“Nước Nhật mới” thời Shinzo Abe - Bài 1: Chiến lược ba “mũi tên”

Nối tiếp những thành công ngoạn mục ở thập niên 1980, Nhật Bản đã phải hứng chịu bảy lần suy trầm với mức chi tiêu yếu ớt và tăng trưởng nhỏ giọt bất chấp các nỗ lực cải thiện tình hình của các đời chính phủ nước này. Ông Abe, người trước đó đã từng giữ cương vị thủ tướng Nhật Bản từ năm 2006 đến 2007, đã dành ngay những ngày đầu ở vị trí mới để tập trung vực dậy nền kinh tế Nhật Bản đang chìm sâu trong vũng lầy khủng hoảng.

“Abenomics” là gì?

Shinzo Abe nhậm chức thủ tướng trong bối cảnh đất nước đang có những vấn đề về cả quốc tế lẫn quốc nội. Về đối ngoại, Nhật Bản đang có những mâu thuẫn gay gắt với Bắc Kinh về quần đảo Sensaku hay Điếu Ngư theo cách gọi của Trung Quốc. Về đối nội, chính quyền phải đối mặt với một làn sóng người dân Nhật Bản đang căm phẫn về sự trì trệ của quốc gia trong hơn hai thập niên và đòi hỏi một sự thay đổi mang tính táo bạo để thoát ra khỏi tình trạng này.

Vì vậy, sau khi nắm chính quyền nhờ vào sự ủng hộ đông đảo của đa số người dân, Thủ tướng Shinzo Abe đã đề ra một chiến lược cải tổ đa diện nền kinh tế Nhật Bản trên nền tảng của chủ nghĩa ái quốc, được biết đến với tên gọi “Abenomics”. Chiến lược này bao gồm ba “mũi tên” trong cả dài hạn lẫn ngắn hạn - các chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa và tái cấu trúc nền kinh tế.

“Nước Nhật mới” thời Shinzo Abe - Bài 1: Chiến lược ba “mũi tên” ảnh 1

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe. Ảnh: www.vancouversun.com

Biện pháp “cú điện giật”

Chính sách tiền tệ từ khi được công bố đã gây ra sự chú ý đáng kể. Tháng 2-2013, ông Haruhiko Kuroda, một người ủng hộ các chính sách nới lỏng, đã được bổ nhiệm làm thống đốc ngân hàng trung ương mới của Nhật Bản trong một động thái được đánh giá là một sự “thay đổi chế độ” tại Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ).

Cùng với việc thống nhất chính sách giữa Bộ Tài chính và Ngân hàng Trung ương của Thủ tướng Abe, ông Kuroda đưa ra một chương trình kích thích tiền tệ khá liều lĩnh. Nhật Bản đề ra mục tiêu lạm phát trong hai năm tới là 2% so với âm 0,2% của 13 năm qua. Điều đó có nghĩa là chính phủ phải mua vào 70% lượng trái phiếu phát hành mỗi tháng, bằng 1% tổng sản lượng, để nhân khối tiền tệ lên gấp đôi từ 29% đến 56% tổng sản lượng. Ngoài ra, nhằm thúc đẩy đầu tư của các doanh nghiệp, chính phủ cũng sẽ đánh thuế tiền tiết kiệm dư dôi của họ và còn cho biết là chính sách này sẽ được duy trì cho đến khi đạt được hiệu quả mong muốn.

Đây là những biện pháp táo bạo được xem như một “cú điện giật” trong hoàn cảnh giá cả không tăng và còn giảm đều 0,2% mỗi năm từ 13 năm nay, kích thích không chỉ các doanh nghiệp mà cả người dân tiêu xài tiền tệ một cách tích cực hơn thông qua việc bán đồng yen mà đầu tư ra ngoài hoặc đầu tư vào thị trường cổ phiếu nội địa hay cả bất động sản hoặc các loại chứng phiếu rủi ro hơn.

Không những thế, Nhật Bản còn muốn nhân khối tiền tệ lưu hành lên gấp đôi con số 85 tỉ USD của Ngân hàng Trung ương Mỹ, tương đương tăng 30% trong hai năm tới qua việc bơm ra thị trường 200 tỉ USD/tháng. Việc này nhằm làm sụt giá đồng yen và gián tiếp kích thích xuất cảng. Qua đây, ta có thể thấy chính phủ Abe không trực tiếp phá giá đồng nội tệ để tìm lợi thế cạnh tranh khi xuất khẩu mà tung ra các biện pháp đồng loạt để làm thay đổi cách tiêu thụ của người dân và đầu tư của doanh nghiệp.

Chính sách tài khóa - mũi tên thứ hai của Abenomics - được thực hiện khi Thủ tướng Abe quyết định tăng chi tiêu ngân sách của Nhật Bản lên đến 2% trong tổng sản phẩm quốc nội (GDP), tập trung vào các gói kích cầu ngắn hạn gồm các dự án tập trung cải tạo cơ sở hạ tầng như xây dựng cầu, đường hầm, các gói chăm sóc y tế và các biện pháp kích thích đầu tư tư nhân. Một cách tích cực, chính sách này đã giúp đẩy mạnh tiêu dùng của người dân và doanh nghiệp, mở rộng thị trường và đặc biệt là tạo hơn 600.000 việc làm.

Cuối cùng và cũng là quan trọng nhất là chính sách tái cấu trúc nền kinh tế Nhật Bản. Nếu như các chính sách tiền tệ và tài khóa kể trên là những chính sách được áp dụng trong ngắn hạn thì đây lại là một chính sách cần được áp dụng trong thời gian dài. Nhật Bản là một trong những nước có dân số già nhất thế giới, với lực lượng lao động giảm 6% trong thập niên qua, đây cũng là một yếu tố lớn trong việc kìm hãm nền kinh tế phát triển. Nhận thức được điều này, chính quyền Abe đã đưa ra những sáng kiến gồm hỗ trợ chăm sóc trẻ em và khuyến khích phụ nữ tham gia lực lượng lao động, song song với những chính sách đại tu trong những lĩnh vực quan trọng khác như chăm sóc sức khỏe, môi trường và năng lượng.

“Nước Nhật mới” thời Shinzo Abe - Bài 1: Chiến lược ba “mũi tên” ảnh 2

Việc ông Haruhiko Kuroda được bổ nhiệm làm thống đốc Ngân hàng Trung ương mới vào tháng 2-2013 được xem như một sự “thay đổi chế độ” tại Ngân hàng Trung ương Nhật Bản. Ảnh biếm họa: Đồng yen Nhật Bản: “Cứu tôi với, ông Kuroda”. (Nguồn: blog.optionsclick.com)

Những gam màu hồng

Những chính sách trong chiến lược của Thủ tướng Abe bước đầu đã có những tác động tích cực đến nền kinh tế Nhật Bản. Hy vọng về sự gia tăng lợi nhuận doanh nghiệp sẽ dẫn đến mức lương cao hơn đã khiến cho tiêu dùng cá nhân tăng mạnh và hơn nữa là thúc đẩy giá cổ phiếu. Cho đến nay, thị trường đã tăng mạnh: Tính đến tháng 3-2013, chứng khoán Nhật Bản đã tăng 18%, gấp đôi con số 8,5% của năm trước. Trong quý II-2013, nền kinh tế Nhật Bản tăng 3,5% so với cùng kỳ năm trước mặc dù thị trường bất ngờ sụp đổ vào tuần trước. Điều này phần lớn nhờ vào tiêu dùng cá nhân, chiếm 60% GDP của Nhật Bản.

Việc đồng yen mất giá có hai tác động đến nền kinh tế. Thứ nhất, nó cho phép các doanh nghiệp Nhật Bản có thể chuyển đổi sản xuất trở lại Nhật Bản, từ đó tạo ra nhiều công ăn việc làm cho người dân và đồng thời kích thích du lịch và tiêu dùng. Kết quả, trong tháng 3-2013, các hộ gia đình Nhật Bản đã tiêu xài mạnh nhất kể từ chín năm nay và mức lời của doanh nghiệp có tăng nếu ta nhìn vào chỉ số cổ phiếu Nikkei. Thứ hai, đồng yen yếu cũng giúp hàng xuất khẩu của Nhật Bản trở nên cạnh tranh hơn. Tháng 4-2013, hàng hóa xuất khẩu của Nhật Bản được ghi nhận là đã tăng 1,1% so với cùng kỳ năm ngoái. Chính sách tài khóa đã đạt được mục đích khôi phục tăng trưởng trong ngắn hạn thông qua việc đẩy mạnh tiêu dùng chính phủ và đầu tư công trình công cộng. Chính phủ cho biết chi tiêu tăng thêm làm tăng tổng sản phẩm trong nước lên khoảng 2% và tạo ra hơn 600.000 việc làm bằng cách làm sống lại nền kinh tế địa phương.

Nhìn chung, các chính sách kể trên đều có nhiều tác động tích cực đến nền kinh tế Nhật Bản ở cả ngắn hạn và dài hạn một khi Nhật Bản gia nhập TPP. Tuy nhiên, những chính sách của ông Abe vẫn còn nhiều khó khăn và thách thức vì những nguyên nhân cả bên trong lẫn bên ngoài Nhật Bản và việc Nhật Bản có vượt qua được giai đoạn khó khăn để giữ vững vị trí cường quốc kinh tế của thế giới hay không còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố.

Cơ hội “trụ hạng” cường quốc kinh tế châu Á

Phần quan trọng nhất của chính sách cải tổ kinh tế của Nhật Bản là việc nước này tuyên bố gia nhập Hiệp định Đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP), một hiệp định tự do thương mại khu vực đang được đàm phán giữa các quốc gia Hoa Kỳ, Úc, Brunei, Canada, Chile, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore và Việt Nam. Đây vẫn còn là một vấn đề gây tranh cãi khi một số ngành công nghiệp có ảnh hưởng chính trị quan trọng của Nhật Bản, mà đứng đầu là ngành sản xuất nông nghiệp và y tế, kịch liệt phản đối việc tham gia này.

Ngày 15-3-2013, Thủ tướng Abe vẫn tuyên bố quyết định gia nhập TPP của Nhật Bản, nhấn mạnh rằng nước này cần tận dụng những cơ hội cuối cùng để vẫn tồn tại như là một cường quốc kinh tế của châu Á.

THANH VÂN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm