Nơi “sản xuất” lính đặc nhiệm dũng cảm

Để có được những thành quả đó là sự kết tinh từ mồ hôi, lòng quả cảm, ý chí kiên cường luyện tập gian nan ngày đêm trên bãi tập.

1. Gần trưa, dưới cái nắng chói chang, hơn 40 học viên của lớp học chuyên ngành Quân sự võ thuật B2- K4 của thầy giáo, HLV cao cấp võ thuật - quân sự thượng tá Nguyễn Quốc Bồi vẫn đang lăn lộn ngoài sân tập. Ai nấy đều đầm đìa mồ hôi, Thượng tá Bồi đang cần mẫn chỉ bảo, chỉnh sửa cho học viên của mình các động tác vũ thuật, các đường nét cơ bản trong kỹ thuật chiến đấu. Từng học viên cứ thay nhau, lần lượt bước lên thực hành để thầy giáo có thể uốn nắn cụ thể.

Nhìn những đống gạch vỡ ngổn ngang do các học viên dùng tay chặt, mới thấy được sự khổ luyện của các chiến sĩ cảnh sát đặc nhiệm, đại tá Nguyễn Quốc Toán, Phó hiệu trưởng nhà trường từng kể với chúng tôi một câu chuyện, các học viên cảnh sát đặc nhiệm trong trường thực hành bài bơi bí mật chỉ thò một mẩu đầu ống thở lên mặt nước, đầu được ngụy trang bằng bèo Tây, khi kết thúc bài thực hành trồi lên trên mặt nước, đã khiến cho bà con đi cắt cỏ ở bờ sông giật mình, hốt hoảng.

Nơi “sản xuất” lính đặc nhiệm dũng cảm ảnh 1

Trong giờ học võ thuật

Thầy và trò ở trường Trung cấp Cảnh sát vũ trang này vẫn thường nói với nhau rằng: "Giảng đường cũng là chiến trường". Câu nói tưởng như bình thường nhưng thật ý nghĩa. Đối với những học viên ở đây muốn trở thành một trinh sát đặc nhiệm, thì phải luyện tập gian nan, vất vả ngày đêm không kể nắng mưa. Nếu không coi giảng đường, thao trường như là một chiến trường để tôi luyện nghiệp vụ, phẩm chất kiên cường, thì khi công tác đối mặt với nhiều loại tội phạm nguy hiểm làm sao có thể hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Thượng tá Nguyễn Quốc Bồi tâm sự, để có được một chiến sĩ trinh sát giỏi, các học viên phải trải qua quá trình luyện tập nghiêm ngặt được tiến hành thường xuyên trong cả khóa học, với cường độ rất cao trong mọi điều kiện gian khổ, kể cả nguy hiểm. Chính vì vậy đòi hỏi mỗi học viên đều phải có tinh thần khổ luyện và ý chí cao độ. Chẳng hạn như khi các học viên học võ thuật, đòi hỏi phải đạt đến trình độ cao trong kỹ thuật không chỉ về quyền pháp, cước pháp… mà phải biết thiên biến vạn hóa. Trong thực tế chiến đấu chống lại các loại tội phạm trong mỗi thời điểm, không gian nhất định, có thể lúc thì một đấu một, có lúc một mình phải chống lại cả một tốp đối tượng, chúng lại có cả vũ khí nữa. Đây chính là lý do vì sao học viên cảnh sát đặc nhiệm phải được tôi luyện gian khổ như vậy.

2. Đại tá, thạc sĩ An Quốc Toán, Phó hiệu trưởng nhà trường, người đã gắn bó với ngôi trường này rất nhiều năm, cho biết, hiện nhà trường đang đào tạo 4 khoa gồm: Cảnh sát đặc nhiệm, cảnh sát cơ động, cảnh sát bảo vệ mục tiêu và hỗ trợ tư pháp và HLV võ thuật quân sự. Đây có thể coi như là một cái "lò luyện" cán bộ, chiến sĩ cho công an các địa phương trên cả nước. Bởi nhiệm vụ đặc biệt của trường, là đào tạo lực lượng trấn áp tội phạm đặc biệt nguy hiểm có sử dụng vũ khí nóng, như: chống khủng bố, bắt cóc con tin…

Để học viên ra trường đáp ứng được yêu cầu công tác tại nhiều địa phương, bên cạnh việc trang bị các kiến thức về lý luận nghiệp vụ, nhà trường luôn hướng đào tạo cho học viên gắn liền với thực tiễn chiến đấu của lực lượng công an nhân dân. Hiện giáo trình giảng dạy của trường là áp dụng 30% lý thuyết, 70% thực hành. Chỉ có thực hành mới giúp học viên nhanh trưởng thành. Mỗi địa phương có những đặc thù khác nhau, như: cách đánh ở đồng bằng khác, miền núi khác, trên đường nhựa khác với trong hang đá… Do đó khi giảng bài, giáo viên luôn phải hướng dẫn cụ thể, chi tiết đối với học viên từng vùng miền.

Bên cạnh đó, nhà trường còn thường xuyên cử cán bộ, giáo viên đi sang nhiều nước tiên tiến trên thế giới như: Nga, Trung Quốc, Hàn Quốc, Singapore, Thái Lan, Ba Lan… để tập huấn, học hỏi những kinh nghiệm phòng chống tội phạm, sưu tầm tài liệu, băng đĩa về học tập để hướng dẫn cho học viên. Có những giảng viên khi đi tập huấn nước ngoài về, ban ngày lên lớp, đêm về sẵn sàng thức thâu đêm nghiên cứu từng cách đánh, thế võ thu lượm được để mai lại lên lớp cho các em. Có những môn học, nhà trường mời cả cán bộ của Cục C22 và Tổng cục V26, Học viện An ninh, Học viện Cảnh sát về giảng dạy.

Mỗi đợt học viên đi thực tập, nhà trường cử giáo viên đi cùng về địa phương, cùng cán bộ Công an địa phương hướng dẫn các em trong khi làm nhiệm vụ, đồng thời rút kinh nghiệm trong giảng dạy sao cho phù hợp với thực tiễn chiến đấu tại công an các địa phương. Những năm qua, học viên của trường ra trường về công tác tại công an nhiều địa phương đều được đánh giá rất cao với trên 95% hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

Học viên của trường ra công tác đã phát huy tinh thần dũng cảm, sẵn sàng hy sinh để bảo vệ bình yên cuộc sống của nhân dân như: Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Cảnh Dần, nguyên là học viên đặc nhiệm khóa 10; học viên đặc nhiệm khóa 21 Nguyễn Anh Tú đã dũng cảm bắt gọn 2 tên cướp nguy hiểm tại Hà Nội và mới đây nhất là trong dịp Tết Canh Dần vừa qua, 3 học viên là Dương Chí Dũng, Lưu Ngọc Khánh, Nguyễn Hoàng Tùng là học viên khóa 4 đã dũng cảm tấn công, bắt giữ tội phạm, trả lại tài sản cho công dân nước ngoài đang đi du lịch tại Thủ đô Hà Nội…

20 năm phấn đấu và trưởng thành qua nhiều lần đổi tên và giờ đây là trường Trung cấp Cảnh sát vũ trang (từ năm 2006), mặc dù điều kiện nhà trường còn nhiều thiếu thốn, song với sự nỗ lực, đoàn kết của ban lãnh đạo nhà trường, cán bộ, giáo viên, học viên, nhà trường đã không ngừng vươn lên khẳng định vị trí của mình trong công tác đào tạo Cảnh sát vũ trang, góp phần vào việc giữ bình yên cho đất nước. Với những thành quả đã đạt được, trong lễ kỷ niệm 20 năm thành lập trường ngày 5-3-2010, nhà trường vinh dự được đón nhận Huân chương Quân công hạng Ba do Chủ tịch nước trao tặng.

Theo Phan Hoạt (CAND)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm