Sức mạnh hải quân Ấn Độ - Bài 2: Học thuyết hải chiến điện tử

Tuy không thể sánh với nước láng giềng Trung Quốc (TQ) nhưng chi phí quân sự Ấn Độ gia tăng liên tục. Trong gần một thập niên qua, Ấn Độ chi từ 2,3% đến 2,6% GDP cho quân sự nhưng vẫn không đủ để hiện đại hóa và bổ sung khí giới cho cục diện mới (trong khi Pakistan chi 5%, TQ chi 10%). Vì vậy, trong hội nghị các tư lệnh quân đội năm 2005, Thủ tướng Manmohan Singh khẳng định Ấn Độ sẽ chi 3% GDP cho quốc phòng nếu tăng trưởng kinh tế tiếp tục duy trì 8% như mọi năm.

Vi tính hóa hải quân

Hải quân Ấn Độ có nhiệm vụ bảo vệ hơn 7.000 km bờ biển, hơn 300 hòn đảo và diện tích khu đặc quyền kinh tế 2,2 triệu km2.

Ấn Độ hiện sở hữu 110 đầu đạn đã triển khai trên tổng số 5.027 đầu đạn hạt nhân đã triển khai trên thế giới (TQ là 175 đã triển khai). Ấn Độ có trên dưới 150 chiến hạm và tiềm thủy đĩnh, bốn hàng không mẫu hạm (gồm chiếc INS Viratt đang hoạt động, chiếc Admiral Gorshkov mua từ Nga, chiếc INS Vikrant và một chiếc khác cùng Nga đóng mới). Ước tính có 80.000 nhân lực phục vụ trong hải quân Ấn (trong tổng số 2,4 triệu hải-lục-không quân).

Là cường quốc công nghệ thông tin, Ấn Độ tập trung vào chiến lược vận dụng tối đa thành quả công nghệ này như một cuộc cách mạng của hải quân Ấn. Học thuyết hải chiến điện tử Ấn Độ nhấn mạnh việc chuyển nhanh tận dụng tính ưu việt của công nghệ máy tính. Học thuyết này khuyến khích các tư lệnh chiến trường nắm vững khuynh hướng chuyển đổi và độ phức tạp của dạng thức chiến tranh này. Từ đó, lãnh đạo quốc phòng Ấn yêu cầu các tướng lĩnh hội đủ năng lực xử lý, tăng cường và ứng dụng vi tính trên chiến trường.

Sức mạnh hải quân Ấn Độ - Bài 2: Học thuyết hải chiến điện tử ảnh 1

Tàu INS Rana của Ấn Độ. (Ảnh tư liệu)

Hải quân Ấn được cho là giới đầu tiên ứng dụng Chiến tranh mạng trung tâm (Network Centric Warfare - NCW). Học thuyết cũng đề cập đến C4ISR (chỉ huy, kiểm soát, truyền tin, công nghệ thông tin, tình báo, tuần thám và trinh sát).

Từ năm 1979, Ấn Độ đã triển khai kế hoạch xương sống cho vi tính hóa hải quân kết nối 400 đơn vị hải quân (mặt biển, mặt đất, dưới mặt biển, trên không) bằng các mạng LAN, WAN và MAN do hệ thống NEWN hỗ trợ. Ấn Độ hiện có hệ chuyển đổi thông tin tự động Sanchar, hệ thông tin hành động số hóa, ứng dụng kiểm soát và chỉ huy khí tài, hệ điều hành tàu ngầm Saransh, hệ sứ mệnh chiến thuật dành cho trực thăng nhẹ, hệ điều hành logistics tổng hợp… Ngoài ra, hệ thống kiểm soát không khí tổng thể sẽ tạo điều kiện chiến đấu trong môi trường bị nhiễm phóng xạ hay bị tấn công bằng vũ khí sinh học và hóa học. 

Hệ thống chiến tranh điện tử

Ngoài công nghệ thông tin, Ấn Độ còn chú trọng xây dựng công nghiệp nội địa để có thể đảm đương vận hành, sản xuất vũ khí và nhân sự điều khiển khí tài trong nước. Hải quân Ấn Độ đã có thể dựa vào nguồn lực kỹ thuật và phát triển phần mềm của chính người Ấn. Các công ty máy tính như Satyam Technologies và Tata Consultancy Services đã được ủy nhiệm để phát triển các hệ thống chiến tranh điện tử do người Ấn đảm trách. Liên hiệp Công nghiệp Ấn Độ làm hạt nhân để phát triển các đối tác công nghệ hải quân dài hạn, đồng đầu tư, đồng sản xuất, chia sẻ ứng dụng, phát minh, chia sẻ nguồn lực và nhân lực. Cơ quan kỹ thuật về hệ thống điện tử và vũ khí thuộc hải quân Ấn và Học viện Kỹ thuật Kanpur đã hợp tác phát triển hệ Trinetra, một hệ thống mật mã đặc biệt dành riêng phục vụ hải quân. Ngày 20-8, hải quân Ấn Độ đã đưa vào biên chế tàu hộ vệ tàng hình thứ hai do Ấn Độ tự đóng mang tên INS Satpura, tăng cường sức mạnh tác chiến của hải quân Ấn ở vùng biển nước sâu.

Những thành tựu khoa học kỹ thuật, nghiên cứu phát triển cũng mang đến cơ hội hợp tác quốc tế làm phong phú thêm cho khoa học ứng dụng hải quân. Đề đốc Sureesh Mehta cho biết hải quân Ấn đang phát triển một phi cơ tàng hình không người lái qua hợp tác nước ngoài. Lockheed Martin là một nhà thầu tiến hành các dự án C4ISR, còn Boeing Ấn Độ cung ứng phi cơ chống tàu ngầm P-8I - một phiên bản của P-8A dựa trên kỹ thuật của B-737. Boeing cũng là nhà thầu cung cấp chiến đấu cơ đa năng 126 MRCA cho không lực Ấn Độ.   

Từ sau cuộc chiến Pakistan 1971, Ấn Độ đã trang bị tên lửa Klub của NATO (SS-NX-27) cho tàu ngầm, máy bay và các khu trục hạm. Trên các tàu ngầm lớp Kilo Sindushastra và các khu trục hạm Talwar đã trang bị tên lửa đối biển (anti-ship) và tám dàn phóng Klub N. Ngoài ra, hải quân Ấn cũng đã thử tên lửa không đối không Dhanush (tầm bắn 250 km) từ tàu tuần duyên INS Subhadra. Tháng 3-2008, Ấn đã thử phiên bản tên lửa hành trình siêu âm đối đất và đối biển có vận tốc Mach 2,8 nhanh gấp ba lần Tomahawk. Khu trục hạm INS Rajput do Nga chế tạo đã được sử dụng làm bệ phóng cho cuộc thử tên lửa hành trình BrahMos. Các đầu đạn do Ấn Độ chế tạo tỏ ra lợi hại không thua kém các vũ khí phương Tây.

Sức mạnh hải quân Ấn Độ - Bài 2: Học thuyết hải chiến điện tử ảnh 2

Chiến hạm INS Airavat của Ấn Độ đang cập quân cảng Nha Trang ngày 19-7. (Ảnh tư liệu)

Kể từ năm 2005, sự tham gia của các dàn tên lửa hành trình từ biển đã nâng cao năng lực chiến đấu dưới lòng biển cũng như khả năng chống tiềm thủy đĩnh của Ấn Độ. Năng lực không chiến và trinh sát biển của Ấn Độ cũng đã gia tăng sau hợp đồng mua tiêm kích cơ MiG-29K (Nga) trang bị cho hàng không mẫu hạm - tên chương trình là Tàu phòng không.

Sẵn sàng kiểm soát tình hình

Hải quân Ấn Độ luôn trong tình trạng tham chiến. Trong suốt cuộc chiến Kargil, các chiến đấu cơ Sea Harrier đã được triển khai ngay trên boong các tàu dầu cải tiến (trong lúc hàng không mẫu hạm đang “nghỉ ngơi” để duy tu). Do vị trí địa lý trải dài ở các nhóm đảo Andaman, Nicobar và Lakshadweep, năng lực điều quân phản ứng nhanh của Ấn Độ là cần thiết để chống xâm nhập hoặc chống các nhóm ly khai.

Tạp chí Strategic Defence Review 1998 của hải quân Ấn cho biết Ấn Độ Dương là khu vực lợi ích và hoạt động trọng yếu của hải quân Ấn Độ, bao gồm các vùng eo biển Bab-el-Mandeb, eo Hormuz, eo Malacca và mũi Hảo Vọng. Mặc dù Hồng Hải, biển Đông Nam Á, biển Nam Ấn Độ và khu vực Đông Thái Bình Dương được xếp thứ nhì về tầm quan trọng, song hải quân Ấn Độ cũng sẵn sàng kiểm soát tình hình một khi các sự cố xảy ra tại các nơi này làm ảnh hưởng đến lợi ích Ấn Độ. 

Khả năng viễn chinh với năng lực chiến đấu thủy bộ kết hợp của Ấn Độ đã gia tăng với chiến hạm INS Jalashwa (USS Trenton đổi tên), các chiến hạm lớp Magar, các giang vận hạm… Chiến hạm INS Jalashwa và các tàu chiến lớp Magar có thể chuyên chở trực thăng và có khả năng đặc biệt: Đổ quân biệt kích lên đất địch. Học thuyết quốc phòng Ấn cho phép vận dụng các tàu thương mại trong các tình huống khẩn cấp để chuyên chở vũ khí và binh sĩ.

Tóm lại, Ấn Độ khá sẵn sàng trong các hoạt động tại Ấn Độ Dương và vịnh Bengal cả trong triết lý quốc phòng và trong thực tiễn, trải dài từ eo Hormuz xuyên qua eo Malacca, bằng khả năng hải quân vươn xa và thông qua những hoạt động tập trận của mình. Hải quân Ấn cũng có những lựa chọn hành động tại vùng Sừng Châu Phi, biển Nam Ấn Độ và Thái Bình Dương. Ngoài ra, sự cân nhắc trong ngân sách và áp lực thiếu hữu nghị từ phía bắc có thể tác động đến sự tham gia của Ấn Độ ra xa hơn vùng biển chiến lược của quốc gia này.

Những điểm tương đồng

VN trải qua những cuộc chiến giữ nước ít đồng minh và Ấn Độ có những điểm tương đồng với VN trong quá trình giữ gìn độc lập từ 1947. Việt-Ấn đều cùng chịu áp lực từ phía bắc, là những đối tượng đầu tiên và cuối cùng trong Chuỗi ngọc trai của TQ và đều là những quốc gia đã từng khó khăn khi các thế lực lớn giải quyết ưu tiên lợi ích trong bàn cờ thế giới. Do vậy, quan hệ hữu nghị của hải quân Việt-Ấn là đáng quý trọng. Xét các tương quan và giá trị liên kết, Ấn Độ là nước có khả năng gắn kết cao vào bậc nhất với VN đồng minh trong kế sách hướng Đông phá thế Chuỗi ngọc trai. Quan hệ hữu nghị Ấn-Việt có thể là quan hệ đầu mối trong liên hoàn kế mở ra bên ngoài của VN, không hề thua kém vai trò các mối quan hệ với Nga, Nhật, EU và Mỹ trong công cuộc bảo vệ hòa bình tại biển Đông hiện nay.

LÊ VĨNH TRƯƠNG (Quỹ Nghiên cứu biển Đông)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm