Sức mạnh hải quân Ấn Độ - Bài 1: Các tương tác chiến lược biển

LTS: Với chiến lược Chuỗi ngọc trai, Trung Quốc muốn mở rộng ảnh hưởng của mình từ Hải Nam tới Karachi (Pakistan). Nếu Việt Nam là nước đầu tiên bị ảnh hưởng bởi chiến lược Chuỗi ngọc trai thì Ấn Độ là nước sau cùng chịu ảnh hưởng bởi chiến lược này. Vì vậy, những mối tương tác chiến lược của Ấn Độ ít nhiều thu hút sự quan tâm không chỉ của riêng Việt Nam.

Ấn Độ có số dân đông thứ nhì thế giới, có diện tích thứ bảy thế giới, là nơi giao thoa giữa các nền văn minh Trung Hoa, Hồi giáo, Ấn giáo và phương Tây, là một trong sáu cái nôi của loài người. Ấn Độ có quan hệ giao thương với toàn bộ thế giới từ cổ đại đến hiện nay. Từ những năm 50 của thế kỷ 20, Ấn Độ đã xác lập vị thế lãnh đạo của phong trào không liên kết. Với vị trí địa lý quan trọng, Ấn Độ còn là cường quốc biển nằm giữa vịnh Bengal và Ấn Độ Dương.

Cường quốc biển

Từ xa xưa, những nhà cai trị của Ấn Độ đã từng thành lập những công ty hàng hải và thiết lập giao thương với thế giới cổ đại như các vùng Phoenician, Hy Lạp, Ai Cập, La Mã, Ba Tư, Trung Quốc và sau này là Bồ Đào Nha, Hà Lan, Tây Ban Nha và Anh Quốc.

Trải dài tại vĩ tuyến 9-37oB và kinh tuyến 68-76oĐ, nước này có bờ biển dài 7.515 km bao gồm nhóm đảo Lakshadweep ở biển Ả Rập kéo đến nhóm đảo Andaman và Nicobar trong vịnh Bengal. Biển Ấn Độ rộng 73,6 triệu km2. Phía tây bắc là biển Ả Rập với eo Hormuz hiểm trở chào đón 16-17 triệu thùng dầu được chuyên chở ngang qua mỗi ngày. Còn phía Đông Nam Ấn là vịnh Bengal bao bọc bởi lục địa Ấn Độ, Bangladesh, Indonesia, Malaysia, Myanmar, Singapore và Thái Lan, không xa VN là bao.

Hơn 90% thương mại Ấn sử dụng vận tải biển và 80% lượng nhiên liệu phục vụ kinh tế dân sinh đi qua cửa ngõ đại dương.

Dẫu vậy, cường quốc biển như Ấn Độ cũng đã từng loay hoay với biển. Điều 1 Hiến pháp Ấn Độ định nghĩa lãnh thổ nhưng không gắn kèm biển và sau một loạt tranh cãi hiến pháp này mới có điều bổ sung 297 nói về cương vực bao gồm biển của Ấn Độ.

Là nền kinh tế thứ tư thế giới, Ấn Độ đã từ nghèo khó đứng dậy và lớn lên trong hai cuộc thế chiến, rũ bỏ ách thực dân rồi trở thành một cực đặc biệt trong và sau Chiến tranh lạnh. Ấn Độ cũng là một trong tám nước chính thức sở hữu vũ khí nguyên tử, đóng vai trò quan trọng trong cán cân địa chính trị và hải dương của thế giới hiện tại.

Sức mạnh hải quân Ấn Độ - Bài 1: Các tương tác chiến lược biển ảnh 1

Tàu sân bay Vikramaditya của Ấn Độ sẽ được đưa vào sử dụng trong năm 2012. Ảnh: Tư liệu

Lá bài đối trọng với Trung Quốc

Trước năm 1991, Moscow và New Delhi kết chặt quan hệ chiến lược và quốc tế cùng phòng ngừa sức mạnh Trung Quốc và Pakistan - những đối thủ dai dẳng nhất của Ấn Độ. Sau năm 1991, bản thân Nga phải giải quyết hàng loạt vấn đề của chính mình nên Ấn Độ phải tự co cụm, tái định vị trong thời gian cấp bách và quan sát tình hình Nga hậu Xô Viết.

Với tiềm lực hạt nhân và nhu cầu chiến lược vừa nêu, Ấn Độ đã phát triển quan hệ với Mỹ và tiến từ hậu trường chính trị thế giới ra sân khấu quốc tế với sức mạnh kinh tế và quân sự của mình. Tuy nhiên, 70% vũ khí Ấn Độ lại có nguồn từ Liên Xô và Ấn cần nhập 40% vũ khí thông thường, chủ yếu là chiến đấu cơ và đại bác. Thêm nữa, nhu cầu trang bị hải quân và thông thương biển nhằm chặn các đối thủ tiềm ẩn trên Ấn Độ Dương buộc Ấn Độ phải duy trì hai tàu sân bay luôn trong tư thế sẵn sàng ở các vùng biển Ả Rập, vịnh Bengal…

Đến năm 1996, Nga chuyển hướng và quay lại châu Á-Thái Bình Dương cùng các hợp đồng vũ khí và kỹ thuật hạt nhân với Ấn Độ và các nước Đông Nam Á. Nga và Ấn đã tái ký kết hiệp định quân sự và kỹ thuật vào tháng 10-2000 với các nội dung chính: Hiện đại hóa và chuyển giao cho Ấn hàng không mẫu hạm Admiral Gorshkov, chuyển giao thêm hai tàu ngầm Project 625, ba khu trục hạm lớp Krivak III, 60 máy bay chiến đấu MiG-29K/-29KUB hải vận trong hai đợt. Ngoài ra còn có hợp đồng cho thuê tàu ngầm chạy bằng năng lượng nguyên tử.

Ấn Độ luôn hạ thấp các giao thương với Nga như một quan hệ buôn bán bình thường song vẫn âm thầm tiến hành tích cực các quan hệ khác một cách thành công và trong một thời gian dài phương Tây đã không nhận ra. Ấn Độ hiện đang khéo léo chơi lá bài Nga để làm đối trọng với Bắc Kinh (và Washington) và vượt trội hơn nữa, đó là sự ủng hộ mạnh mẽ của Nga cho ghế Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc.

Quan hệ quân sự Mỹ-Ấn cũng đã khởi động gần như ngay lập tức sau khi chấm dứt Chiến tranh lạnh năm 1991. Năm 1992, các cuộc tập trận Malabar của hải quân Mỹ-Ấn đã thống nhất diễn ra và đến nay (2011) đã có 14 cuộc tập trận. Đầu tiên là thao dượt cơ bản, sau đó là những diễn tập có hàng không mẫu hạm, tàu ngầm hạt nhân, phi cơ tuần duyên tầm xa. Nối tiếp sau đó là các hoạt động phi quân sự như chống cướp biển, an toàn hàng hải, tuần tiễu chống buôn lậu khí giới và ma túy…

Tạm gác bất đồng, cùng “nhìn” Trung Quốc

Quan hệ Ấn-Myanmar phát triển xoay quanh trục quan hệ Ấn-Trung. Mặc dù Myanmar quan hệ khá mật thiết với Trung Quốc và là một đầu cầu cho Trung Quốc ra Ấn Độ Dương, Ấn Độ vẫn giữ quan hệ quân bình với Myanmar. Ấn Độ cũng đã gạt các bất đồng với Myanmar về dân chủ hay nhân quyền để tranh thủ láng giềng. Cạnh đó, Ấn Độ đã cung cấp phi cơ trinh sát, vũ khí hải quân và các thiết bị tình báo cũng như súng cá nhân, pháo, cối, súng phóng lựu cho Myanmar. Đặc biệt và có ý nghĩa to lớn là hải quân Ấn Độ đã đưa hai chiến hạm vận chuyển gạo và nhu yếu phẩm đến Myanmar vào năm 2008 sau cơn bão Nargis, trong khi tàu của Mỹ và Pháp đang sẵn sàng tại vịnh Bengal đã bị Myanmar từ chối. Myanmar cũng như các nước ASEAN khác đang nỗ lực đi dây cân bằng giữa các cường quốc nhằm tối đa hóa lợi ích và tránh bước vào những tình thế nan giải.

Câu chuyện Ấn-Pakistan cũng dai dẳng. Hải, lục, không quân hai bên đã có bốn lần đụng độ lớn từ sau năm 1947 đến nay và hải quân Ấn-Pakistan cũng thường xuyên giao chiến. Hơn nữa, cảng Karachi là điểm cuối của Chuỗi ngọc trai, thít chặt vòng vây giả định lên toàn bộ bán đảo Đông Dương, Thái Lan và toàn Ấn Độ. Không gian bao vây chiến lược này được khởi đầu từ đảo Hải Nam của Trung Quốc, tiến ra đảo Phú Lâm (Hoàng Sa) và một số đảo tại quần đảo Trường Sa (của Việt Nam, đang bị Trung Quốc chiếm), xuống eo Malacca, ghé vào cảng Sittwe (Myanmar), kéo lên cảng Chittagong (Bangladesh), Nam tiến đến Hambantota (Sri Lanca) và vòng qua Ấn Độ Dương rồi bắc tiến và dừng tại cảng Karachi của Pakistan. Chưa kể đến cảng Gwadar hiện đã có mặt hải quân Trung Quốc trong công tác quan sát eo Hormuz và sẵn sàng tiến vào vịnh Ba Tư. Con đường trên biển này sẽ bảo đảm về mặt tiếp liệu, vận tải nhiên liệu, sản phẩm và quân đội Trung Quốc. Ấn Độ sẽ là bãi chiến trường chính yếu và phải tìm đường thoát ra khỏi vòng vây tuyệt lộ này.

Quan hệ Việt-Ấn ngày càng tích cực

Ấn Độ và Việt Nam đang phát triển vững chắc quan hệ kinh tế và quân sự. Tháng 4-2000, Việt-Ấn đã ký thỏa thuận về trao đổi thiết bị và huấn luyện quân sự. Quan hệ hữu nghị Việt-Ấn cho phép Ấn Độ tiếp cận các cảng biển Việt Nam và biển Đông với những chuyến tàu thể hiện năng lực đóng tàu và hải hành của Ấn Độ.

Từ năm 2000, Việt-Ấn đã có những cuộc tập dượt chung. Mới đây, từ ngày 19 đến 28-7, tàu INS Airavat của Ấn Độ đã viếng thăm hữu nghị Việt Nam. Khi ở biển Đông, cách bờ biển Việt Nam chừng 45 hải lý, INS Airavat đã nhận điện đàm được xưng là hải quân Trung Quốc cảnh báo tàu này đang tiến vào hải phận… Trung Quốc! Sau đó, Ấn Độ đã khẳng định quan điểm ủng hộ tự do lưu thông trong các vùng biển quốc tế, bao gồm biển Đông và cho rằng quyền tự do hải hành phải được tất cả các bên tôn trọng. (Tàu INS Airavat đã thăm Nha Trang và Hải Phòng sau khi tham dự triển lãm quốc phòng Bridex 2011 ở Brunei.)

LÊ VĨNH TRƯƠNG (Quỹ Nghiên cứu biển Đông)

Kỳ 2: “Học thuyết hải chiến điện tử”

Là cường quốc công nghệ thông tin, Ấn Độ vận dụng tối đa thành quả công nghệ này như một cuộc cách mạng của hải quân Ấn Độ.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm