Sống được nhờ sen và cỏ

Sống được nhờ sen và cỏ ảnh 1

Ông Nguyễn Văn Hoang, ấp Gò Tháp, xã Mỹ Hòa, thu hoạch gương sen - Ảnh: Mễ Thuận

Bây giờ, đi đâu ở xã Tân Khánh Đông, thị xã Sa Đéc, Đồng Tháp cũng thấy người dân thi nhau trồng cỏ nhung. Bà con ví von đây là loại “cỏ nhà giàu”, vì cỏ nhung dùng để trang trí sân vườn biệt thự, làm sân golf, trang trí công trình. Bao nhiêu cỏ trồng được cũng tiêu thụ hết. Cỏ được nhiều thương lái tìm đến mua để phân phối trên cả nước, xuất khẩu đi các nước lân cận.

Phất lên nhờ “cỏ nhà giàu”

Ông Trần Thọ Phúc là một trong những người trồng cỏ đầu tiên ở “ấp cỏ” Đông Quới. Ông nói: “Cỏ nhung dễ trồng, vốn đầu tư cho từng vụ mới chỉ khoảng 7.000 đồng/m2, một tháng thu hoạch một lần nên xoay vốn rất nhanh. Hai năm nay, giá cỏ có lúc lên đến hơn 35.000 đồng/m2 đã giúp nhiều bà con xây được nhà tường, sắm xe máy”. Hiện ông dành hơn 3.000m2 đất để trồng cỏ nhung, mỗi tháng xuất ra thị trường cũng bằng đó diện tích sản phẩm.

Thấy được lợi nhuận từ loại cỏ này, người đầu tư ngày càng nhiều, sân cỏ ngày càng mở rộng. Nhiều gia đình đã gỡ cả sân gạch, chặt vườn nhãn, san lấp ruộng để trồng cỏ. Theo thống kê, hiện xã Tân Khánh Đông có hơn 15 hecta được người dân chuyển sang trồng cỏ.

Bà Lê Thị Hường, ngụ ấp Đông Huề, xã Tân Khánh Đông, người đã phá bỏ 2.000m2 cây mận để chuyển sang trồng cỏ từ ba năm nay, cho biết: “Với 2.000m2 đất trồng cỏ nhung, mỗi tháng tôi cần khoảng 30 công phụ. Sau khi trồng thì tự mình chăm sóc, lúc thu hoạch phải mướn thêm vài công thợ chuyên nghiệp xắn cỏ. Với giá trung bình hơn 10.000 đồng/m2, người trồng cỏ có thể thu lợi nhuận khá cao. Người không có đất thì làm công cho các chủ vườn cỏ cũng kiếm được mỗi ngày từ 60.000-120.000 đồng”.

Sống được nhờ sen và cỏ ảnh 2

Những người trồng cỏ cho gia đình ông Trần Thọ Phúc, ấp Đông Quới, xã Tân Khánh Đông - Ảnh: Mễ Thuận

Sen cho thu nhập khá

So sánh hiệu quả kinh tế giữa cây sen Đài Loan với cây lúa, từ ba năm nay không ít nông dân Đồng Tháp có xu hướng chuyển đổi những ruộng lúa thành các cánh đồng sen. Được trồng thử nghiệm từ tám năm qua, đến nay diện tích giống sen mới này của toàn tỉnh Đồng Tháp đã đạt hơn 1.000 hecta, tập trung chủ yếu ở hai huyện Cao Lãnh và Tháp Mười.

Vợ chồng anh Nguyễn Văn Theo, ấp 1, xã Tân Kiều, huyện Tháp Mười, cho biết: “Bà con ở đây ngày trước vốn phá sen rừng trồng lúa. Nhưng đất ở đây phèn nặng quá, cải tạo mấy lúa cũng không năng suất. Công bỏ ra nhiều mà còn lỗ nữa. Từ ngày có giống sen Đài Loan, làm thử thấy sen này hợp với đất, cho năng suất cao nên nhà tôi mỗi năm mỗi chuyển một phần diện tích sang trồng giống sen này. Hiện nhà tôi có 14 công ruộng đều chuyển qua trồng sen hết”. Thấy anh Theo làm ăn có lãi, ba người anh em của anh cũng thay lúa bằng cây sen trên toàn diện tích ruộng của gia đình.

Ông Nguyễn Văn Hoang (Năm Hoang), ngụ ấp Gò Tháp, xã Mỹ Hòa, huyện Tháp Mười, đầu tư hơn 4 hecta đất trồng sen. “Giá sen có lúc lên lúc xuống, nhưng xuống thấp như hiện nay (8.000 đồng/kg) mỗi năm chúng tôi cũng lãi hơn 20 triệu đồng/hecta. Lúc giá cao hơn 30.000 đồng/kg thì lãi nhiều hơn. Bên cạnh đó, trồng sen cũng bớt cực hơn trồng lúa vì không tốn công xuống giống nhiều lần”. Hiện mỗi ngày ông Hoang thu hoạch từ 300-400kg đài sen.

Thấy hàng xóm xung quanh sống được nhờ loại sen mới, anh Nguyễn Văn Thái (tên thường gọi là Năm Phước) cũng gom góp hơn 20 triệu đồng để biến 1,6 hecta ruộng thành một ao sen rộng lớn từ hơn bốn tháng nay, giờ đang túc tắc thu hoạch “bói” được hơn 40kg/ngày. Vợ chồng anh hi vọng cây sen trên diện tích trên sẽ cho năng suất tốt hơn khi đạt đến độ tuổi sung mãn nhất.

Nỗi lo từ phát triển tự phát

Từ chỗ đang tạo ra thu nhập rất khá, bước qua năm 2011 cỏ nhung và sen đều đồng loạt rớt giá. Ông Trần Thọ Phúc cho biết: “Mấy năm trước có lúc cỏ đạt giá 65.000 đồng/m2, bà con ai cũng phấn khởi. Thời gian tiếp theo, cho đến tận cuối năm 2010, giá cỏ vẫn đạt mức trung bình 20.000-30.000 đồng/m2. Không hiểu sao từ đầu năm 2011, thương lái mua rẻ, có lúc chỉ còn 7.000 đồng/m2. Với giá này trừ chi phí thuê mướn công, phân bón... bà con tụi tui coi như trắng tay”.

Ông Trần Văn Bé, chi hội trưởng Chi hội nông dân ấp Đông Quới, lý giải: “Mấy năm rồi nhờ trồng cỏ mà nhiều vườn tạp, ao hồ để hoang được sử dụng triệt để và mang lại hiệu quả kinh tế cao. Tuy nhiên do các hộ trồng cỏ cứ mạnh ai nấy bán nên bị thương lái lợi dụng ép giá. Chúng tôi đang vận động bà con tham gia thành lập HTX để có điều kiện can thiệp, giúp giữ giá cỏ”.

Tương tự, để giải bài toán sen rớt giá trầm trọng từ chỗ trung bình 20.000-30.000 đồng/kg đài sen như mấy năm trước xuống còn 5.000-8.000 đồng/kg như hiện nay, việc người dân tập trung sản xuất, kinh doanh theo hướng HTX là một giải pháp. Anh Huỳnh Văn Điệp, thành viên HTX sen xã Mỹ Hòa, cho biết: “Lúc giá sen cao, bà con nông dân không màng đến việc tham gia các HTX, bởi chính các thương lái cạnh tranh đã đẩy giá cao hơn mức giá mua của HTX. Tuy nhiên, khi giá sen đã rớt như giai đoạn hiện nay, việc bà con liên kết lại trong một tổ chức sẽ tạo nên sức mạnh nhất định”.

Ông Huỳnh Trung Phượng, trưởng Phòng NN&PTNT huyện Tháp Mười, cho biết hiện phòng đang lên kế hoạch vận động người dân trồng sen sớm tham gia vào các tổ chức HTX sẵn có, cũng như sẽ hình thành các HTX mới tại các xã tập trung trồng sen nhiều để người dân có thể chung sức, tìm giải pháp chung nhằm đem lại hiệu quả cao hơn cho việc trồng sen.

Theo ông Nguyễn Thành Tài - trưởng Phòng NN&PTNT huyện Cao Lãnh (Đồng Tháp), phát triển trồng sen là một chủ trương đúng vì các sản phẩm này được thị trường trong và ngoài nước rất ưa chuộng. Sản phẩm của sen rất đa dạng: hạt sen bóc vỏ lụa, loại bỏ tim sen đông lạnh xuất khẩu, nước hạt sen đóng chai, hạt sen đóng hộp, sen luộc, sấy... Tuy nhiên, ông Tài cũng lưu ý đến vấn đề quy hoạch, khoanh vùng phù hợp với nhu cầu thực để tránh trường hợp cung vượt quá cầu.

Theo MỄ THUẬN - KIM TUYẾN (TTCT)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm