Phía sau người anh hùng - Bài cuối: Nước mắt ngày đoàn tụ

Thời điểm cuối năm 1974 đầu năm 1975, trên hành trình ra Bắc, ông Ba Quốc - người điệp viên huyền thoại của lưới tình báo A36 - mang một tâm trạng rất khó tả. Một bên là niềm vui được gặp lại một gia đình mà ông đã phải rời xa từ 21 năm trước để vào Nam hoạt động theo sự phân công của tổ chức. Một bên là nỗi lo về hoàn cảnh của gia đình ở trong Nam khi ông bị lộ, phải ra đi vội vàng...

Vợ kế ngồi tù, con nhỏ bơ vơ…

Không bắt được ông, mật vụ và chính quyền Sài Gòn liền bắt và tống giam bà Xuân (người vợ sau) và anh Đặng Trần Vũ - con trai thứ của ông và bà Xuân. Các thành viên còn lại trong gia đình ông Ba Quốc đều bị giám sát chặt chẽ, nghiêm ngặt 24/24 giờ. Họ hàng, anh em, bạn bè không ai dám tới nhà, vì ai tới thì đều bị theo dõi cả.

Về hồ sơ vụ việc của ông Ba Quốc, Phủ Đặc ủy Trung ương tình báo Sài Gòn kết luận: “Đương sự là Nguyễn Văn Tá, do bất mãn vì không được khôi phục nguyên cấp bậc cũ, đã bỏ nhiệm sở đi đâu chưa rõ. Có thể đã ra bưng biền theo Việt cộng. Chưa rõ có phải điệp viên do Cộng sản Bắc Việt cài vào hay không... Việc tiếp tục giám sát tư gia của đương sự cần phải được tiến hành”.

Những ngày cha vào chiến khu (rồi ra Bắc), mẹ ngồi tù, các em còn nhỏ, con trai lớn của ông Ba Quốc khi đó đang học lớp 12 phải đi dạy thêm để kiếm tiền lo cho các em. Đời sống vô cùng cơ cực và thiếu thốn, người em út phải đi nhặt rác kiếm sống.

Phía sau người anh hùng - Bài cuối: Nước mắt ngày đoàn tụ ảnh 1

Gia đình ông Ba Quốc - bà Thanh. Trong ảnh: Bà Thanh đang tựa người vào vai ông Ba Quốc.
Ảnh: PHONG LAN

Lúc này tổ chức đã cử một cán bộ cơ sở đem tiền đến giúp đỡ gia đình ông Ba Quốc nhưng ông này sợ bị lộ và bị bắt nên đem tiền về gói kỹ treo trên nóc nhà, cho đến ngày đất nước thống nhất mới đem đến đưa cho gia đình.

Về phần hai mẹ con bà Xuân, hai tháng sau khi vào tù, mẹ con bà bị chuyển về Bộ Tư lệnh Cảnh sát, bị tra tấn, ngược đãi. Nhưng nhờ thống nhất lời khai theo dặn dò của ông Ba Quốc trước ngày ông ra đi, mật vụ Sài Gòn đã không tìm thấy mâu thuẫn trong hai khẩu cung, họ đành trả tự do cho hai mẹ con bà sau gần sáu tháng giam giữ...

Hơn 7.000 ngày xa cách

Về phần ông Ba Quốc, khi ra đến Bắc, buổi sum họp đầu tiên của gia đình ông có quá nhiều tâm trạng. Ông bố sau bao nhiêu năm chờ đợi, mong ngóng tin tức con đã đem bao thương nhớ gửi vào những đòn roi đánh ông Ba Quốc một trận vì đứa con ra đi biền biệt, không một dòng tin nhắn gửi lại. Hai đứa con mà ngày ông ra đi, đứa lớn còn chưa biết gì, đứa nhỏ hãy còn trong nôi, giờ cảm thấy xa lạ, bỡ ngỡ với chính người bố ruột của mình.

Chị Đặng Thị Chính Giang, con gái của ông Ba Quốc và bà Thanh (người vợ đầu), kể: “Tôi không thể tưởng tượng bố tôi như thế. Tôi cảm thấy đó là một người đàn ông xa lạ lắm. Trong trí tưởng tượng của tôi, bố tôi là một người thanh mảnh, nhẹ nhõm và ngọt ngào, chứ tôi không nghĩ rằng ông cụ trông nghiêm khắc và trông sợ đến thế. Và tôi không có cảm giác đấy là bố mình. Đến năm 1976, cụ ra tôi vẫn chưa quen. Đến năm 1977, tôi mới có cảm giác rằng đấy là người bố của mình”.

Còn người vợ, niềm vui gặp lại chồng sau bao nhiêu năm xa cách bỗng chốc mặn môi khi bà hay tin ông đã có bốn con với người vợ sau…

Khi ông Ba Quốc hỏi: “Trong hơn 20 năm qua, em và các con đã sống như thế nào?”, bà nghẹn ngào. Câu chuyện về một người đàn bà có chồng bỏ vào Nam với lai lịch không rõ ràng, phải mang theo hai đứa con nhỏ lên vùng rừng núi Phú Thọ, sống âm thầm trong một nông trường quốc doanh với những người công nhân cải tạo khai hoang, vỡ đất, phải một mình đương đầu với gian nan, đói khổ với những lời đàm tiếu thị phi, để lặng lẽ sống, lặng lẽ nuôi con khôn lớn và chờ đợi... bà không đủ sức kể trong một, hai ngày. Bà đành hẹn ông khi nào thư thả sẽ kể cho ông nghe từng ngày một trong hơn 7.000 ngày xa cách ấy...

Phía sau người anh hùng - Bài cuối: Nước mắt ngày đoàn tụ ảnh 2

Gia đình thứ hai của ông Ba Quốc với bà Xuân. Ảnh: PHONG LAN

Ước nguyện đơn sơ

Niềm vui đoàn tụ kéo dài chưa quá hai ngày thì ông Ba Quốc nhận được lệnh trở vào Nam ngay để tiếp quản Phủ Đặc ủy Trung ương tình báo vì lúc này Sài Gòn đã được giải phóng. Khi ông lên đường vào Nam thì cũng là lúc người cha không thể chịu đựng thêm nỗi đau cha con xa cách, ông cụ đã khóc mù cả đôi mắt…

Với bà Thanh, ông Ba Quốc hứa sẽ sớm trở về gặp bà. Thế nhưng cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam lại tiếp tục cuốn ông đi mãi. 21 năm dài chờ đợi theo suốt chiều dài cuộc kháng chiến chống Mỹ, giờ đây bà lại tiếp tục đợi chồng.

Hơn một năm sau, ông trở lại. Nhưng ông cũng chỉ sống được với bà vỏn vẹn có năm ngày chồng vợ, rồi một chuyến công tác đặc biệt lại kéo ông lên đường đi tiếp. Bà ở lại một mình. Rồi một cơn bão lớn ập đến, căn nhà bà ở bị đổ sập. Một bức tường đè lên khiến bà bị liệt nửa người. Thế là hết. Bà không còn khả năng làm vợ nữa.

Số phận đã áp vào cuộc đời khắc nghiệt của bà và bà âm thầm chịu đựng nó.

Chị Nguyễn Thị Hiên, con gái nuôi của ông Ba Quốc và bà Thanh, kể nguyện ước lớn nhất của mẹ nuôi mình là được sống với cha nuôi trong những ngày ngắn ngủi còn lại của cuộc đời. “Con ơi, nếu bố con về hưu thì bố mở tiệm sửa xe, mẹ bán nước, để hai người sống cùng nhau”. Chị nhắc lại lời của mẹ nuôi trong nước mắt. Và đây là những vần thơ xúc động của chị viết về tình yêu của bố mẹ nuôi: “Bố ngồi bên giường lặng yên nghe mẹ thở/ Mà trong lòng nức nở nỗi thương đau/ Năm mươi lăm năm có dài đâu/ Mà như thấy trước, thấy sau một đời.

Cuộc đời là mấy mươi năm/ Đắng cay khổ cực âm thầm chia ly/ Bảy mươi lăm tuổi mẹ già đi/ Nhưng tình yêu mẹ vẫn thì xuân xanh/ Dịu dàng tiếng mẹ gọi anh/ Yêu thương tiếng bố thì thầm em ơi...”.

Sum họp và thống nhất

Ngày được tuyên dương danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, ông Ba Quốc đã mang tấm huy hiệu về đeo trước ngực bà Thanh và nói với các con rằng: “Mẹ các con mới là người xứng đáng được đeo tấm huy hiệu anh hùng này”. Nhưng ít ai biết rằng đằng sau câu chuyện này, bên cạnh bản báo cáo thành tích gửi tổ chức, ông Ba Quốc còn viết riêng một bản báo cáo công trạng của mình và trân trọng ký tên, gửi riêng cho vợ - bà Thanh.

Chị Chính Giang chỉ được mẹ tiết lộ về việc bố có gia đình thứ hai vào đúng ngày chị nghe tin bố trở về. Tương tự, chị Đặng Thị Hữu Hạnh, con gái ông Ba Quốc - bà Xuân, cũng được bố giải thích những thắc mắc về tờ giấy khai sinh của mình (ghi mẹ là vợ kế của cha) ngay trong ngày đoàn tụ với gia đình thứ hai, sau 1975.

Hai cuộc đoàn tụ diễn ra trong chưa đầy một tuần lễ, ở hai địa điểm cách nhau hàng ngàn cây số với nhiều cảm xúc và suy tư.

Chị Hạnh chia sẻ: “Mẹ tôi nói là chúng tôi phải ra thăm mẹ lớn. Vì trong cuộc chiến tranh này, mất mát thì đã nhiều rồi, bây giờ gia đình được đoàn tụ như vậy thì không còn gì hơn. Tức là bố tôi còn sống, mẹ lớn còn sống, chúng tôi còn đầy đủ nguyên vẹn thì không còn gì quý hơn. Khi ra Hà Nội, tôi gặp mẹ lớn với tình trạng cơ thể bị liệt, tôi đã rất xúc động. Tôi ôm chầm lấy bà và bà cũng ôm tôi… Hai người mẹ của mình đều phải gánh chịu những khổ cực, đắng cay và hy sinh, mất mát như thế thì mẹ lớn cũng như là mẹ ruột mình thôi”.

Và rồi một năm sau ngày ông Ba Quốc được phong tặng danh hiệu anh hùng (1977), cuộc sum họp đại gia đình đã được tổ chức tại miền Bắc, gồm bố ông, gia đình ngoài Bắc và gia đình trong Nam. Sau rất nhiều những trở ngại, băn khoăn và day dứt, cuối cùng ông Ba Quốc cũng được hưởng một ngày vui sum họp gia đình trọn vẹn trong niềm vui hòa bình, thống nhất của dân tộc.

Mỗi người chỉ có một cuộc đời

Những ngày cuối đời, có người hỏi ông Ba Quốc: “Cái sợ nhất khi hoạt động tình báo lâu ngày trong lòng địch là gì?”. Ông trả lời không do dự: “Là nỗi cô đơn ghê gớm khi không liên lạc được với tổ chức”. “Vậy nỗi buồn lớn nhất khi hoạt động tình báo lâu ngày trong lòng địch là gì?”. Ông trầm ngâm suy nghĩ một lát rồi nói: “Là mỗi khi nhìn thấy đồng chí, đồng đội của mình bị bắt bớ, giam cầm, khảo tra mà mình không thể làm gì được”. Hỏi: “Ông đánh giá như thế nào về nghề tình báo?”. Ông trả lời: “Tình báo chưa bao giờ là nghề của tôi”. Lại hỏi: “Nếu như được phép lựa chọn thì ông có thêm một lần nữa lựa chọn nhiệm vụ của một người chiến sĩ tình báo?”. Ông Ba Quốc: “Nhưng con người ta chỉ có một cuộc đời, không thể có một cuộc đời thứ hai. Vì thế, không thể có chữ “nếu”. Với lý tưởng cũng như với tình yêu, người ta chỉ được phép lựa chọn một lần cho mãi mãi…”.

Đạo diễn LÊ PHONG LAN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm