về họ là câu chuyện về những điều kỳ diệu, đáng khâm phục nhưng đôi khi cũng rất… oái oăm.

Tháng 2-2009, tại đại hội thường niên của Hiệp hội Quốc tế về di dời nhà, lần đầu tiên một công dân Việt Nam và châu Á được kết nạp trở thành hội viên của hiệp hội này. Đó là ông Đỗ Quốc Khánh, hiện là giám đốc Công ty Xử lý lún nghiêng Việt Nam.

Ba chuyên gia… mới ra một “thần đèn”

Đỗ Quốc Khánh trước đó đã được nhiều người biết đến với những biệt tài về giải quyết sự cố xây dựng. Người ta đồn rằng ông chỉ cần vài cái liếc mắt đã có thể bắt đúng bệnh của căn nhà. Tuy nhiên, phải đợi đến một sự kiện gây chấn động ngành xây dựng nước nhà và vang ra cả thế giới (tạp chí quốc tế Structural Movers cũng dành ra sáu trang để mô tả) thì cái biệt danh “thần đèn” mới được đặt bên cạnh cái tên cha mẹ đặt.

Đó là lần ông chỉ huy 200 sinh viên của Trường ĐH Xây dựng Hà Nội di chuyển thành công căn nhà nặng 3.000 tấn trên đường Láng Hòa Lạc (Hà Nội). Đây thực sự là một thử thách lớn đối với ông, bởi lẽ trước đó chủ nhà đã ký hợp đồng với một công ty về xử lý sự cố xây dựng và một “thần đèn” tiếng tăm lừng lẫy khác ở miền Nam nhưng cả hai lần tiến hành di dời căn nhà vẫn không chịu dịch chuyển. Khi trao quyền định đoạt cho ông, chủ nhà cũng không dám tin có thể thành công. Một số chuyên gia tiến cử ông Khánh cũng không dám đến chứng kiến, vì họ cũng không chắc ông có thể làm được. Thế mà chỉ mấy chục ngày sau, căn nhà 3.000 tấn đã bị ông Khánh khuất phục, di chuyển về địa điểm mới cách đó 50 m. Hiệp hội Quốc tế về di dời nhà công nhận đó là công trình di dời nặng nhất thế giới trong năm 2008.

Thần đèn nước Việt - Bài 1: Dời nhà 3.000 tấn ảnh 1

Ngôi nhà nghiêng ở quốc lộ số 6, thị trấn Kỳ Sơn, tỉnh Hòa Bình trước và sau khi được “thần đèn” Đỗ Quốc Khánh chống lún, chỉnh nghiêng. Ảnh: VIẾT THỊNH

Lần sang Mỹ để dự lễ kết nạp thành viên của hiệp hội, nhiều chuyên gia đã đặt câu hỏi: Làm thế nào mà một công dân của một quốc gia chưa có tên trên bản đồ di chuyển nhà thế giới lại có thể di chuyển được một căn nhà nặng đến 3.000 tấn trong lần đầu tiên như thế. Lúc đó ông cũng không thể giải thích tường tận. Sau này ông mới có dịp chiêm nghiệm và tìm được câu trả lời thỏa mãn được chính mình: Bên trong con người ông là hội tụ của một thạc sĩ về chuyên ngành mô phỏng hệ thống, một chuyên gia về xử lý lún và một chuyên gia về xử lý nghiêng. Công nghệ được ông áp dụng cho mỗi công trình cùng có sự hỗ trợ của các công nghệ tiên tiến với máy móc hiện đại, điều mà không phải bất kỳ “thần đèn” nào cũng làm được.

Ông Khánh tiết lộ điều khác biệt trong “toa thuốc” của ông đó là kèm theo chỉnh nghiêng, di dời công trình luôn được nâng cấp, xử lý chống lún vĩnh viễn bằng cọc ép và cọc nhồi. Công nghệ này dựa trên nhiều lý thuyết hiện đại như điều khiển học, mô hình hóa, truyền năng lượng... và rất nhiều kiến thức thực hành về điều khiển năng lượng, tự động hóa, xây dựng và địa chất.

Hỏi ông đã bao giờ phải bó tay trước một căn nhà nào chưa, ông trả lời: “Rồi, có ba cái, nguyên nhân là không giải phóng được khe hở giữa nhà hàng xóm. Mặc dù nguyên nhân hoàn toàn khách quan, tuy nhiên đối với một chuyên gia mà không tìm ra công nghệ để xử lý được trong tình huống thì đều là thất bại”.

Xin ra khỏi biên chế

Năm 1984, ông về nước sau 10 năm tu nghiệp tại ĐH Kỹ thuật VUT - BRNO (Tiệp Khắc) với chuyên ngành mô phỏng hệ thống về năng lượng (khóa học đầu tiên của chuyên ngành này trên thế giới). Tưởng rằng trở về sẽ nhanh chóng được cống hiến tri thức của mình cho sự phát triển của đất nước, thế mà năm lần bảy lượt ông vẫn là người thất nghiệp. Đơn giản, bởi cái chuyên ngành mà ông học đi đến đâu cũng khiến người ta trố mắt lên nhìn rồi lắc đầu quầy quậy vì “chưa từng nghe đến ở Việt Nam”.

Chật vật mãi, cuối cùng ông mới được phân công về Viện Khoa học kỹ thuật xây dựng. Tại đây, ông được giao nhiệm vụ tham gia công trình chống lún khách sạn La Thành. Đây là công trình đầu tiên của nước ta về chống lún sử dụng công nghệ cọc ép. Công trình kết thúc thành công nhưng việc chống nghiêng cho khách sạn vẫn chưa thể thực hiện được, đó là một dấu hỏi lớn đối với ông.

Thần đèn nước Việt - Bài 1: Dời nhà 3.000 tấn ảnh 2

Công trình tòa nhà Khu Công nghệ cao Phú Cát tại thôn Hạ Bằng, huyện Thạch Thất, Hà Tây nặng 3.000 tấn sau khi di dời thành công. Ảnh: VIẾT THỊNH

Đến năm 1991, ông lại tiếp tục được tham gia việc chống lún cho chợ Đồng Xuân. Bằng nghiên cứu thực địa và kinh nghiệm của mình, ông Khánh đã tự chế tạo ra một chiếc máy có thể làm tăng hiệu quả xử lý mà giá thành không thay đổi. Tuy nhiên, sáng tạo này đã vượt ra ngoài sự chỉ đạo của viện, sau đó ông nhận được quyết định cho nghỉ không lương. Bất bình, ông nộp đơn xin nghỉ việc. “Đó là một quyết định khó khăn với tôi, vì thời bấy giờ việc một công chức nhà nước xin ra khỏi biên chế là vô cùng hiếm hoi. Nhưng tôi hiểu rằng nếu vẫn tiếp tục công tác, năng lực của tôi sẽ không được giải phóng, tôi muốn được tự do sáng tạo theo ý thích của mình” - Đỗ Quốc Khánh nói.

Cô đơn trong nghề nghiệp

Trở thành người tự do, ông Khánh làm cai thầu các công trình thủy lợi. Đây là quãng thời gian khá sung túc về tiền bạc đối với ông nhưng cũng là chặng đường đầy khó khăn mà ông phải đối mặt. Ông gọi thời kỳ đó là “10 năm trong bóng tối”. Đến năm 1993 ông được Trung tâm Nền móng - Trường ĐH Xây dựng Hà Nội mời về làm chủ nhiệm công trình “chống lún nghiêng” thì cánh cửa để ông bước ra ánh sáng đã dần hé lộ. Năm 2003, ông chính thức thành lập Công ty Xử lý lún nghiêng Việt Nam, ông vừa là giám đốc, vừa là phó giám đốc, kiêm kỹ sư chính, kiêm chỉ huy thợ thi công… Lúc này xã hội vẫn chỉ biết đến ông với tư cách “thần đèn” về lún nghiêng.

“Nhiều người, thậm chí báo chí vẫn thường gọi tôi là kỹ sư xây dựng, thế nhưng thực sự tôi mới chỉ là thạc sĩ ngành mô phỏng hệ thống, cũng không có học hàm, học vị giáo sư, tiến sĩ… nhưng tôi làm được những điều giáo sư, tiến sĩ không làm được. Thế là coi như hạnh phúc!”.

Nói là nói vậy nhưng qua câu chuyện mới thấy ông còn nhiều tâm sự lắm. Đầu tiên, ông nhận mình là người cô đơn trong chính nghề nghiệp, cho đến nay công nghệ xử lý lún nghiêng và di dời nhà của Việt Nam vẫn còn quá ít chuyên gia thành thục và những nghiên cứu có tính ứng dụng cao. “Tháng 2-2009, tôi được mời sang Mỹ. Khi đó tôi đã có ý định viết và bảo vệ luận án tiến sĩ với đề tài mô phỏng. Tuy nhiên, sự nghiệp lún - nghiêng - di dời đã cuốn hút tôi. Đến bây giờ, khi đã được xã hội thừa nhận, bằng cấp với tôi không còn có ý nghĩa nữa” - ông Đỗ Quốc Khánh tâm sự.

Hiện nay cậu con trai của ông đang tu nghiệp ở nước ngoài về chuyên ngành mà hơn 20 năm qua ông đã gắn bó: “Cháu nó sẽ thay tôi lấy được cái bằng tiến sĩ vào tháng 8 năm nay, điều mà tuổi trẻ của tôi chưa có cơ hội thực hiện” - nói xong tay ông vuốt lên mái đầu đã gần bạc trắng cười sung sướng.

Một số công trình được “thần đèn” Quốc Khánh xử lý thành công:

- Chống nghiêng ngôi nhà bảy tầng cao 28 m nặng 1.200 tấn bị lún 60 cm, nghiêng 1,2 m ở thị xã Hà Giang. Trong vòng 6 tiếng đồng hồ, sáu chân/tám chân cột bị gãy.

Thần đèn nước Việt - Bài 1: Dời nhà 3.000 tấn ảnh 3

- Chống sập và chống nghiêng ngôi nhà cổ ba tầng trên đường Nguyễn Hữu Huân (phía đầu cầu Chương Dương, Hà Nội) ở trong tình trạng lún - sập và nghiêng 80 cm có nguy cơ sập hẳn.

- Di dời gần 70 m, xoay hướng 180 độ Đài Phát thanh huyện Xuân Trường, Nam Định.

- Kích, đẩy ngôi biệt thự bốn tầng, nặng 520 tấn đang bị ngập úng và sụt lún tại khu vực ven Hồ Tây lên cao 6 m.

HỒ VIẾT THỊNH

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm