Số phận của một nữ đặc vụ CIA - Bài 1: Một cái chết lặng lẽ

Một buổi trưa năm 2009, điện thoại đi động của Gary Anderson đổ chuông khi ông đang trượt tuyết cùng ba đứa con mình tại khu nghỉ dưỡng Eagle Rock ở bang Pennsylvania, Mỹ. Đó là số máy của Cơ quan Tình báo Trung ương CIA.

Đau thương ập đến

Đầu dây bên kia, giọng của một cán bộ CIA cất lên: “Chúng tôi nói về vợ anh”. Anderson đề nghị nói rõ thêm chi tiết nhưng người cán bộ của CIA chỉ nói đơn giản: “Chúng tôi sẽ gặp anh”.

Mối nghi ngờ thiêu đốt Anderson: Chuyện gì đã xảy ra với Jennifer Matthews, người vợ yêu của ông, một đặc vụ CIA đang làm nhiệm vụ ở Afghanistan cách ông cả 7.000 dặm? Chỉ vài giờ nữa người của CIA sẽ mang đến thông tin gì về người vợ của ông?

Bốn cha con hối hả lên chiếc xe bán tải nhỏ để đến một khách sạn ven đường gần đó. Tại đây, các quan chức CIA thông báo cho Anderson hung tin: Vợ ông, một trong những chuyên gia hàng đầu về al-Qaeda của CIA, đã chết trong một vụ nổ bom tại trụ sở ở tỉnh Khost, miền Đông Afghanistan. 

Không ai nói gì về chuyện điệp viên hai mang, không có dấu hiệu cho thấy sáu đặc vụ CIA khác đã chết trong vụ tấn công đẫm máu nhất vào nhân viên của CIA trong mấy thập niên qua.

Anderson choáng váng đến mức không thể hỏi một câu nào ngoại trừ câu: “Các ông có chắc cô ấy chết rồi không?”. Sau đó, ông gọi các con đang đứng chờ ở bên ngoài lại bên. “Tôi chỉ nói với chúng mẹ các con đã chết. Hai đứa lớn ngã quỵ. Chúng bắt đầu khóc. Một đứa hỏi có thật vậy không hả bố. Tôi chỉ biết ôm ghì lấy chúng. Và sau đó tôi không biết gì nữa” - Anderson nhớ lại.

Số phận của một nữ đặc vụ CIA - Bài 1: Một cái chết lặng lẽ ảnh 1

Đặc vụ Jennifer Matthews và giây phút hiếm hoi bên các con. Ảnh: Washingtonpost

Những tháng ngày vinh quang

Thoạt đầu, không phải lúc nào Jennifer Matthews cũng mơ ước trở thành đặc vụ CIA. Năm 1986, cô lấy bằng phóng viên truyền hình và chính trị học từ Trường ĐH Cedarville - một trường ĐH nhỏ ở bang Ohio. Tại đây cô đã gặp Anderson. Hồi ấy cô là một cô gái đẹp với mái tóc nâu vàng, thích tranh luận về thần học và chính trị.

Năm 1987, họ kết hôn và chuyển đến Washington - nơi Matthews muốn tìm một công việc thích hợp. Cô nộp đơn xin gia nhập CIA và được nhận vào làm việc tại bộ phận phân tích tình báo vào năm 1989. Nhiệm vụ đầu tiên của cô có liên quan đến việc giải thích các bức ảnh chụp cảnh trên không ở Iran. Anderson nhớ lại mình vui mừng về nghề mới của vợ nhưng cũng nhanh chóng nhận ra rằng ông sẽ phải chấp nhận một cách ứng xử mà ông chưa quen trong đời sống hôn nhân: Đừng cố tìm hiểu cặn kẽ về công việc của vợ.

Công việc được giao khiến Matthews trở nên gắn bó với Osama bin Laden trong một thời gian rất lâu trước khi hầu hết người Mỹ nghe nói về ông ta. Giữa những năm 1990, cô được phân công đến Alec Station, một đơn vị đặc biệt đặt tại Bắc Virginia, chuyên trách về tổ chức al-Qaeda và các nhóm khủng bố khác. “Jennifer là một trong người có tầm nhìn xa trông rộng, cô đã nhận ra sự đe dọa của al-Qaeda” - đồng nghiệp của Matthews, một sĩ quan chống khủng bố của CIA, nói.

Các cuộc tấn công của al-Qaeda vào đại sứ quán Mỹ ở châu Phi năm 1998 khiến công việc của Matthews thêm căng thẳng. “Họ thiếu người và làm việc quá sức, điều đó khiến cô ấy thất vọng. Trư?c ng?y ớc ngày 11-9, họ đã biết một cái gì đó nghiêm trọng sẽ xảy ra” - Anderson nói.

Ngày 11-9-2001, Matthews và Anderson đi nghỉ tại Thụy Sĩ, họ nghe tin về các vụ tấn công vào Lầu Năm Góc và Trung tâm Thương mại Thế giới. Sự kiện này là động lực thúc đẩy Matthews lao vào công việc hăng hái hơn. Trong một phòng họp nhỏ ở Tysons Corner, Matthews lãnh đạo một nhóm sĩ quan CIA săn lùng những nhà lãnh đạo của al-Qaeda. Matthews đã đóng góp tích cực vào thành công của “mẻ lưới” đầu tiên - bắt “nhà hậu cần” số một của al-Qaeda được biết đến với cái tên Abu Zubaida.

Trong ngành, người ta biết Matthews là một nhân viên mạnh mẽ nhưng cứng đầu, không ngại nói chuyện thẳng thắn với cấp trên. “Cô ấy không chịu được những kẻ ngốc” - Anderson nói. “Nhưng cô ấy cũng rất khéo léo. Cô ấy đối xử tốt với những người uyên bác”.

Số phận của một nữ đặc vụ CIA - Bài 1: Một cái chết lặng lẽ ảnh 2

Lính Mỹ luôn căng não tại tỉnh Khost - nơi xảy ra vụ đánh bom tự sát. Ảnh: GETTY IMAGES

Bước ngoặt tại Afghanistan

Thành tích đầy mình là vậy nhưng chỉ mấy năm sau vụ tấn công khủng bố, Matthews bị xuống dốc. CIA đã đưa ra một thăm dò để xác định tại sao nhóm của cô không ngăn chặn được vụ tấn công 11-9. Bản báo cáo trên, chỉ được công bố một phần, đề nghị kỷ luật Matthews và các cán bộ khác của nhóm vì đã không cảnh báo Cơ quan Điều tra Liên bang (FBI) về việc hai gián điệp của al-Qaeda đã lẻn vào nước Mỹ từ năm 2000. Mặc dù giám đốc CIA lúc bấy giờ là ông Porter J. Goss phản bác đề xuất kỷ luật nhưng bản báo cáo trên đã khiến Matthews và các đồng sự của cô tức điên. May mà tuy bị nêu tên trong bản báo cáo một cách bẽ mặt nhưng sự nghiệp của Matthews vẫn không đến nỗi nào.

Năm 2005, Matthews được chuyển sang làm việc tại Luân Đôn. Đầu năm 2009, Matthews chấp nhận thuyên chuyển vị trí công tác: Làm nhiệm vụ theo dõi các nhà lãnh đạo của al-Qaeda với tư cách người đứng đầu một chân rết của CIA tại Trại Chapman (căn cứ quân sự cũ của Afghanistan được CIA chọn làm cơ sở) ở tỉnh Khost, Afghanistan. Ở đó, cô làm việc với các biệt kích người Afghanistan do CIA tài trợ để theo dõi mục tiêu. Cô sẽ giúp các đồng sự Afghanistan kỹ thuật tấn công bằng máy bay không người lái.

Như vậy, Anderson và các con sẽ phải trở về Fredericksburg. Khó mà nói hết ý nghĩa của cái công việc mà Matthews sẽ làm ở tỉnh Khost: Sự thăng tiến hay tự biến khỏi mắt mọi người? Trên tất cả, Anderson nói, vợ ông cảm thấy một sự ép buộc gì đó. Thật ra Anderson cũng nói với vợ về nguy cơ bị bom cài đường, thứ “đặc sản” của Afghanistan. Nhưng Matthews nhấn mạnh rằng cơ sở được quân đội bảo vệ bốn phía. 

Tháng 4-2009, điều gì đến đã đến. Jennifer Matthews đã tìm đến một người - người mà cô có thể chia sẻ rốt ráo: Ông chú Dave Matthews của cô, người từng khuyến khích cô vào nghề tình báo. Người sĩ quan CIA về hưu này từng phụ trách việc truy tìm những “ngôi nhà an toàn” (nơi giam giữ nhưng không bị phát hiện) trong thời chiến tranh lạnh. Dave Matthews nhớ lại: “Tôi nói rằng cháu có con cái và nó nói vì mấy đứa nhỏ, cháu không bao giờ để bản thân mình bị nguy hiểm”. Ông khuyên đứa cháu gái chẳng thà từ chức chứ đừng có đến Afghanistan. Ý kiến đó khiến Matthews bực mình. 

Thế mà giờ đây, một buổi trưa năm 2009, Anderson đau khổ vì mất vợ: Vụ đánh bom tự sát của một điệp viên hai mang người gốc Jordan vào nơi làm việc của CIA được người ta biết đến mấy ngày sau đó nhờ phương tiện truyền thông. CIA đã bị lừa, họ đã chào đón một trong những thành viên của al-Qaeda vào cơ quan, tạo điều kiện để anh ta phát nổ một khối thuốc lớn trong áo vét. Trên truyền hình, các chuyên gia và các điệp viên về hưu của CIA gọi thảm họa trên là “trận Trân Châu Cảng của CIA”. Ban đầu các nhà bình luận không đề cập đến tên của Matthews nhưng họ mô tả người đứng đầu cơ sở tại tỉnh Khost là “người mẹ của ba đứa con”. Anderson cảm thấy vợ mình đang hứng chịu tất cả những lưỡi búa trách nhiệm.

Vụ đánh bom liều chết do al- Qaeda thực hiện xảy ra ngày 30-12-2009, bên trong phòng họp tại căn cứ tiền phương Chapman của CIA đặt tại tỉnh Khost, Afghanistan. Vụ đánh bom không chỉ làm chết bảy sĩ quan CIA, trong đó có đặc vụ Jennifer Matthews và một sĩ quan Jordan, mà còn làm bị thương sáu người Mỹ dân sự.

Đây là thiệt hại về người lớn nhất của CIA trong một vụ tấn công kể từ khi Mỹ bắt đầu cuộc chiến chống khủng bố sau sự kiện 11-9-2001. Từ năm 1947 đến trước khi xảy ra vụ đánh bom đẫm máu nói trên, CIA mới chỉ có tổng cộng 90 sĩ quan bị thiệt mạng khi đang thi hành công vụ.

KHIẾT ĐAM

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm