Tết trên sông nước Sài Gòn

Vợ chồng ông Nguyễn Văn Chúc (54 tuổi, quận Bình Thạch - người có 30 năm cứu người vớt xác) đã sống trên ghe vùng sông nước thuộc cầu Bình Lợi đã 31 năm nay. Hằng ngày, ông cùng vợ chạy xuồng quanh khu vực để theo dõi các đèn báo, phao trên sông, nếu có rác bám vào lặn xuống vớt giúp các tàu bè qua lại thuận lợi. Ông cho biết, công việc hiện tại là do một lần, thấy ông thuộc "làu làu" địa bàn này, Đội quản lý đường sông số 10 đã nhận vào làm công ăn lương. Tuy khá bèo bọt, nhưng vừa làm thêm nghề chài lưới, ông cũng đủ để nuôi sống gia đình.
Tết trên sông nước Sài Gòn ảnh 1
Những ngày này, vợ chồng ông Ba Chúc chỉnh trang lại chiếc ghe đón Tết. Ảnh: Tá Lâm.

Hai vợ chồng ông đã sinh được 5 người con, lần lượt lớn lên gắn liền với chiếc xuồng nhỏ này. Hiện đã có 3 người lấy chồng ở dưới quê, còn 2 đứa con và một đứa cháu vẫn ở cùng vợ chồng ông. Tết này, ông tự hào nhất là đứa con gái út đang theo học lớp 10 một trường PTTH thuộc quận Bình Thạnh rất chăm ngoan và học giỏi.

Ông bật mí, mấy ngày hôm nay đã chuẩn bị một cục tiền lẻ mới để "lì xì" cho con gái vào đêm giao thừa. Tuy số tiền mừng tuổi cho con không đáng bao nhiêu, nhưng nó chứa đựng tấm lòng của vợ chồng ông giành cho cô bé. Mồng 1 Tết, nếu về được dưới quê, ông sẽ "lì xì" cho con cháu dưới đó.

Tết của các gia đình sống trên sông nước cũng giản đơn như chính cách suy nghĩ của họ. Không bánh chưng xanh, không câu đối đỏ, nhưng đặc biệt phải có củ hành. Họ tâm niệm rằng, mùi vị chua chua cay cay của củ hành như giọt nước mắt cuộc đời trải nắng dầm mưa. Họ lênh đênh trên thuyền nay đây mai đó, nhưng tối đến lại sum vầy, tắt lửa tối đèn có nhau.

"Dự định chiều 30 Tết sẽ ra chợ mua 2 kg củ hành, vài cân thịt lợn và đồ ăn uống bánh kẹo cho con cháu, chứ không có mua sắm gì nhiều. Quan trọng là tấm lòng của mình, đêm giao thừa, thắp nén nhang cho đấng sinh thành", bà Hinh (52 tuổi, vợ ông Ba Chúc) tâm sự.

Bà kể, ở dưới quê, ngoài 3 đứa con ruột còn có 3 đứa con đỡ đầu. Mỗi năm tết đến, con cháu thường điện lên réo về bắt mua cái này cái nọ. Đứa con gái lớn đòi mua cái giường ngủ, đứa cháu đòi khô mực... Năm nay vợ chồng ông quyết định sẽ tặng tiền mới "lì xì" cho chúng được may mắn.

Tết trên sông nước Sài Gòn ảnh 2
Chỗ tá túc của những người dân trên sông nước dưới chân cầu Bình Lợi (quận Bình Thạnh, TP HCM) là những chiếc ghe như thế này.
Ảnh: Tá Lâm.

Cũng chính vì sống trên vùng sông nước, hơn 30 năm nay, vợ chồng ông đã vớt được hàng trăm xác người trôi nổi trên sông. Bình quân mỗi năm trên dưới 10 xác chết, cũng có nhiều lần ông đã cứu sống nhiều người.

Ông kể, cách đây 3 ngày, chứng kiến cảnh một nhóm 3 nam sinh và một nhóm 3 nữ sinh thách đố nhau trên cầu. Cậu học sinh đã nhảy cầu xuống sông tự bơi vào bờ để chứng tỏ "anh hùng" với các bạn nữ. Tuy nhiên, do đuối sức, cậu ta bơi được giữa chừng đã chìm xuống. Chứng kiến cảnh đó, ông Ba Chúc đã lao mình về phía trước vớt cậu ta lên thoát khỏi cái chết trong gang tấc trước sự sợ hãi của nhóm học sinh còn mặc nguyên đồng phục.

"Tui đã lấy bộ quần áo bà nhà mới mua cho cậu học sinh mặc vào khỏi lạnh. Tính là cậu ta quay lại trả, nhưng rồi mãi không thấy, mất luôn bộ quần áo", ông Chúc chép miệng.

Một lần khác, tiếng kêu cứu thất thanh của một giọng thanh niên vang lên trên cầu. Ông Ba Chúc ra mé xuồng nhìn, chứng kiến cảnh một người thanh niên khoảng trên 20 tuổi, trần truồng gieo mình xuống sông. Sau khi vớt lên bờ, cậu ta cho biết bị một nhóm thanh niên trấn lột và "dí" đến cầu Bình Lợi. Để thoát thân, dù không biết bơi nhưng anh ta vẫn nhảy xuống sông hy vọng sẽ thoát khỏi hiểm nguy. Sau đó, ông Ba Chúc cũng đã "tặng" anh ta chiếc quần đùi của ông và từ đó anh ta xem ông như người cha nuôi thân thiết.

Tết trên sông nước Sài Gòn ảnh 3
Ông Võ Văn Tự cùng con trai vừa mua được con gà hơn 2kg để cúng đêm giao thừa. Ảnh: Tá Lâm.

Cách vợ chồng ông Ba Chúc chừng 10m, gia đình ông Võ Văn Tự (56 tuổi, ngụ Bến Tre) cũng đang tất bật chuẩn bị cho cái Tết Tân Mão tươm tất. Ông khoe, năm nay "ăn tết to" vì vừa mua được con gà hơn 2 kg để cúng vào đêm giao thừa. Cũng như mọi năm, những thứ không thể thiếu trong những ngày tết là dưa hấu, đu đủ, thịt cá, củ hành...

Hàng chục năm nay, ông cùng 2 đứa con trai xuống dưới Bến Tre lấy rau, củ, quả... đưa lên chợ ở Sài Gòn cho vợ và con gái bán. Một tháng ông Tự đi 3 chuyến, mỗi chuyến cũng kiếm được vài triệu, đủ để nuôi sống gia đình và sắm sửa đồ nghề lênh đênh trên sông nước.

Xem sông nước là nơi "an cư lạc nghiệp", ông sợ nhất là mỗi lúc sóng dữ, trời nổi giận. Tuy chỉ chạy ghe trên sông, nhưng nguy hiểm luôn rình rập. "Nếu trước đây, nỗi sợ của người sống trên vùng sông nước là bọn cướp hoành hoành, thì giờ sợ nhất là ông trời nổi giận. Có lần gió to, sóng lớn, tui phải vứt gần hết quả dừa, quả bưởi ra ngoài để tránh bị chìm", ông Tự chia sẻ.

Vì cuộc sống luôn thay đổi nên ông cũng không có điều kiện cho con học hành tử tế. Đứa con gái út phải theo mẹ bán hoa quả ở chợ Bình Lợi, còn hai đứa con trai cũng theo ông bươn chải khắp nơi.

Ước mơ Tết của gia đình ông bình dị chân chất, sao cho thuận buồn xuôi gió, đủ ăn đủ mặc, con cái hòa thuận là ông Tự vui lắm rồi, không mong gì hơn.

Cùng hoàn cảnh, còn có gần chục gia đình khác sống trên ghe ở khu vực cầu Bình Lợi nhộn nhịp chuẩn bị Tết theo cách của riêng họ.

Theo Tá Lâm (VNE)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm