Nhà văn Hoàng Lại Giang: “Lội ngược dòng” bằng ngòi bút cá tính

Cá tính và bản lĩnh, nhà văn Hoàng Lại Giang từng tham gia kháng chiến chống Mỹ và có nhiều sáng tác góp phần vào quá trình đổi mới.

Sóng gió làng văn

Hoàng Lại Giang có nhiều tác phẩm gây sóng gió một thời. Vào thời kỳ chưa đổi mới, cuốn sách 100 trang Đêm miền Đông của ông đặt ra những vấn đề gai góc như quản lý, quan liêu, cửa quyền của một số cán bộ có chức có quyền bắt đầu mất phẩm chất… Nhà xuất bản (NXB) nào cũng lắc đầu từ chối cấp giấy phép in. Trong nhiều tác phẩm, ông đã bạo dạn thể hiện quan điểm: “Sự nóng vội của những nhà lãnh đạo cũng sẽ gây tội trạng cho chính kẻ thù của nhân dân mình…”, “Có nhất thiết phải qua chiến tranh mới giành được độc lập không? Giá chúng ta tìm một con đường khác ít xương máu hơn cho nền độc lập của mình thì quý biết nhường nào?”… Các tác phẩm ấy cũng lần lượt bị nhiều NXB từ chối in.

Nhà văn Hoàng Lại Giang: “Lội ngược dòng” bằng ngòi bút cá tính ảnh 1

Nhà văn Hoàng Lại Giang. Ảnh: N.TÝ

Năm 1977-1998, ông làm trưởng chi nhánh NXB Văn học tại TP.HCM. Đây là thời gian độc giả hứng khởi vì có được những tác phẩm đáng đọc. Nhờ bàn tay khéo léo biên tập và dũng cảm xuất bản, ông đã chuyển đến bạn đọc nhiều tác phẩm nổi tiếng của Nhật Tiến hay Nguyễn Huy Thiệp. Ông cùng các bạn là Hữu Nhuận, Cao Thị Xuân Mỹ, Mai Nhân tuyển chọn in bộ sách 10 cuốn Văn xuôi lãng mạn Việt Nam 1887-2000 (NXB Tổng hợp TP.HCM và NXB Văn hóa Sài Gòn), rất được hoan nghênh.

Năm 1992, Hoàng Lại Giang quyết định in tác phẩm Chân dung nhà văn bằng chữ viết tay của nhà thơ Xuân Sách. Chỉ chưa đầy một tuần sau khi nộp lưu chiểu, tác phẩm đã gây chấn động cả xã hội, đặc biệt trong giới nhà văn. Nhiều người đã đến NXB để chia sẻ niềm vui với ông. Thế nhưng ông lại nhận được những tin chẳng lành vì nhiều nhà văn lên án gay gắt tác phẩm này. Buồn khi tác phẩm bị thu hồi, ông tâm sự: “Nhiều người quy thủ phạm là tôi. Từ đó nhiều người trước đây rất quý tôi, bây giờ quay 180 độ thù ghét tôi, căm giận tôi. Quả là qua “chân dung”, tôi đã mất một số bạn bè thân thiết. Với tôi, đây là một mất mát đáng buồn”.

Đánh giá công tội danh nhân

Công tội của ba danh nhân đất phương Nam là Phan Thanh Giản, Lê Văn Duyệt, Trương Vĩnh Ký vẫn còn là đề tài tranh cãi tại nhiều hội thảo cũng như báo chí. Hoàng Lại Giang cũng viết về họ bằng góc nghiên cứu và nhìn nhận của cá nhân mình.

Nhà văn Hoàng Lại Giang: “Lội ngược dòng” bằng ngòi bút cá tính ảnh 2

Bên chồng bản thảo Theo dòng hồi ức Võ Văn Kiệt. Ảnh: N.TÝ

“Ai cũng thấy cụ Phan Thanh Giản đã thương dân, hết lòng vì dân. Nếu không thương dân thì sao dám can vua. Một người thương dân thì không thể là một người bán nước”. Từ cái quy luật tất yếu ấy, Hoàng Lại Giang làm một cuộc thăm dò trong 15 người, gồm giáo sư, tiến sĩ, nhà nghiên cứu, cán bộ giảng dạy. Ông không ngừng lần dò, tìm và viết. Theo ông, đánh giá của Giáo sư Trần Văn Giàu là đúng mực: “Tội để mất nước là tội của triều đình Tự Đức… Phan Thanh Giản là một đại thần, tất nhiên Phan Thanh Giản cũng có phần trách nhiệm”.

Đánh giá công trạng của Lê Văn Duyệt, Hoàng Lại Giang cho rằng để tôn vinh ông lúc này cũng đã là quá muộn. “Ông đã gieo mầm cho chủ nghĩa xã hội trong dự báo sau đó của Marx. Thời Minh Mạng, người ta không muốn nhắc đến công lao và tầm nhìn chiến lược của Lê Văn Duyệt đã là phi lịch sử rồi. Đến thời ta, ta chỉ ca tụng Thoại Ngọc Hầu như người duy nhất có công trong công trình kênh Vĩnh Tế thì quả thật là một thiếu sót đáng buồn. Một bất công lịch sử!” - ông viết.

Lê Văn Duyệt - Từ nấm mồ oan khuất đến Lăng Ông bị từ chối. Mãi ba năm sau, tác phẩm mới được in. Chính Giáo sư Đinh Xuân Lâm đã “cứu ông” trong lời giới thiệu: “Đặc biệt đối với Lê Văn Duyệt, tác giả Hoàng Lại Giang đã chú ý tới đúng mức như các chính sách mở cửa giao thương với bên ngoài, tự do tín ngưỡng, ngoại giao kết hợp biện pháp răn đe cứng rắn với cách xử lý mềm dẻo, trên tinh thần hòa hiếu giữa các dân tộc, đặc biệt là lòng dân hướng về Lê Văn Duyệt”.

Về Trương Vĩnh Ký, ông đánh giá rất cao: “Tôi kịp nhận ra rằng Trương Vĩnh Ký đi trước chúng ta cả trăm năm không chỉ về ngôn ngữ, mà dường như cả trong nhiều việc nhạy cảm khác thuộc phạm vi thế sự. Ông có cái nhìn khá mới mẻ, lối ứng xử thật không dễ hiểu cho không ít người thuộc lớp nho sĩ có phần cứng nhắc”. Dầu vậy, phải năm năm sau (tháng 1-2000), ông mới dám cầm bút viết Trương Vĩnh Ký - Bi kịch muôn đời. Tác phẩm đã “làm rõ gương mặt chân chính của một gương mặt lịch sử đặc biệt có số phận gian truân suốt cả cuộc đời, đã hơn 100 năm rồi mà “cái quan vẫn chưa định mệnh”! Hoàng Lại Giang đã làm cái công việc tưởng chừng đơn giản mà thật sự khó khăn là “chiêu tuyết” cho Trương Vĩnh Ký” - Giáo sư Đinh Xuân Lâm giới thiệu.

Tin vào niềm tin chung

Mỗi lần viết xong bản thảo về các bậc danh nhân, Hoàng Lai Giang đều tìm về nhà thờ của các cụ, đặt bản thảo, xin phép được xuất bản, từ cụ Phan, cụ Lê đến cụ Trương. Ông nói mình rất tiếc khi để mất cuốn viết về vua Hàm Nghi. “Người đời sau đánh giá các cụ như thế nào là tùy mỗi người. Theo tôi, khi người dân thờ ai, tôi tin là họ đã công nhận công lao của các vị ấy. Nhưng đánh giá thế nào cũng phải xuất phát trong tình hình của lịch sử cụ thể lúc bấy giờ. Còn nếu đánh giá theo cách mình nghĩ của thời hiện đại thì đấy là sự nhầm lẫn lịch sử, thiếu công bằng. Tôi hy vọng cụ Phan Thanh Giản, Lê Văn Duyệt được ghi nhận như cụ Trương Vĩnh Ký mà thành phố Sài Gòn đã có tên đường và tên trường mang tên Trương Vĩnh Ký” - nhà văn Hoàng Lại Giang tâm sự.

Nhà văn Hoàng Lại Giang: “Lội ngược dòng” bằng ngòi bút cá tính ảnh 3

Bên các tác phẩm của mình. Ảnh: N.TÝ

Đọc những gì nhà văn Hoàng Lại Giang viết về ba danh nhân phương Nam để đánh giá lại “công-tội” của họ, nhiều sử gia và bạn đọc đã ủng hộ ông. Quan điểm lịch sử của ông thật đáng khâm phục. Ông nói mình viết theo cảm hứng riêng, theo những gì con tim rung động, phản ứng, đồng cảm và căm giận. “Tôi viết về những gì tôi biết, tôi trải và không thể im lặng được. Tôi viết vì lẽ phải, vì công lý. Tôi viết để chống lại những bất công, những ngu dốt của những kẻ quyền thế nhưng thoái hóa lại biết đội lốt “công” làm giảm lòng tin của dân đối với Đảng” - ông bộc bạch trong Kỷ yếu Hội Nhà văn TP.HCM năm 2005.

Nhà văn Hoàng Lại Giang cho biết sau khi viết xong hai cuốn sách về Phan Thanh Giản và Lê Văn Duyệt, nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã nhờ ông viết hồi ký. Hoàn thành cuốn sách viết về Trương Vĩnh Ký, ông bắt đầu viết về ông Sáu Dân (tức nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt). Mỗi tuần ít nhất ba buổi, ông đến nhà riêng của ông Sáu Dân. Trong vòng sáu năm (2001-2006), ông viết xong 1.000 trang Theo dòng hồi ức Võ Văn Kiệt. “Ông Sáu Dân đồng ý với tôi rằng viết về ông nhưng không hoàn toàn về ông mà thông qua ông để viết về nhân dân Nam Bộ kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, nhất là tầng lớp trí thức yêu nước. Gần ông, tôi thấy được ông là người bản lĩnh, thông minh, giỏi, nhanh nhạy... với những chủ trương, chính sách lớn. Ông là con người thực tiễn sản sinh ra lý luận. Công lao của ông Sáu Dân đối với dân với nước rất lớn. Hy vọng sách sẽ ra mắt sớm” - nhà văn Hoàng Lại Giang nói thêm.

Đôi nét về nhà văn Hoàng Lại Giang:

Tên thật: Nguyễn Văn Bé, sinh ngày 20-5-1938, quê Bình Định. Các bút danh: Lại Giang, Hoàng Giang.

Lúc nhỏ học trường làng. Năm 1954: tập kết ra Bắc, học ở Trường Học sinh miền Nam. Năm 1960: Vào học khoa Ngữ văn Đại học Tổng hợp Hà Nội. Năm 1965: Công tác ở NXB Văn học. Năm 1977: Vào TP.HCM, làm biên tập - phụ trách Chi nhánh NXB Văn học phía Nam. Năm 1998: Nghỉ hưu.

Tác phẩm đã xuất bản: Trong vành đai diệt Mỹ (ký sự, 1969); Trên một đoạn ngầm (truyện vừa, 1971); Cửa Sa Va (tiểu thuyết, 1976); Chuyện về những người bạn (tập truyện, 1979); Đêm miền Đông (truyện vừa, 1983-1995); Người đàn bà tôi ao ước (truyện vừa, 1985); Gương mặt cuộc đời (tiểu thuyết, 1986); Ký ức tình yêu (tiểu thuyết, 1989); Tình yêu và tội lỗi (1988-1989); Nỗi bất hạnh tình yêu (tiểu thuyết, 1989); Ranh giới đời thường (tiểu thuyết, 1990); Khúc ngoặt dòng sông (tiểu thuyết, 1992); Phan Thanh Giản - Nỗi đau trăm năm (tiểu thuyết danh nhân, 1996). Lê Văn Duyệt - Từ nấm mồ oan khuất đến Lăng Ông (1999); Trương Vĩnh Ký - Bi kịch muôn đời (2000). Về danh nhân Trung Quốc có Khuất Nguyên, 1999; Thăng trầm Tô Đông Pha, 1999; Tuyển tập Hoàng Lại Giang (2008).

Huân chương chống Mỹ cứu nước hạng Hai.

NGUYỄN TÝ - THOẠI KHANH

(Nguyệt san Pháp Luật TP.HCM tháng 7-2010)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm