Nguyễn Trí Nghĩa: “Chuyên gia” thuyết phục tội phạm

Thiếu tá Nguyễn Trí Nghĩa là một điều tra viên dày dạn kinh nghiệm của Đội trọng án (Đội 9), Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội, Công an TP.HCM.

Với tài thuyết phục dựa trên các cơ sở chúng cứ khoa học, điều tra viên Nghĩa có thể khiến một đối tượng lì lợm, ngoan cố phải "tâm phục khẩu phục" cúi đầu nhận tội.

1. Trong các vụ trọng án thì loại án giết tài xế taxi (hoặc xe ôm) để cướp tài sản là gây khó khăn nhất cho Cơ quan điều tra. Đơn giản vì kẻ gây án hoàn toàn không có mối quan hệ xã hội với nạn nhân. Vì vậy để nhận diện được hung thủ, đòi hỏi điều tra viên phải vận dụng tối đa kinh nghiệm của mình. Kinh nghiệm ấy không có trong sách vở mà được đúc kết từ thực tiễn mà mỗi điều tra viên tích lũy được trong quá trình công tác, trau dồi nghiệp vụ.

Trong đó, cụ thể qua các vụ cướp taxi, điều tra viên Nguyễn Trí Nghĩa nghiệm ra rằng, chúng là loại tội phạm hành động có kịch bản rõ ràng, bố trí kế hoạch thực hiện cụ thể, chi tiết và do nhiều đối tượng gây ra. Thông thường chúng là những đối tượng "giang hồ tứ chiếng", tụ tập sống "bầy đàn", ăn bờ ngủ bụi ở những khu vực phức tạp về tình hình an ninh trật tự...

Gần 24 giờ ngày 1/9/2009, trong lúc đang ngon giấc thì điều tra viên Nguyễn Trí Nghĩa nhận được điện thoại của cấp trên, lệnh xuống ngay hiện trường tại trước số nhà 207, đường 5, phường Bình Trị Đông B (Bình Tân) nơi vừa xảy ra một vụ trọng án. Anh vội vã lên xe máy "đua" một mạch về hiện trường cách cơ quan hơn 10 cây số trong đêm mưa.

Hiện trường vụ án là một chiếc taxi của Hãng Vinasun biển số 56M-0099, đậu sát lề đường số 5, nơi không có đèn đường, vắng người qua lại. Bên trong xe người tài xế xấu số nằm bất động ở băng ghế sau, người bê bết máu. Nạn nhân được xác định là anh Trần Minh Phương, SN 1969, ngụ tại phường An Lạc, quận Bình Tân.

Sau khi cùng các đồng nghiệp khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi, điều tra viên Nghĩa bắt đầu hành trình đi tìm dữ liệu đắt giá để phục vụ cho quá trình phá án. Bằng kinh nghiệm dày dạn sau hơn 20 năm làm công tác điều tra, trong trường hợp này, anh không tập trung vào mối quan hệ xã hội của nạn nhân mà phải trả lời cho bằng được câu hỏi: "Kẻ phạm tội đến từ khu vực nào? Hiện tại chúng đã cao chạy xa bay hay chưa và nơi mà chúng có thể ẩn nấp?".

Từ định hướng đó, Nguyễn Trí Nghĩa áp dụng nhiều biện pháp nghiệp vụ và xác định các đối tượng gây án có thể từng quanh quẩn ở khu vực Công viên Phú Lâm (quận 6). Qua sàng lọc các đối tượng là thành phần bất hảo ở khu vực này, anh phát hiện ra sự "mất tích" đột ngột của đối tượng Nguyễn Hồng Nhàn (SN 1991, quê quán ở huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang). Ngay tức khắc, anh "khăn gói" lên đường đến An Giang.

Nguyễn Trí Nghĩa: “Chuyên gia” thuyết phục tội phạm ảnh 1

Điều tra viên Nguyễn Trí Nghĩa lấy lời khai đối tượng

Sau một thời gian ngắn mật phục, điều tra viên Nghĩa phát hiện Nhàn mò về nhà của y ở tổ 13, ấp Tây Bình, xã Vĩnh Trạch nên đã phối hợp với công an địa phương mời Nhàn về trụ sở công an làm việc. Đây là giai đoạn khó khăn thứ hai trong quá trình phá án là phải đấu tranh thế nào để kẻ phạm tội cúi đầu nhận tội. Tuy nhiên, vốn am tường về tâm lý tội phạm, tâm lý tuổi mới lớn cũng như nắm bắt được hoàn cảnh gia đình, hoàn cảnh sống của đối tượng cộng với những chứng cứ khoa học mà mình thu thập được, điều tra viên Nghĩa đã tác động sâu sắc vào nhận thức của tên cướp và y nhanh chóng nhận ra tội lỗi của mình. Nhàn khóc như một đứa trẻ, y kể lại rành rọt quá trình phạm tội của mình cũng như nỗi bất hạnh mà mình phải gánh chịu, đó cũng chính là nguyên nhân đẩy một thanh niên quê mùa trở thành tên cướp giết người không gớm tay.

Từ lời khai của tên Nhàn, điều tra viên Nghĩa phối hợp với công an địa phương bắt tiếp 2 đối tượng cùng tham gia gây án là Nguyễn Văn Thật (SN 1992) và Huỳnh Công Khanh (SN 1993; ngụ cùng địa phương với Nhàn).

Các đối tượng khai nhận, sau khi gây án chúng lục túi lấy chiếc điện thoại Nokia 6300 của nạn nhân rồi cùng đi bộ về nhà người quen của Thật ở gần Công viên Phú Lâm để ngủ. Sáng hôm sau, Nhàn đem bán điện thoại được 1,2 triệu đồng, y ra Bến xe Miền Tây để mua vé xe cho cả ba cùng về An Giang. Về đến quê, bọn chúng kéo nhau đi nhậu rồi chia tiền mỗi đứa được 100 ngàn đồng!

2. Vụ án mạng giết chết chị Tống Thị Lan (SN 1968) chủ tiệm cầm đồ Ba Son (9/5, Phan Huy Ích, phường 14, quận Gò Vấp) đã gây chấn động dư luận trong một thời gian dài không chỉ bởi hành vi dã man của bọn cướp mà chính thời gian gây án vào giữa ban ngày, kẻ cướp đã xông vào nhà để giết người, cướp của. Do vậy, để trấn an dư luận, Ban giám đốc Công an TP.HCM chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ phải nhanh chóng tìm ra hung thủ.

Lập tức, Công an quận Gò Vấp tung nhiều điều tra viên, trinh sát lao vào cuộc điều tra nhưng sau hơn một tháng vẫn chưa tìm ra được manh mối nào, hồ sơ vụ án được chuyển giao cho Đội 9, PC45 thụ lý và điều tra viên Nguyễn Trí Nghĩa được giao nhiệm vụ phá án. Qua nghiên cứu hồ sơ và dùng nhiều biện pháp nghiệp vụ khác, không lâu sau đó, điều tra viên Nghĩa đã có đủ cơ sở để xác định hung thủ gây án chính là Ngô Quang Cường, ở ấp Hòa, xã Hòa Hưng, Cái Bè, Tiền Giang. Ngay sau đó, điều tra viên Nghĩa một mình tức tốc "lặn lội" về Tiền Giang nhưng không kịp bởi trước đó ít ngày Cường đã rời khỏi nơi thường trú.

Nhiều lần rà soát ở những nơi mà Cường có thể đến nhưng kẻ sát nhân vẫn chưa lộ diện. Tuy nhiên, khi khâu quan trọng nhất trong quá trình điều tra khám phá án là xác định đối tượng gây án đã hoàn thành thì việc bắt giữ đối tượng chỉ còn là vấn đề thời gian. Và giải pháp được Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP.HCM áp dụng trong hoàn cảnh này chính là nhờ sự giúp đỡ của quần chúng nhân dân - ngày 26/2/2008, Cơ quan Cảnh sát điều tra đã ra quyết định khởi tố bị can và quyết định truy nã đối với tên Ngô Văn Cường.

Chỉ 10 ngày sau, từ nguồn tin của quần chúng, điều tra viên Nghĩa cùng đồng đội đã tóm được Cường khi y đang đi "du lịch" ở Vũng Tàu. Tuy lúc đầu Cường ngoan cố không nhận tội nhưng trước những chứng cứ không thể chối cãi cùng lập luận sắc bén của điều tra viên Nghĩa, Cường không chỉ "tâm phục khẩu phục" mà còn "lập công" khi cho biết, tham gia gây án còn có đồng bọn của y tên là Trân. Nhưng Trân quê quán ở đâu, làm nghề gì thì y không biết vì chỉ quen nhau ở ngoài đường, thấy hợp ý nên kết bạn rồi gây án.

Nguyễn Trí Nghĩa: “Chuyên gia” thuyết phục tội phạm ảnh 2

Hai đối tượng giết chủ tiệm cầm đồ Ba Son

Đối với người bình thường, tìm một người tên Trân trong một đất nước có hơn 80 triệu dân có lẽ như chuyện mò kim đáy biển, nhưng đối với người làm công tác điều tra dạn dày kinh nghiệm thì đó không phải là chuyện quá khó, nhưng đòi hỏi phải mất nhiều công sức sàng lọc trên cơ sở các dữ liệu mà điều tra viên thu thập được. Và trong số nhiều đối tượng tên Trân mà điều tra viên Nghĩa đưa vào tầm ngắm thì một đối tượng tên Nguyễn Quang Trân (SN 1988, ở thôn Phú Thuận, xã Mỹ Sơn, Ninh Sơn, Bình Thuận) là "đáng chú ý" nhất. Tuy nhiên, để xác định chính xác có đúng đối tượng hay không thì điều tra viên Nghĩa lại phải bất kể gió mưa, vượt hàng trăm cây số để tìm về thôn Phú Thuận.

Rất may khi trinh sát tìm đến nơi thì Trân đang có mặt ở địa phương, song y ở lì mãi trong nhà nên để tiếp cận hắn, anh Nghĩa phải đóng vai người quen của một người hàng xóm với Trân. Ngay sau đó, Trân được mời về trụ sở Công an xã Mỹ Sơn làm việc. Tuy nhiên, đây cũng là giai đoạn hết sức khó khăn bởi lẽ trong tay của các điều tra viên hoàn toàn không có một dữ liệu nào về đối tượng này ngoài những lời khai của Cường mà như thế thì rất khó để đấu tranh. Nếu không thuyết phục được Trân nhận tội thì y sẽ trốn mất, vụ án sẽ tiếp tục kéo dài.

Đang trong lúc cân não, anh Nghĩa chợt phát hiện một chi tiết trong lý lịch của Trân đó là người theo đạo. Ngay lập tức, những hiểu biết về tâm lý học tôn giáo được điều tra viên Nghĩa áp dụng vào thực tiễn và chỉ sau 30 phút đã "bẻ gãy" được cái đầu lạnh của tên Trân, y khai báo toàn bộ hành vi phạm tội của mình, phù hợp với tình tiết của vụ án.

Theo Mã Thanh Hải (ANTG)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm