Tai nạn nghề y - Bài 3: Lỡ tay thành tội đồ

Cục Y tế bang California cho biết Tiến sĩ-bác sĩ Michael Kamrava ở TP Beverly Hills đã vi phạm các nguyên tắc chuyên môn trong việc điều trị. “Nạn nhân” của ông là Nadya Suleman - người sinh tám nổi tiếng thế giới. Trước đó, người đàn bà không con này đã sinh sáu đứa con khác cũng do vị bác sĩ này thụ tinh nhân tạo.

Trót điều trị theo yêu cầu bệnh nhân

Trong một tài liệu dài 13 trang, Cục Y tế bang trình bày chi tiết việc bệnh nhân được Tiến sĩ Kamrava điều trị từ năm 1997 đến năm 2008 như thế nào.

Theo cáo buộc cũng như sự thú nhận của chính bác sĩ Kamrava, ông đã chuyển một số lượng phôi quá mức: Ban đầu là 12 phôi (có tài liệu khẳng định tiếp đó là 33 phôi) - gấp sáu lần (dù gì thì cũng không phải là sáu phôi như một số tin). Nói chung, số phôi mà bác sĩ Kamrava chuyển vào cơ thể Suleman vào hồi tháng 7-2008 nằm ngoài quy phạm của khoa sản, “không nên chuyển vào bất kỳ phụ nữ nào, bất luận lứa tuổi nào”. Việc chuyển phôi đó (kết quả là sinh tám) “vượt ra ngoài sự đánh giá hợp lý của bất kỳ bác sĩ điều trị nào”.

Cũng theo hồ sơ buộc tội, bác sĩ Kamrava không hỏi ý kiến bệnh nhân về đánh giá sức khỏe tinh thần và liên tục chuyển phôi cho cô. Cơ quan y tế cáo buộc ông Kamrava lưu giữ hồ sơ kém và vô ý cung cấp cho Suleman một lượng thuốc điều trị sinh sản liều cao.

Tai nạn nghề y - Bài 3: Lỡ tay thành tội đồ ảnh 1

Bác sĩ Michael Kamrava (bên phải). Ảnh: sfexaminer.com

Bác sĩ Kamrava không thể đưa ra bình luận nào. Tuy nhiên, luật sư Peter Osinoff đã thay thân chủ trình bày: “Tôi nghĩ rằng ông Kamrava bị hủy diệt bởi tất cả những điều này”. Những gì cơ quan y tế làm khiến ông Kamrava hiện ra trước công chúng như một kẻ cần được giám sát. Kamrava làm theo yêu cầu của bệnh nhân, luật sư Osinoff nói, đó là điều rất cần được cân nhắc tuy xã hội không chấp nhận. Luật sư lập luận rằng các cách thức chuyển phôi của ngành y tế không phải là pháp luật. Không có tiêu chuẩn nào bắt buộc bệnh nhân cần được tham khảo về sức khỏe tinh thần.

Nhưng cơ quan y tế cho rằng việc phụ nữ sinh nhiều con cùng lúc là cực chẳng đã vì thai phụ có nguy cơ bị biến chứng và tử vong cao. Việc cấy nhiều phôi dẫn đến sinh quá nhiều con sẽ dễ dẫn đến sinh non, trẻ có nguy cơ bại não, chậm phát triển hoặc những vấn đề sức khỏe khác.

Đến tháng 10-2010, trong buổi điều trần lần hai, bác sĩ Kamrava đã bày tỏ sự hối hận: “Tôi lấy làm tiếc về những gì đã xảy ra. Giá mà tôi đừng làm điều đó. Mang thai kiểu đó thật nguy hiểm và có hại. May mà cuối cùng cũng mẹ tròn con vuông”.

Theo AP, Cục Y tế bang California cho rằng việc thu hồi giấy phép của Tiến sĩ Michael Kamrava là cần thiết để bảo vệ công chúng. Việc thu hồi có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1-7-2011, thời hạn là năm năm. Theo quy định pháp luật, ông Kamrava có thể nộp đơn xin phục hồi sau ba năm.

Tuy nhiên, trả lời báo chí, Nadya Suleman nói: “Ông ấy hoàn toàn không có gì sai. Tôi không hiểu làm thế nào mà họ lại nói ông ấy cẩu thả. Hy vọng họ sẽ điều tra và nhận ra điều đó...”.

Về hưu cũng không thoát

Một phụ nữ đệ đơn ra tòa kiện bác sĩ Ramon Mabasa và Bệnh viện New Milford, bang Connecticut đã làm bà phải cắt bỏ chân trái một cách phi lý.

Đó là bà Eileen Kelleher, 63 tuổi. Trong hồ sơ, bà Kelleher cáo buộc bác sĩ Mabasa phẫu thuật cột sống, phần thắt lưng và nhân viên Bệnh viện New Milford chăm sóc bà ở khu săn sóc đặc biệt sau ca phẫu thuật vào ngày 6-6-2005 đã điều trị và săn sóc không đúng cách, dẫn đến hậu quả là bà phải mất đi cái chân trái. “Bà Eileen Kelleher là một trong những khách hàng bị thương nặng nhất. Thật kinh ngạc là bà ấy sống sót” - luật sư của bà Eileen nói.

Ông Mabasa - người đứng đầu ca phẫu thuật của bệnh viện thời điểm đó giờ đã nghỉ hưu. Luật sư của ông từ chối bình luận về vụ kiện. Tương tự, người đứng đầu bộ phận tiếp thị của bệnh viện cũng trả lời rằng bệnh viện không thể bình luận gì ​vì “bản thỏa thuận có một điều khoản bí mật và chúng tôi phải tuân thủ điều đó”.

Tai nạn nghề y - Bài 3: Lỡ tay thành tội đồ ảnh 2

Bà mẹ sinh tám Nadya Suleman (bên phải) nói rằng bác sĩ Kamrava, người thụ tinh nhân tạo cho mình, không làm gì sai. Ảnh: flicksbuzz.com

Năm 2005, bà Kelleher đến Bệnh viện New Milford để được “phẫu thuật cột sống theo chế độ tự chọn”. Bác sĩ Mabasa, người có kinh nghiệm về phẫu thuật tổng quát, đã thực hiện phần ban đầu của ca phẫu thuật gai cột sống. “Bác sĩ Mabasa vào thời điểm đó là người giải phẫu mạch. Ông ta không phải là một bác sĩ giải phẫu tổng quát” - luật sư của bà Eileen nói.

Theo hồ sơ, trong quá trình phục hồi sức khỏe hậu phẫu, bà Kelleher bị xuất huyết ổ bụng và các biến chứng nghiêm trọng khác do các bác sĩ đã không chẩn đoán hoặc điều trị đúng, dẫn đến hậu quả bệnh nhân bị hoại thư chân trái, phải cắt cụt phần bên trên đầu gối. Hồ sơ khởi kiện cũng cho rằng các nhân viên điều dưỡng không theo dõi hoặc chăm sóc Kelleher đúng cách và khi các biến chứng phát sinh, các bác sĩ điều trị bà không thông báo kịp thời để có sự can thiệp đầy đủ.

Chưa hết, tại thời điểm phẫu thuật cột sống theo kế hoạch, bà Kelleher không biết bác sĩ Mabasa tham gia ca phẫu thuật cho đến ngay trước khi các thủ tục diễn ra. Luật sư nguyên đơn cho rằng điều đó đã tước đi ở bà Kelleher cơ hội kiểm tra phẩm chất và năng lực của ông Mabasa. Vị luật sư cho rằng các y tá của khu chăm sóc đặc biệt đã không phát hiện ra tình trạng đối mặt với tình trạng xuất huyết khẩn cấp của bà Kelleher và không thông báo kịp thời cho bác sĩ Mabasa các biến chứng ngày càng trầm trọng của bệnh nhân.

Cuối cùng, hai bên đã đi đến bản thỏa thuận: Bà Kelleher nhận 5,25 triệu USD từ bác sĩ Mabasa và Bệnh viện New Milford.

Bồi thường trong sơ suất y tế

Theo luật pháp Mỹ, nguyên đơn phải đưa ra cả bốn yếu tố sai lầm cá nhân có liên quan thì mới có thể đòi bồi thường đối với sơ suất y tế:

Trách nhiệm được công nhận: Là nhiệm vụ hợp pháp tồn tại mỗi khi một bệnh viện hoặc một nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc y tế cam kết chăm sóc hoặc điều trị bệnh nhân.

Trách nhiệm bị vi phạm: Nhà cung cấp không tuân thủ tiêu chuẩn chăm sóc sức khỏe có liên quan.

Sự vi phạm gây ra thương tật: Việc vi phạm trách nhiệm là nguyên nhân gần nhất gây thương tật.

Thiệt hại: Nếu không có thiệt hại (bằng tiền của hay tình cảm) thì không có cơ sở để yêu cầu bồi thường cho dù nhà cung cấp dịch vụ y tế có cẩu thả hay không. Tương tự, có những thiệt hại có thể xảy ra mà không do sơ suất, ví dụ khi một người nào đó chết vì căn bệnh có thể gây tử vong mà mình mắc phải.

Các thiệt hại của nguyên đơn bao gồm các thiệt hại đòi hỏi được bồi thường và các thiệt hại được đền bù theo phán quyết của tòa nhằm chủ yếu răn đe bên gây hại. Tiền đền bù tổn thất mang tính chất kinh tế và phi kinh tế. Những đền bù có tính kinh tế là sự đền bù về tài chính bao hàm những khoản tiền trả cho sự mất mát (thỉnh thoảng được gọi là khả năng mưu sinh bị mất), chi phí y tế và chi phí đảm bảo sự sống. Những thiệt hại phi kinh tế được xác định là bản thân sự thương tật: những tổn hại về thể xác và tinh thần như mất mát về thị lực, về các chi hoặc bộ phận cơ thể; sự suy giảm niềm vui sống do tình trạng tàn phế, đau đớn gây ra. Tiền bồi thường theo phán quyết của tòa được áp dụng đối với nguyên nhân vô kỷ luật và thiếu thận trọng.

ĐẶNG NGỌC HÙNG dịch (Theo latimes.com, telegraph.co.uk, msn.com, newstimes.com)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm