Người mẹ vùng cát

Tảo tần nuôi con làm cách mạng

Mẹ là mẹ Lê Thị Thường, sinh năm 1914. Tên là Thường, mẹ sống giữa đời thường giản dị như bao người đàn bà vùng quê nghèo. Đi lấy chồng, mẹ mang theo cái chang trên búi tóc, tóc phải để dành rất lâu mới đủ quấn mấy lượt. Mẹ Thường sinh cả thảy 11 người con.

Người mẹ vùng cát ảnh 1

Mẹ hy sinh vì con và cách mạng. Ảnh minh họa: ST

Sinh nhiều, rổ khoai lang đất cát bòn mót chỉ đủ cho đám con lau nhau tranh phần. Mẹ cứ tảo tần mò ốc, bắt cua, lần hồi trên sông Trùm Lang nuôi con lớn lên. Khổ cực vì nghèo có lẽ đã quá sức chịu đựng, vậy mà thêm chiến tranh tràn đến. Chồng của mẹ, ông Nguyễn Kiều, tham gia cách mạng từ rất sớm. Trong kháng chiến chống Pháp, ông suốt ngày đi công tác. Mẹ Thường vừa chăm con vừa tham gia nuôi quân.

Kháng chiến chống Pháp kết thúc thắng lợi nhưng hòa bình lập lại không bao lâu thì miền Nam rơi vào cảnh đau thương. Máu người lại đổ, cát đỏ như mắt người ly biệt ngóng chờ chồng con đi tập kết trở về. Sông Trùm Lang và nhiều con sông nữa chảy qua những xóm làng Điện Bàn trở thành nơi chứa nỗi hận của những người cộng sản kiên trung bị thủ tiêu bí mật, bị bỏ bao bố trôi sông.

Luật số 10/59 ra đời, chính quyền Ngô Đình Diệm lê máy chém đi khắp nơi, tố cộng diệt cộng nhằm đặt cộng sản ra ngoài vòng pháp luật. Chồng của mẹ Thường thuộc thành phần đầu tiên bị hành hạ, đánh đập. Chúng bắt ông ly khai, xé cờ Đảng nhưng ông không thay lòng đổi dạ. Chúng đưa ông lên Thanh Quýt tra khảo. Mẹ bảo con gái Nguyễn Thị Chiêu vào trại giam đưa cơm cho cha. Thấy cha bị treo người trên lạt cật, tay đứt tóe máu, cô sợ quá khóc chạy về làng.

Nuôi giấu cán bộ

Ông Nguyễn Hồng Thắng, nguyên Bí thư Huyện ủy Điện Bàn, nhớ lại: “Những năm 1954-1960, nhà bà Thường được Huyện ủy chọn làm điểm đứng chân. Ông Nguyễn Đức An, Bí thư Huyện ủy, lần nào về vùng cát cũng ở đây. Các vị lãnh đạo của Tỉnh ủy Quảng Nam như Cao Sơn Pháo, Mười Khôi... cũng chọn nhà bà Thường để ở. Căn nhà có hầm xây gạch, đổ bê-tông, 14 người có thể ngồi họp trong hầm”.

Tuy nhiên, giữ bí mật nơi nuôi giấu cán bộ là việc hết sức kỳ công, luôn đối mặt với hiểm nguy. Chồng của mẹ thường bị kẻ thù kêu lên, kêu xuống. Có lần, chúng bắt ông đem về nhà thờ tộc Trần đánh bầm dập khắp mình mẩy. Một lần khác, vào tháng 12-1957, sau khi cơ sở bị bể, địch bắt hai cha con Nguyễn Kiều - Nguyễn Cư. Chúng đánh tơi bời rồi thả ông Kiều lê lết trở về, bắt Nguyễn Cư đưa lên La Thọ học tố cộng rồi đưa xuống giam tại nhà lao Hội An.

Người mẹ vùng cát ảnh 2

Tảo tần. Ảnh: ST

Cũng theo lời kể của ông Nguyễn Hồng Thắng, Nguyễn Cư là một cán bộ hết sức trung kiên, đầy lòng quả cảm. Anh đã từng nghĩ phải chọn cái chết để địch không thể hành hạ mình và gia đình nữa. Có lúc Nguyễn Cư xé xác cóc lấy mật để nuốt nhưng lạ thay không chết được. Trên đường địch dẫn đi, Nguyễn Cư muốn nhảy cầu tự vẫn để giữ vững khí tiết. Song tất cả biện pháp tìm đến cái chết đều bất thành. Nguyễn Cư phải vào nhà lao Hội An suốt sáu năm ròng, cho đến năm 1963 mới được thả.

Nguyễn Cư ra tù thì thoát ly tham gia đội công tác vùng cát. Sau đó, anh được điều lên huyện học tập và đảm trách chức vụ Phó Bí thư Huyện đoàn. Khi vùng cát phá kìm, một đêm trăng sáng Nguyễn Cư về Điện Nam. Điều này trái với phương thức hoạt động của quân ta thời đó là “Tối trăng thì xuống, sáng trăng thì lên” - tức chỉ có thể xuống cơ sở vùng địch chiếm lúc tối trời, còn sáng trăng thì quay lên căn cứ. Về đến vùng cát, Nguyễn Cư bị lộ, chiến đấu và anh dũng hy sinh.

Mối thù đã khiến những người con của mẹ Thường không thể nào ngồi yên được. Lần lượt Nguyễn Hồng Chương, Nguyễn Thị Liệu, Nguyễn Thị Toan, Nguyễn Thị Chiêu đều tham gia kháng chiến. Họ thoát ly, tham gia các đội vũ trang, bộ đội, hoặc cùng đi với đội quân tóc dài đấu tranh chính trị.

Đêm hôm đi về lặng lẽ, mẹ Thường lại rúc rích kiếm củ khoai lang, nồi cơm nguội. Để con có được những miếng ăn lót dạ ấy, mẹ phải tìm kiếm cả ngày, vừa phải che tai mắt tề điệp. Khổ nỗi, mỗi khi con mẹ ghé về là đêm đó có trận đánh, có kẻ ác ôn nào đó đền mạng. Đến sáng ra thì mẹ bị “hỏi thăm” và đêm tiếp theo phải lên hội đồng xã, trụ sở ấp mà ngủ. Kẻ thù muốn lấy thân nhân cộng sản làm bình phong che chắn. Chúng không từ thủ đoạn nào để hành hạ con người.

Người đàn bà trọc đầu

Có lần hội đồng xã bị đánh, địch nghi ngờ mẹ Thường. Chúng bắt mẹ đem lên nổng cát tra tấn. Chúng chôn mẹ trong cát, chỉ còn chừa cái đầu lòi ra. Tối ấy, chúng bắt mẹ lên ngủ tại cơ quan hội đồng xã, làm bia đỡ đạn cho chúng nếu ta về tấn công.

Ấp chiến lược bị phá, bọn hội đồng lại bắt bà con rào lại. Chúng bắt những gia đình có người thân tham gia kháng chiến phải nộp 80 gốc tre. Mẹ Thường bị chúng kêu lên kêu xuống. Khổ nỗi mẹ biết lấy đâu ra gốc tre, cũng không có tiền để mua. Bị dồn riết, cuối cùng mẹ phải cắt mái tóc dày và đẹp của mình bán cho người ta để lấy tiền nộp cho bọn hội đồng xã.

Người mẹ vùng cát ảnh 3

Sông Cổ Cò. Ảnh: ST

“Tóc mẹ tôi dày lắm, làm được gần hai cái chang, bán 120 đồng. Nhưng tội nghiệp, mẹ gần như bị trọc” - bà Chiêu, con gái mẹ Thường sụt sùi kể. Ông Nguyễn Hồng Thắng vùng cát, nghe kể chuyện này không cầm được nước mắt. Bọn tề điệp chưa để cho mẹ được yên. Mẹ mới sinh con bảy ngày, lại bị chúng đem lên cồn phơi nắng vì trụ sở hội đồng lại bị ta tập kích.

Chồng mất, rồi mẹ Thường lại mất con. Nguyễn Cư hy sinh năm 1963, Nguyễn Thị Liệu bị bắt đi tù ở Biên Hòa, Nguyễn Hồng Chương hy sinh năm 1969.

Đời mẹ Thường là một chuỗi dài kế tiếp những thương đau. Cho đến khi mất, hình như mẹ chưa có được một ngày hạnh phúc. Mẹ đã thành mẹ Việt Nam anh hùng trên dải cát đau thương mà anh dũng này.

Quê hương xưa giờ mọc lên những nhà máy của khu công nghiệp Điện Nam-Điện Ngọc sầm uất. Còn lại được cái gì của quá khứ? Còn đấy! Cái chang tóc của mẹ Thường. Hình tượng của bà mẹ nghèo yêu nước, có mái tóc đẹp vẫn đổ bóng xuống thời gian cõi người, vẫn như dấu vết lịch sử hằn in trên quê hương tôi.

NGUYỄN HỮU ĐỔNG

(Nguyệt san Pháp Luật TP.HCM tháng 10-2009)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm