Số phận của một nữ đặc vụ CIA - Bài 2: Sống thầm lặng, chết mang theo

Đó là tiền đề để vụ đánh bom liều chết xảy ra bên trong tòa nhà trụ sở CIA.

Năm tháng sau ngày được chôn cất tại nghĩa trang quốc gia Arlington ở bang Virginia, tên của Matthews được nhắc đến trong một buổi lễ tôn vinh những người đã ngã xuống do CIA tổ chức.

Sau đó vào tháng 10-2010, CIA công bố kết quả điều tra nội bộ về vụ tấn công tại tỉnh Khost, Afghanistan, cho rằng Matthews chịu một phần trách nhiệm. 

Cái chết bi thảm

Một trong những người phê bình nghiệt ngã nhất là chú ruột của Matthews, ông Dave Matthews - một quan chức CIA về hưu, người từng ủng hộ cháu gái mình đến với CIA.

Bề ngoài, Anderson, một nhà hóa học và là con chiên ngoan đạo, chấp nhận số phận của người vợ chết ở tuổi 45. Nhưng sâu thẳm trong lòng mình, người đàn ông 50 tuổi Anderson hết sức xao động. Anh khó chịu với việc CIA không nhận ra người cung cấp tin tức được đánh giá cao là một điệp viên hai mang sẵn sàng làm nổ tung bản thân mình và anh còn bị tổn thương bởi những người phê phán, trong đó có ông chú của Matthews, người đã đặt câu hỏi về trình độ chuyên môn của cô đối với công việc mà cô đang làm.

“Tay đánh bom tự sát kia là một thằng khốn nhưng vào lúc đó không ai nhận ra chân tướng của hắn” - Anderson nói. “Tôi nghĩ CIA bố trí vợ tôi làm sếp của một bộ phận tại tỉnh Khost mà không chuẩn bị những chuyện khác. Gã kia không được kiểm tra”.

Ngày 30-12-2009, Matthews và sáu đặc vụ CIA khác tại Trại Chapman (cơ sở của CIA tại Afghanistan) đứng đợi Human Khalil al-Balawi, một bác sĩ người Jordan - người mà họ tin rằng đã thâm nhập vào hàng ngũ lãnh đạo của al-Qaeda. CIA nghĩ Balawi có thể đưa mấy đặc vụ Mỹ này đến chỗ bin Laden, người đàn ông bị truy nã gắt gao nhất Trái đất.

Số phận của một nữ đặc vụ CIA - Bài 2: Sống thầm lặng, chết mang theo ảnh 1

Cùng ngày xảy ra vụ đánh bom vào trụ sở CIA, dân Afghanistan tuần hành giương khẩu hiệu chống Mỹ và đốt hình nộm Tổng thống Obama. Ảnh: INTERNET

CIA bố trí cho Balawi được đưa đến cơ sở tại tỉnh Khost của mình để y sẽ có một cuộc trao đổi bí mật với các đặc vụ tại đây, trong đó có Matthews. Cô và các đồng sự rất háo hức gặp gỡ Balawi. Theo một nguồn tin, lúc đó còn có sự hiện diện của Ali bin Zeid, đại úy tình báo của Jordan, người giới thiệu Balawi với CIA.

Ngồi ở phía sau, Balawi nhoài người ra và hét: Allah! Sau đó Balawi ấn kíp cho nổ khối thuốc C-4 được lèn đầy cứng cái áo vest. Một luồng sáng lòa bùng lên phủ cả trụ sở CIA, mảnh bom băng tung tóe. Matthews bị mảnh bom xé rách cổ, một chân bị bỏng nặng đến mức lòi xương và chết khi đang trên đường đến bệnh viện. Sáu nhân viên CIA khác cũng bị chết.

Đối diện với sự công kích

Anderson biết ơn CIA đã khắc tên vợ anh vào cuốn sách vinh danh huyền thoại được trưng bày tại sảnh chính của cơ quan. Anh đánh giá cao việc Giám đốc CIA Leon E. Panetta đã tham dự lễ tưởng niệm và an táng vợ anh tại nghĩa trang quốc gia Arlington, ở đó người đứng đầu cơ quan tình báo trao cho Anderson một lá cờ Mỹ. Tuy nhiên, anh vẫn chỉ trích CIA đã bị Balawi hớp hồn một cách dễ dàng. Năm 2008, chính y đã viết những bài diễn văn nhạt nhẽo được đăng trên các trang kêu gọi thánh chiến. Y bị bắt giữ và được cơ quan tình báo Jordan đề nghị trao trả chỉ trong vài ngày. CIA tham gia giám sát y. “Khi nhìn vào tiểu sử của gã này, bạn sẽ thấy y bị giữ chỉ khoảng vài ngày, thật vô lý” - Anderson nói. “Tại sao không ai giám sát y khi y trên đường đến trụ sở ở Khost?”.

Anderson còn bối rối hơn nữa sau khi biết rằng LaBonte, một trong các sĩ quan CIA chết trong vụ tấn công đó, đã nghe cảnh báo về tính tin cậy của Balawi trước cuộc gặp gỡ chết chóc ở Khost. “Tại sao anh ta không thể thuyết phục cô ấy rằng họ không nên để cho gã Jordan kia đến trụ sở mà không được kiểm tra gì cả?” - Anderson nói, nhấn mạnh thêm rằng anh cũng ngần ngại khi đổ lỗi cho LaBonte, “lẽ ra tất cả họ phải ở trong trụ sở và một người nào đó gọi điện thoại để nhắc nhở một điều gì đó chứ”.

Số phận của một nữ đặc vụ CIA - Bài 2: Sống thầm lặng, chết mang theo ảnh 2

Kẻ đánh bom liều chết al-Balawi (phải)kêu gọi thánh chiến (video của Đài Truyền hình Al Jazeera, bên trái là Hakimullah Mehsud, thủ lĩnh cuồng tín của Taliban ở Pakistan). Ảnh: AP

Thế nhưng Thomas Pickering, cựu đại sứ Mỹ, người tham gia xúc tiến sự đánh giá độc lập về vụ tấn công thì cho rằng có bằng chứng gián tiếp cho thấy Matthews đã không để ý đến những lời cảnh báo của sĩ quan phụ trách an ninh của mình. Đó là việc không tiếp đón Balawi với quá nhiều người, một biện pháp nghiệp vụ sơ đẳng trong cái nghề này.

Gà trống nuôi con

Anderson và ông chú vợ Dave Matthews không nói chuyện ngay sau khi Matthews qua đời. “Trước đám tang khoảng một tuần, chú Dave nói cô ấy không biết cô ấy đang làm cái gì. Và đấy là lỗi của cố ấy”. Ngay từ đầu Dave Matthews, 74 tuổi đã cố gắng khuyên cháu gái đừng đi Afghanistan. Ông từng phục vụ một cuộc chiến bí mật của CIA tại Lào trong những năm 1960 và không nghĩ rằng Matthews - người mà ông yêu thương như con gái - lại được huấn luyện để đưa đến một đất nước có chiến tranh. Nhưng cô không nghe.

Tuy nhiên, ông Dave Matthews cho rằng trong chuyện này CIA đáng trách hơn cháu gái của ông. “Tôi đã nói với Anderson rằng nếu Matthews tuân thủ các quy tắc nghề nghiệp, điều này sẽ không xảy ra. Và rằng cô ấy không được đào tạo để kiểm tra người cung cấp thông tin” - ông Dave Matthews nhớ lại. “Anderson quá ủng hộ vợ. Là một người chồng, anh ta nên gây khó dễ về việc đi Afghanistan của vợ. Nhưng anh ta đã phản bác tôi. Anh ta cho rằng hiểu biết của tôi chỉ quanh quẩn thời chiến tranh lạnh”. 

Cha mẹ của Jennifer Matthews cũng có suy nghĩ tương tự. “Khi vợ chồng tôi nhận ra nó đi đến một vùng đất nguy hiểm, chúng tôi đã thắc mắc” - ông Bill Matthews, 78 tuổi, cha của Matthews nói. 

Anderson sống với các con trong ngôi nhà gần Fredericksburg - đứa con gái 14 tuổi, hai đứa con trai 11 và chín tuổi. Gia đình sống nhờ vào tiền trợ cấp của chính phủ liên bang như là sự đền bù cho cái chết của vợ anh. Anh muốn tìm một công việc mới, một việc gì đó liên quan đến khoa học nhưng có điều kiện chăm sóc các con. “Tôi không thể làm những việc của một người mẹ nhưng tôi phải làm nhiệm vụ của người cha tốt hơn trước đây bởi vì vợ tôi không còn nữa” - anh nói.

Mấy đứa nhỏ không hỏi nhiều về cái chết của mẹ chúng. Anh hình dung rằng khi trưởng thành chúng sẽ hỏi nhiều hơn.  Còn các con, Anderson sống giữa những đồ vật gợi nhớ đến vợ. Nhưng anh bị mất một thứ đặc biệt. Đó là sợi dây chuyền có cây thánh giá bằng bạch kim mà anh đã gửi đến tỉnh Khost để tặng vợ nhân dịp Giáng sinh. Jennifer Matthews đã đeo sợi dây chuyền đó vào cái ngày định mệnh…

Con voi chui qua lỗ kim CIA

Theo nguồn tin của một đài truyền hình Mỹ, thuở nhỏ Human Khalil al-Balawi sống trong một trại tị nạn gần Zarqa, Jordan, TP quê hương của thủ lĩnh nổi dậy khét tiếng Abu Musab al Zarqawi. Al-Balawi học y khoa ở Thổ Nhĩ Kỳ. Sau khi tốt nghiệp, al-Balawi làm việc tại một phòng khám trong một trại tị nạn của Palestine gần Zarqa. Y thường sử dụng Internet để tuyên truyền thánh chiến và bị nhà chức trách Jordan bắt giữ nhiều lần.

Ấy vậy nhưng không hiểu bằng cách nào y đã tạo dựng được niềm tin và len lỏi vào trụ sở CIA vốn được coi là nơi bất khả xâm phạm. Vì thế, nếu đặc vụ Jennifer Matthews và đồng sự của cô có lỗi thì đó là lỗi bất cẩn trong việc hừng hào cùng ra đón tiếp y. Lỗi chính ở đây chính là cái cái hệ thống kiểm tra của CIA đã quá dễ dãi đến không ngờ khi để một tên từng có “tiền sự” thánh chiến như thế dễ dàng bước chân vào trụ sở của mình.

KHIẾT ĐAM

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm