Tết cuối cùng ở làng Vân

Làng Vân nằm ẩn mình bên rừng Hải Vân thuộc phường Hòa Hiệp Bắc (quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng). Hơn 40 năm qua, mảnh đất này đã cưu mang hơn 320 phận người khổ đau bởi căn bệnh thì ít mà do thái độ xa lánh, miệt thị của người đời thì nhiều.

Đây là năm cuối cùng người làng Vân còn đón tết tại làng mình.

Ngôi làng quanh năm mây phủ trắng

Muốn vào làng Vân, thuyền phải vượt qua ải “sóng ngầm hang dơi” hãi hùng đến rợn gai ốc hoặc cắt rừng Hải Vân đi bộ 15 km mới đến được làng. Cái tên làng Vân là cách gọi hoa mỹ khác thay cho cái tên làng gắn với căn bệnh cùi mà cư dân nơi đây từng mang phải.

Năm 1969, hàng chục bệnh nhân đã dắt díu vợ con ra vùng rừng núi hiểm trở này mở đất, khai hoang lập làng. Hồi đó (và ngay cả bây giờ) người mang bệnh cùi bị người dân trong phố rũ bỏ và xa lánh vì người ta xem đó là căn bệnh “tứ chứng nan y”. Bởi vậy, người làng Vân sống cô độc và ly biệt với bên ngoài để mưu sinh cùng rừng núi, biển cả hơn 40 năm nay.

Tết cuối cùng ở làng Vân ảnh 1

Làng Vân nhìn từ Hải Vân. Nay mai, nơi đây sẽ thành thiên đường du lịch cao cấp. Ảnh: LÊ PHI

Người làng Vân vốn là những bệnh nhân mang bệnh cùi đến từ các tỉnh Bình Định, Quảng Ngãi, Quảng Nam, Huế và cả Đà Nẵng. Hồi đầu họ sống tại khu vực giáp ranh giữa Đà Nẵng và Quảng Nam. Nhưng sau đó họ phải bỏ xứ mà đi đến vùng rừng núi Hải Vân heo hút hiện nay vì bị xua đuổi. Làng Vân có 134 hộ dân cùng hơn 320 nhân khẩu, hiện nay họ đã hết bệnh. Thế nhưng nạn miệt thị đối với người làng Vân ở Đà Nẵng vẫn chưa được “quét” sạch và chôn vùi vào quá khứ. Người làng ở đây vẫn lủi thủi sớm hôm một mình, nương tựa vào những người cùng cảnh ngộ để sống.

Cụ Võ Văn Sanh (gần 80 tuổi) ngồi dưới chõng tre bên chiếc radio nghe thời sự, kể: “Năm 1969, tui cùng 40 người bệnh cùi khác và gia đình kéo nhau vượt núi chọn mảnh đất này khai hoang, dựng nhà. Bọn tui sống cô lập với thế giới bên ngoài và chẳng màng sự đời. Con cháu cứ thế lúc nhúc sinh sôi. Bây giờ thì làng có hàng trăm người khỏe mạnh như người rừng, quanh năm chẳng ốm đau gì. Người trong phố gọi làng chúng tôi là làng phong, làng cùi, còn chúng tôi tự đặt tên làng mình ở là làng Vân. Ở đây quanh năm mây phủ trắng xóa, không gọi làng Vân thì là làng gì!”.

Ở làng Vân, ngoài cụ Sanh còn có cụ Phạm Bồng, cụ Nguyễn Xứng… là những người đầu tiên ra khai hoang lập làng sống khép mình. Họ lấy rừng, lấy biển làm bạn và nguồn kiếm sống. Bây giờ những cụ buổi đầu khai hoang lập nên làng Vân phần nhiều đã nằm xuống dưới chân núi Hải Vân cùng mây núi.

Khép lại một tên làng bất hạnh

Sau gần một nửa đời người sống với vùng đất cách biệt giữa chốn thâm cốc, người làng Vân sắp chia tay nơi cưu mang, nương tựa của mình. Họ sẽ chấm dứt cuộc sống biệt ly với thế giới bên ngoài để giao làng lại cho chính quyền Đà Nẵng xây dựng khu du lịch. Làng Vân sẽ bị xóa sổ trên bản đồ hành chính và người làng Vân từ nay sẽ hòa nhập cộng đồng. Cái tên làng đầy ám ảnh sẽ hoàn toàn chìm vào quên lãng sau những năm tháng khổ đau.

Tết cuối cùng ở làng Vân ảnh 2

Cụ Võ Văn Sanh, một trong những người đầu tiên ra khai hoang lập nên làng Vân từ những năm 1969. Ảnh: LÊ PHI

Anh Trần Hữu Đức, Phó Bí thư làng Vân, tâm sự: “Người làng Vân chỉ mong sao khi vào phố sẽ không còn bị người ta đối xử miệt thị. Chỉ cần con cháu chúng tôi có tương lai thì dù có xa làng lòng chúng tôi vẫn nhẹ nhàng, thanh thản”.

Tết đang cận kề. Những cây mai gầy guộc trước bệnh xá của người làng Vân như đang dốc hết sức bình sinh để nảy những mầm nụ cuối cùng. Những cây mai cao nghều, không người chăm sóc là nhân chứng mấy chục xuân người làng sống trong sự ghẻ lạnh, cô độc vì bị ruồng bỏ. Bệnh xá cũng đã quá cũ kỹ rêu phong, không còn giường bệnh như những năm trước đây.

Cụ Phạm Bồng đã bước qua tuổi 80 say sưa kể chuyện cho lũ trẻ chạy nhảy trên dải cát vàng. Cụ bảo: “Các cháu cứ chạy nhảy đi, tết năm sau chẳng còn được chạy nhảy như thế này nữa đâu”. Tôi hỏi: “Vào phố cụ có vui không, có nhớ làng Vân không?”. Cụ nghễnh tai nói: “Vô thì con cháu vui, mình cũng vui, khi ốm đau được đi khám, chữa bệnh dễ hơn. Nhưng xa cái nơi gắn bó gần nửa thế kỷ, ai mà không buồn, không nhớ…”.

Mệ Bùi Thị Nhạc (80 tuổi) ngồi nhai trầu bỏm bẻm, tư lự rồi quay sang hỏi: “Nghe nói hôm được tin người làng tui vô, nhiều người trong phố phản đối dữ lắm hả chú?”. Rồi mệ nhắc chuyện xưa người làng Vân bị hắt hủi, miệt thị cay độc đến đau lòng.

Tết cuối cùng ở làng Vân ảnh 3

Trẻ em làng Vân lớn lên cùng tiếng ru của sóng biển. Ảnh: LÊ PHI

Về với ánh sáng thị thành

Mấy chục năm nay, người làng Vân đều đón tết khó khăn, cực nhọc. Mùa biển động, thuyền chài ngư dân muốn vào phố sắm tết đều gặp khó. Con đường cắt rừng duy nhất nối làng với phố thì xa thăm thẳm. Để đưa được cái tết từ phố thị về làng, người làng Vân phải nhờ đến thanh niên trai tráng khỏe mạnh cõng hàng đi xa hàng chục cây số. Đó là chưa nói, khi vào phố, người làng còn phải lấm la lấm lét vì sợ người ta phát hiện ra mình…

Với người làng Vân, tết mấy chục năm nay đều giống nhau nhưng năm nay lại khác. Họ chộn rộn, đầy tâm trạng hơn bao giờ hết.

Tôi ghé vào nhà anh Lê Thanh Tâm khi anh đang cùng bạn thuyền Nguyễn Đức sửa sang lại chiếc thuyền thúng đã rạn nứt. Anh Tâm nói: “Người trong phố dịp chừ đã nhộn nhịp đón tết lắm rồi, nhà tui chưa sắm gì cả. Tết đến cũng vui đấy nhưng phải lo sửa lại cái thuyền để ra năm còn có cái mưu sinh”. Anh Nguyễn Đức chen vào: “Vào phố nếu được người dân chấp nhận thì sống còn nhẹ nhàng. Chứ họ khinh miệt mãi thì thà ở lại đây cho an lòng. Thành phố mà không hỗ trợ nghề nghiệp thì dân làng Vân cũng thất nghiệp nhiều lắm”.

Đó không phải là mối lo của riêng anh Đức mà của tất cả người dân làng Vân. Cũng vì lo quá nên lũ nhỏ được người làng Vân gửi vào phố, thuê nhà trọ ở để học tập. Cứ thế, hàng chục đứa trẻ nhỏ trong làng giờ đang dìu dắt nhau thuê nhà trong phố. Cuối tuần ba mẹ chúng lại lội rừng, vượt sóng mang lương thực tiếp tế. Chị Nguyễn Thị Sen (48 tuổi) bộc bạch: “Bọn tui muốn tránh tiếng và không muốn gây phiền muộn cho con cái vì cái tên làng cùi. Cho lũ nhỏ vào thích nghi trước để mai mốt giảm bớt khoảng cách với những đứa trẻ khác”.

Mấy hôm nay, cụ Phạm Bồng cùng ông bạn già lại rủ nhau chống gậy ra bờ biển nhìn vào thành phố. Trời chập choạng tối, từ làng Vân nhìn vào TP Đà Nẵng như một chuỗi ngọc sáng lấp lánh. Ánh đèn trong phố như một dãy đèn nháy khổng lồ dài vô tận. Cụ Bồng lẩm bẩm nói: “Đẹp quá, gần tết rồi đèn phố càng đẹp hơn. Ra tết vô trong phố rồi chẳng còn được ngắm nhìn ánh đèn này nữa. Trong đó sẽ rất ồn ào chứ chẳng phải tĩnh mịch như làng Vân của mình”.

Thiên đường nghỉ dưỡng làng Vân

Ông Đàm Quang Hưng, Phó Chủ tịch UBND quận Liên Chiểu, cho biết ra tết người làng Vân sẽ được chuyển vào phố để sinh sống, khép lại quá khứ hàng chục năm sống tách biệt với thế giới bên ngoài. Trước đó, công trình khu tái định cư, nhà liền kề cho người làng Vân đã được xây dựng tại phường Hòa Hiệp Nam (quận Liên Chiểu) với 116 căn hộ liền kề, mỗi căn có diện tích trên 60 m2.

Được biết làng Vân nay mai sẽ trở thành khu du lịch nghỉ dưỡng và giải trí tổng hợp với số vốn dự kiến khoảng 5 tỉ USD do Công ty Cổ phần Vinpearl làm chủ đầu tư. Dự án sẽ bao gồm các hạng mục cơ bản: Tổ hợp khách sạn và khu nghỉ dưỡng đẳng cấp năm sao quốc tế với quy mô hơn 1.000 phòng; quần thể căn hộ và biệt thự cao cấp; tổ hợp thương mại và dịch vụ; trung tâm nghệ thuật biểu diễn và nhà hát kịch; trung tâm hội nghị quốc tế; sân golf, tổ hợp thể thao; cáp treo và các phương tiện giao thông nội bộ khác; khu trò chơi đặc biệt có thưởng dành cho người nước ngoài; khu giải trí thế giới biển; khu đậu đỗ máy bay trực thăng, thủy phi cơ...

LÊ PHI

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm